Alice ở xứ sở thần tiên: Câu chuyện trẻ em nhuốm màu đen tối và cuộc đời Alice ngoài đời thật khiến nhiều người ngỡ ngàng
Là một trong những câu chuyện thần tiên nằm lòng và mang những ảnh hưởng văn hóa đối với nhiều thế hệ thanh thiếu niên trong hơn 150 năm qua, tuy nhiên ít ai biết, hoàn cảnh ra đời cũng như nguồn cảm hứng của “Alice ở xứ sở thần tiên” lại hoàn toàn không trong sáng như chúng ta đã nghĩ.
Kể từ khi ra đời vào năm 1865, cuốn sách Alice's Adventures in Wonderland (Alice ở xứ sở thần tiên) của tác giả Lewis Carroll đã khiến cho nhiều thế hệ độc giả đắm chìm trong thế giới kỳ ảo đầy phép màu đến mê hoặc. Cuộc phiêu lưu của cô gái nhỏ Alice bị rơi vào hang thỏ, trở thành người khổng lồ rồi hóa tí hon, đối đầu với bà hoàng hậu Đỏ, hoàng hậu Trắng, các quân bài ma thuật… hơn 150 năm qua đã không ít lần được đem ra mổ xẻ, phân tích về ý nghĩa thật sự của toàn bộ câu chuyện. Cho đến ngày nay, nó vẫn là một đề tài tranh luận không hồi kết của rất nhiều bạn đọc.
Lewis Carroll sáng tác câu chuyện "Alice ở xứ sở thần tiên" lấy cảm hứng từ cô bé 10 tuổi, Alice Liddell.
Trong một bài viết của Will Brooker, giáo sư đại học Kingston (London), tác giả cuốn sách “Alice ở xứ sở thần tiên: Lewis Carroll trong văn hóa đại chúng”, cho biết, ở mỗi thế hệ độc giả sẽ có cách nhìn nhận về câu chuyện này theo xu hướng ở thời đại của mình.
“Những năm 1930, người ta phân tích câu chuyện theo khía cạnh tâm lý học. Đến thập niên 1960, câu chuyện được hiểu theo chiều hướng ảo giác phiêu diêu của ma túy. Cho đến những năm 1990, nhận định về câu chuyện lại được đánh giá mang yếu tố ấu dâm”, Will chia sẻ trên Telegraph. “Câu chuyện thần tiên của Alice ban đầu được đánh giá là đáng yêu, sinh động nhưng hơi vô nghĩa và người ta bắt đầu suy nghĩ rằng chắc chắn phải có ẩn chứa sâu xa hơn bên trong câu chuyện này”.
Câu chuyện trẻ em này trở thành một tác phẩm bất hủ trong hơn 150 năm qua.
Thực tế về sự yêu thích trên mức bình thường của Lewis đối với Alice, hình mẫu của nhân vật chính trong “Alice ở xứ sở thần tiên” lại càng củng cố thêm nhận định rằng tác phẩm này chính là một câu chuyện thần tiên nhuốm màu đen tối.
Câu chuyện “Alice ở xứ xở thần tiên” được Lewis sáng tác dựa trên một hình mẫu có thật, chính là con gái của một người bạn, cô bé 10 tuổi Alice Liddell. Mối quan hệ mật thiết của Lewis và Alice và những bức ảnh nhạy cảm mà ông đã chụp cô bé sau này khiến cho nhiều người đặt ra nghi vấn rằng, liệu Lewis chính là một kẻ ấu dâm và tác phẩm cổ tích huyền thoại này phải chăng chứa đựng một thông điệp không hề trong sáng như nhiều người vẫn nghĩ?
Ba chị em gái nhà Liddell trong bức ảnh do Lewis chụp (Alice nằm ngoài cùng bên phải).
Alice Liddell sinh ngày 4/5/1852 tại Westminster, London. Bà là con gái thứ 4 trong gia đình có 10 người con của ông Henry và bà Lorina Liddell. Năm 1856, gia đình Liddell chuyển đến Oxford sinh sống. Tại đây họ đã gặp gỡ và trở thành bạn với nhiếp ảnh gia - nhà văn Charles Lutwidge Dodgson, người được biết đến với bút danh Lewis Carroll. Sau này nhà Liddell và Lewis trở thành những người bạn vô cùng thân thiết. Lewis thường xuyên mang máy ảnh đến chụp những cô con gái nhà Liddell và đưa các cô bé đi chơi.
Năm 1962, trong một lần đưa ba cô con gái nhà Liddell: Alice, Edith và Lorina đi dã ngoại, Lewis vì muốn làm vui lòng những đứa trẻ đã sáng tác ra một câu chuyện với nhân vật chính được lấy tên của Alice. Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của cô bé rơi xuống hang thỏ đã khiến cho Alice vô cùng phấn khích. Alice đã hết mực nài nỉ chú Lewis hãy viết câu chuyện ra giấy cho cô bé. Lewis gật đầu đồng ý. Cho đến khi ông mang cuốn sách tặng cho Alice và chia sẻ câu chuyện với những người bạn khác, nhìn thấy phản ứng của họ, Lewis nhận ra rằng mình đang nắm giữ trong tay một tuyệt tác mà đến hàng thế kỷ sau vẫn được xem là một cuốn sách kinh điển nhất.
