Ai không nên ăn mướp đắng?

Thanh Thanh (Tổng hợp)/VTC News,
Chia sẻ

Mướp đắng là loại rau quen thuộc được nhiều người yêu thích, tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn được loại rau này.

Từ lâu mướp đắng đã là món ăn quen thuộc trong bữa cơm của người Việt Nam. Mướp đắng được nhiều người yêu thích vì thơm ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Đặc biệt, mướp đắng cũng rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn được loại thực phẩm này.

Tác dụng của mướp đắng với sức khoẻ

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, mướp đắng là loại quả ăn được có vị đắng. Trong thành phần của loại thực phẩm này chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như các loại vitamin (C, B1, B12,...), canxi, kali, sắt, kẽm, chất xơ, protein, chất béo, beta-caroten,...

Có thể kể đến các tác dụng cho sức khỏe của người sử dụng đến từ loại thực phẩm này như sau:

- Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường type 2: Đây là loại thực phẩm làm giảm lượng đường trong máu qua việc làm tăng quá trình chuyển hóa glucose. Loại thực phẩm này có tác dụng hỗ trợ điều trị cho người bệnh mắc tiểu đường type 2.

- Giảm cholesterol trong máu: Sử dụng khổ qua cũng có tác dụng trong việc giúp làm giảm cholesterol trong máu. Từ đó, hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch, hạn chế một cách đáng kể nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

- Tăng cường hệ miễn dịch: Tiêu thụ khổ qua sẽ giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch để phòng ngừa bệnh tật và nhiễm khuẩn. Từ đó, giúp phòng ngừa cảm lạnh, hạn chế khả năng bị dị ứng thực phẩm. Cùng với đó, giảm thiểu nguy cơ mắc chứng khó tiêu hay chứng trào ngược dạ dày thực quản.

- Hỗ trợ giảm cân: Đi kèm với đó, khổ qua cũng là một loại thực phẩm bạn có thể lựa chọn thêm vào thực đơn ăn kiêng của mình. Bởi nó chứa hàm lượng calo thấp, tạo cảm giác no lâu hơn, hỗ trợ cho quá trình giảm cân của bạn đạt được hiệu quả như mong muốn để kiểm soát và duy trì ở mức cân nặng hợp lý.

- Giảm tình trạng táo bón: Trong thành phần của khổ qua có chứa chất xơ giúp kích thích nhuận tràng. Do vậy, việc tiêu thụ loại thực phẩm này có thể giúp cơ thể dễ dàng đi đại tiện hơn, giảm thiểu tình trạng táo bón.

Ai không nên ăn mướp đắng? - Ảnh 1.

Những người không nên ăn mướp đắng

Dù mướp đắng có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe nhưng chính vì loại quả này có nhiều dược tính nên không phải ai cũng có thể ăn được. Báo Sức khoẻ & Đơi sống dẫn nguồn lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) khuyên rằng 4 nhóm người sau đây không nên ăn mướp đắng:

Người huyết áp thấp

Theo vị lương y, trong quả mướp đắng có chứa chất charantin, Polypeptid-P và Vicine có khả năng làm hạ đường huyết, dẫn đến tụt huyết áp, nên những người có tiền sử huyết áp thấp không nên sử dụng mướp đắng.

Người có vấn đề về hệ tiêu hóa

Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, nếu lạm dụng, ăn quá nhiều mướp đắng có thể ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa, gây tiêu chảy, ảnh hưởng đến dạ dày. Lương y khuyên những người đang mắc bệnh tiêu hóa không nên ăn nhiều mướp đắng, nếu có thể kiêng thì càng tốt.

Phụ nữ mang thai và cho con bú

Lương y Sáng cho biết, mướp đắng có thể gây co thắt tử cung, xuất huyết và dẫn đến sảy thai. Ngoài ra, phụ nữ mang thai ăn nhiều mướp đắng có thể gây kích thích tử cung và dẫn đến sinh non. Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn mướp đắng vì một số thành phần không tốt có thể được truyền qua sữa mẹ.

Người mới phẫu thuật

Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng cho rằng việc ăn mướp đắng ngay khi mới phẫu thuật sẽ gây cản trở quá trình kiểm soát đường huyết của bệnh nhân. Tốt nhất người bệnh nên ngừng ăn mướp đắng trong ít nhất 2 tuần trước và sau phẫu thuật.

Trên đây là những người được khuyến cáo không nên ăn mướp đắng. Nếu như bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa mướp đắng nhé.

Chia sẻ