Âm nhạc giúp hồi phục nhanh sau đột qụy
Âm nhạc không chỉ làm giảm nguy cơ bị đột qụy mà còn góp phần khôi phục nhanh những hậu quả do đột qụy để lại.
Theo thống kê, hàng năm ở Anh có tới 150.000 người bị đột qụy, gần 60% trong số đó đã bị mất khả năng cảm thụ bằng thị giác sau đột qụy và bắt đầu xuất hiện hiện hội chứng “mù nửa không gian”.
Hội chứng này làm hỏng vùng não bộ phụ trách điều phối hình ảnh trực quan, sự chú ý và lập kế hoạch hành động, đồng thời làm hỏng vùng não phụ trách điều chỉnh thị lực hoạt động bình thường.
Để khẳng định vai trò của âm nhạc đối với việc khắc phục hậu quả của đột qụy nói chung và hội chứng “mù nửa không gian” nói riêng, các nhà khoa học Anh đã tiến hành nghiên cứu với 3 bệnh nhân khác nhau ở những điều kiện khác nhau để đánh giá khả năng nhận biết đối tượng trong điểm mù khi có tác động: một người thường xuyên nghe nhạc mà họ yêu thích, một người thường xuyên phải nghe nhạc mà họ không thích và người thứ 3 không nghe gì.
Kết quả là người đầu tiên có khả năng chỉ ra nguồn gốc của ánh sáng trong 65% trường hợp, trong khi người thứ hai và thứ ba chỉ có khả năng phán đoán trong 15% trường hợp.
Từ đó, các nhà khoa học Anh đã đi đến khẳng định rằng, âm nhạc có khả năng gợi ra những cảm xúc mạnh mẽ, làm tăng hiệu quả truyền tín hiệu cũng như khả năng phân tích những xung động trong não bộ và góp phần làm cho bệnh nhân sớm bình phục hơn.
Tiến sĩ Soto sau khi đánh giá kết quả nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng, cần phải chú trọng vào yếu tố cảm xúc khi điều trị cho bệnh nhân bị hội chứng “mù nửa không gian” cũng như những rối loại thần kinh khác gây ra do hậu quả của đột qụy.
Trước đây, việc chữa trị cho bệnh nhân bị đột qụy là rất khó vì y học khi đó cũng chỉ có thể khôi phục một phần chức năng của não bộ. Tuy nhiên, đến nay qua nghiên cứu các yếu tố về cảm xúc các nhà khoa học đã phát hiện ra cách mới để khôi phục các vùng não bộ đã bị tổn thương, khôi phục khả năng hoạt động cũng như khả năng trí tuệ của bệnh nhân sau đột qụy.