Cô bé Alice chính là "nàng thơ" mà Lewis yêu quý nhất.
Nhiều người nhận định rằng, mối quan hệ của Alice, một cô bé chỉ mới 10 tuổi đầu và một người đàn ông trưởng thành như Lewis là vô cùng kỳ lạ, vượt quá ranh giới của một mối quan hệ chú cháu đơn thuần.
Trong suốt nhiều năm kề cận bên gia đình Liddell, Lewis đã thuyết phục gia đình cho ông ta chụp ảnh các cô con gái của họ. Ông Henry và bà Lorina thậm chí còn rất vui mừng khi có một chàng nhiếp ảnh gia lịch sự nho nhã chịu chụp ảnh cho gia đình họ. Trong số những đứa con nhà Liddell, Alice được Lewis ưu ái và dành nhiều thời gian để chụp ảnh cho cô bé nhất. Tuy vậy, giữa hàng nghìn bức ảnh đã được chụp, có một vài tấm ảnh mà khi nhìn thấy, nhiều bậc phụ huynh phải giật mình thon thót với câu hỏi rằng, liệu người chụp ảnh này có đang vượt quá giới hạn của mình hay không.
Nhiều người cảm thấy tình cảm giữa Lewis và Alice đã vượt khỏi giới hạn bình thường giữa một cô bé và một người đàn ông trưởng thành.
Chẳng hạn như trong một bức ảnh, Alice mặc một chiếc đầm trắng với phần vai áo trễ nải. Một bức khác là hình vẽ một cô bé 7 tuổi có tên Beatrice Hatch đang khỏa thân ngồi trên một mỏm đá ngoài biển. Tất cả những tấm ảnh nhạy cảm này đều được Lewis giấu kín trong bộ sưu tập riêng của mình và mãi nhiều năm sau khi ông chết số ảnh mới được phát hiện. Trong số đó còn có một bức ảnh gây sốc của Lorina - chị gái của Alice, cô bé hoàn toàn không một mảnh vải che thân.
Đến năm 1863, mối quan hệ thân thiết giữa gia đình Liddell và Lewis đột nhiên bị cắt đứt không rõ nguyên do. Một số người nói rằng nguyên nhân là bởi tình cảm vượt giới hạn của Lewis đối với cô bé Alice chỉ mới 11 tuổi, thậm chí ông ta còn ngỏ ý muốn cưới cô bé. Một số thông tin khác khẳng định, chị gái của Alice, Lorina đã yêu thầm Lewis nhưng ông ta chỉ một mực muốn tiến tới với Alice mà thôi. Cho đến ngày nay, tất cả mọi lời giải thích cũng chỉ là suy đoán bởi đoạn nhật ký mà Lewis viết trong giai đoạn này cũng như những bức ảnh ông chụp đã bị chính ông xé bỏ và đốt rụi.
Những trang nhật ký của Lewis trong giai đoạn cắt đứt quan hệ với nhà Liddell đã bị xé nát và đốt bỏ.
Năm 28 tuổi, Alice kết hôn với Reginald Hargreaves - một cầu thủ chơi cricket. Hôn lễ long trọng của họ được tổ chức tại Westminster Abbey. Cặp đôi sinh được 3 người con trai: Alen, Leopold và Caryl. Tuy vậy, hai người con trai đầu của bà Alice đã tham gia chiến đấu và bất hạnh hy sinh trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất.
Bà Alice phải bán đi cuốn "Alice ở xứ sở thần tiên" đầu tiên để trang trải cuộc sống lúc già.
Năm 1926, sau khi ông Reginald qua đời, bà Alice một mình sống trong căn biệt thự to lớn. Tuy nhiên, cuộc sống của một quả phụ thiếu thốn cả về tình cảm lẫn kinh tế khiến cho bà Alice suy kiệt. Đến cuối cùng, Alice buộc phải bán luôn cả cuốn "Alice ở xứ sở thần tiên" đầu tiên mà Lewis Carroll đã tặng cho bà để trang trải cuộc sống. Năm 1934, bà Alice qua đời ở tuổi 82. Bà được chôn cất tại một nghĩa trang ở Lyndhurst, Hampshire.
Bà Alice ở những năm cuối đời.
Lewis Carroll sống độc thân cho đến khi qua đời vào năm 1898. Ông cũng từng cho ra đời nhiều cuốn sách khác nhau nhưng không có một tác phẩm nào có thể đạt đến sự nổi tiếng và trở thành bất hủ như “Alice ở xứ sở thần tiên”.
(Nguồn: Telegraph, The Vinatge News, Allthatsinteresting)