Ám ảnh những bãi rác khổng lồ chất cao như núi khắp nơi trên thế giới, có chỗ cao hơn 65 mét, rộng hơn 40 sân bóng đá
Hình ảnh những bãi rác khổng lồ nhất thế giới, chỉ nhìn thôi cũng khiến nhiều người cảm thấy ám ảnh.
Rác thải sinh hoạt là các chất rắn bị loại ra trong quá trình sống, sinh hoạt, hoạt động, sản xuất của con người và động vật. Dù không muốn nhưng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thì con người buộc phải xả rác, những bãi tập kết rác cũng từ đó mà xuất hiện.
Theo EPA, trung bình một người Mỹ thải ra khoảng 1,9kg rác mỗi ngày. Con số nghe có vẻ chẳng đáng là bao, nhưng dân số của Mỹ là khoảng 320 triệu người.
Tính xem, điều đó có nghĩa là người Mỹ thải ra gần 500.000 tấn rác mỗi ngày đấy.
Đấy là một ví dụ nho nhỏ ở Mỹ, còn ở nhiều quốc gia khác, rác đã trở thành vấn nạn mà không biết đến bao giờ các nhà chức trách mới tìm ra được giải pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.
Dưới đây là hình ảnh những bãi rác khổng lồ nhất thế giới, chỉ nhìn thôi cũng khiến nhiều người cảm thấy ám ảnh.
Bãi rác Ghazipur cao chót vót ở rìa phía đông thủ đô New Delhi (Ấn Độ) khiến nhiều người choáng váng. Núi rác này dự kiến sẽ còn cao hơn cả đền Taj Mahal vào năm sau, trở thành "biểu tượng" của thủ đô bị Liên Hợp Quốc xem là ô nhiễm nhất thế giới.
Bãi rác Ghazipur đã được mở vào năm 1984 và đạt tối đa công suất vào năm 2002 nhưng vẫn chưa bị đóng cửa, rác thải từ khắp thành phố hàng ngày vẫn tiếp tục được chyển tới đây trên hàng trăm xe tải. Chiếm diện tích tương đương hơn 40 sân bóng đá, Ghazipur đã cao hơn 65m và vẫn cao thêm gần 10m mỗi năm với mùi hôi thối ngày một nồng nặc.
Đây là bãi rác khổng lồ ở bang Indiana (Mỹ). Người ta ước tính rằng nó sẽ tiếp tục phải nhận chất thải trong 20 năm nữa và có thể tiếp tục mở rộng diện tích nhiều hơn thế nữa. Các nhà chức trách đang nỗ lực hiện đại hóa phương thức xử lý chất thải.
Nằm ở bang California, bãi rác mang tên Puente Hills rộng khoảng 700 mẫu Anh. Ngày nay, khí metan được tạo ra bởi núi rác này được tận dụng để tạo ra điện ở Los Angeles và các khu vực lân cận.
Đảo Staten ở New York là nơi có bãi rác Fresh Kills, cái tên nghe có vẻ đáng sợ, nó thực sự bắt nguồn từ tiếng Hà Lan cũ. Nó chứa 150 triệu tấn rác và bị đóng cửa vào năm 2001 sau khi 2 tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới bị khủng bố. Những mảnh vụn của 2 tòa nhà được di chuyển đến đây.
Một trong những bãi rác lớn nhất của Mỹ là bãi rác Apex ở Las Vegas. Bãi rác được mệnh danh là "voi ma mút" này rộng khoảng 2.200 mẫu Anh nằm ngay bên ngoài phía Bắc thành phố Las Vegas. Nó hiện đang chứa khoảng 50 triệu tấn nhưng được dự đoán sẽ chứa đến một tỷ tấn chất thải trước khi bị đóng cửa. Mỗi ngày có khoảng 9.000 tấn rác đổ về đây.
Bãi rác Olusosun là bãi rác lớn nhất châu Phi, nhận tới 10.000 tấn rác mỗi ngày. Một phần đáng kể trong số này là chất thải từ các tàu container. Người dân xung quanh khu vực này kiếm sống bằng nghề nhặt rác.
Bãi rác Sudokwon của Hàn Quốc là một trong những bãi rác lớn nhất thế giới. Bãi rác này nhận tới 20.000 tấn rác mỗi ngày. Giống như nhiều bãi rác lớn, khí metan được thu thập để sản xuất điện cho thành phố Incheon, Hàn Quốc gần đó.
Xuất hiện trong bộ phim tài liệu được đề cử giải Oscar, bãi rác khổng lồ Jardim Gramacho ở thành phố Rio de Janeiro (Brazil) thu hút tới khoảng 3.000 người nhặt rác mỗi ngày. Họ thu gom hàng trăm tấn chất thải có thể tái chế.
Bãi rác Bordo Poniente ở Mexico thậm chí còn lớn hơn bãi rác Sudokwon ở Hàn Quốc. Trước khi đóng cửa, Bordo Poniente đã thu nhận khoảng 12.000 tấn rác mỗi ngày từ thành phố Mexico gần đó. Tuy nhiên, kể từ khi đóng cửa, hàng tấn chất thải rắn vẫn được đưa đến đây mỗi ngày và chính quyền thành phố dường như không có kế hoạch nào để di dời bãi rác.
Bãi rác Guiyu ở miền Nam Trung Quốc. Ngoài việc là một trong những bãi rác lớn nhất thế giới, nó còn là một trong những nơi nguy hiểm nhất, đôi khi được gọi là một nghĩa địa điện tử. Hơn 150.000 công nhân làm việc ở đây để tháo rời các thiết bị điện tử cũ, gom lại các bộ phận có thể sử dụng hoặc bán được, phần còn lại vứt vào bãi rác. Từ đó, các hóa chất độc hại ngấm vào đất và nước. Phần lớn trẻ em sống gần bãi rác được phát hiện có nồng độ chì trong máu cao hơn mức được các chuyên gia coi là an toàn.
Và còn rất nhiều bãi rác vô cùng ô nhiễm trên khắp thế giới...
(Nguồn: Exploredia)