9 ngư dân Bình Thuận trở về từ cõi chết - chuyện chưa kể: Những đứa con ở lại với mẹ biển
Những căn nhà đã dựng sẵn phần rạp và bàn ghế chờ đúng ngày, giờ làm ma chay. Không quan tài, không lễ động quan hay nhập quan... chỉ có những nỗi đau nghẹn đến cắt lòng.
Sau nhiều ngày ra khơi, tàu BTH 97478 TS mất liên lạc vào ngày 10/7, nhận thấy tàu chìm dần, thuyền trưởng cùng 14 thuyền viên còn lại chia nhau xuống 2 thúng chai, một thúng 7 người, một thúng 8 người, rồi thả trôi giữa biển khơi. Sau 9 ngày lênh đênh trên biển, thúng 7 người được một tàu Bình Định tiếp cận và cứu, lúc này trên thúng chỉ 4 người còn sống.
Riêng thúng 8 người vẫn bị trôi dạt sau hơn 12 ngày mới được một chiếc tàu vận tải nước ngoài phát hiện và đưa lên tàu cấp cứu, lúc này trên thúng cũng chỉ còn 5 người sống. Các thuyền viên may mắn thoát chết đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa bàn giao (2 lần) cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận để đưa về thành phố Phan Thiết đoàn tụ với gia đình, riêng những thuyền viên xấu số... thi thể họ đã nằm lại ngoài khơi.
Chuyện chưa kể vụ 9 ngư dân Bình Thuận trở về từ cõi chết
Các thuyền viên đều cùng ngụ tại Khu dân cư Phú Tài (TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), có người là hàng xóm, có người là anh em ruột thịt... Và có lẽ chưa bao giờ xóm biển này chia làm hai thái cực pha lẫn giữa niềm vui và nỗi buồn rõ rệt như vậy.
Chính lúc này, ngư dân Phú Tài mới cảm nhận rõ rằng số phận của họ thật ra chỉ nhờ vào 2 chữ: "Trời thương".
"Nó nói đi lần này nữa thôi"
Những con đường đất và đá dẫn chúng tôi len lỏi vào sâu trong khu dân cư của xóm Phú Tài, mùi cá khô phơi dở, mùi mắm biển xồng xộc, không gian sống động mang hơi thở mặn mòi của biển.
"Có ai an ủi cũng đỡ tủi. Dù tin trên báo mấy hôm nay cứ xoáy vào lòng...", đó là câu nói của một người phụ nữ chỉ đường cho chúng tôi đến nhà của anh Lê Văn Thuận (45 tuổi), anh trai của anh Lê Văn Mót, một trong 6 người tử nạn trong vụ chìm tàu BTH 97478 TS.
Tại căn nhà tái định cư dựng tạm của anh Thuận, vô cửa phải cúi người nhưng nhiều ngày này không lúc nào ngớt khách. Nhấc ra sân chiếc bàn nhựa cùng vài chiếc ghế đã cũ. Anh Thuận như cảm nhận thấy chúng tôi sắp nói chuyện về người em trai vừa bỏ mạng ngoài biển khởi của anh.
"Ở đây là khu tái định cư, dân ở đây toàn là dân đi theo tàu cả. Trước tôi ở Đức Nghĩa sau lưng di tích Bác Hồ, được tái định cư qua đây", anh Thuận nói.
Thời điểm chúng tôi ghé đến, bàn thờ của anh Mót chỉ mới được anh trai dựng tạm, chưa nhang đèn, chưa hình thờ.
"Chưa biết ngày giờ chết nên chưa làm được, phải đợi những người đi cùng thúng với em trai tôi về ổn định để hỏi ngày giờ mất", anh Thuận nói. Trên cả hai thúng chai chỉ duy nhất có một người mang đồng hồ, chính vì vậy mà việc xem ngày, giờ mất của các ngư dân xấu số gặp nhiều khó khăn vào thời điểm họ lênh đênh trên biển trong cơn mê sảng của đói, khát. Mong cầu duy nhất lúc ấy chỉ là những dấu hiệu sống.
"Lúc đầu tôi không biết là tàu chìm, sau nghe báo đài người ta nói mới biết. Rồi cứ theo dõi tin tức miết cho đến khi người ta báo tìm được thúng chai có 7 người của tàu. Tôi tìm danh sách người trên thúng không có em trai mình, họ kể lại là còn 1 thúng chứa 8 người nữa, tôi mới nghĩ chắc là em mình bên thúng bên kia, nhưng sau đó vài ngày một tàu khác tìm được được thúng kia, họ nói với tôi chuẩn bị tinh thần...".
Nhắc về em trai mình, anh Thuận cho hay anh Mót là một người vui tính, ít nói, thường đùa giỡn với con cháu trong nhà, không nhậu nhẹt và hơn nữa là một người lo làm.
"Thằng Mót đi theo tàu ông Toàn (thuyền trưởng tàu bị chìm) 3 năm rồi, trước khi đi, đứa em út có năn nỉ nó ở nhà lần này đi, nó nói: 'Thôi tàu người ta không đủ người, để anh đi chuyến này rồi về anh đi với em', nào ngờ đó là chuyến đi cuối cùng", anh Thuận kể lại cuộc nói chuyện cuối cùng của em trai với các anh em trong nhà.
Anh Thuận cho hay trước ngày tàu chìm, anh Mót gọi về thông báo là "đang về", sau đó không thấy em trai đến nơi, gia đình gọi lại bặt vô âm tín, cuối cùng anh Thuận mới hay tin tàu em trai mình đi bị chìm.
Cũng từng đi theo tàu đánh bắt xa bờ như anh Mót, anh Thuận dường như hiểu được một ý niệm rằng "sống chết có số". Thân phận của mấy anh em đi biển cũng được ví như một dấu chấm than, anh Thuận nói, lơ lửng cặm sâu vào dòng đời và bị cơm áo gạo tiền cuốn đi xa hơn những chiếc tàu đang còn ở ngoài khơi.
Cuộc điện thoại cuối cùng - lưỡi dao cứa vào lòng người ở lại
Ánh đèn điện bên trong nhà dù cố gắng xen kẽ mấy vách tôn thủng nhưng vẫn không thể nào đủ sức rọi sáng đường hẻm, đường sá ngõ hẻm ở đây có lẽ vì đi mãi mà thành, kỳ thực phải đi quen hoặc người dân địa phương chỉ mới biết đường ra. Men theo đó, chúng tôi tìm đến nhà của bà Nguyễn Thị Cang (trú khu phố 6, phường Phú Tài, TP Phan Thiết) là vợ của ông Nguyễn Văn Hạ (sinh năm 1968) một trong 6 thuyền viên xấu số tử nạn giữa biển.
"Mười mấy tuổi là ổng đi biển tới giờ, năm nay ổng lớn tuổi rồi biểu ổng ở nhà mà ổng không chịu, ổng nói nhà khổ quá ổng đi kiếm tiền", bà Cang nhớ về những ngày trước khi chồng đi theo tàu, nước mắt lã chã rơi.
Bà Cang và ông Hạ thuê một căn nhà nhỏ giá 600.000 đồng mỗi tháng ở xóm Phú Tài, bà Cang bán bánh tráng kiếm sống qua ngày còn ông Hạ đi theo tàu đánh bắt, cả hai có tất thảy 3 người con, 2 gái và 1 trai.
2 người con gái đã có chồng cũng đang ở nhà thuê, còn 1 người con trai mất cách đây hơn chục năm cũng vì nạn chìm tàu khi đánh bắt xa bờ.
Con gái ông Hạ khóc nghẹn khi hay tin cha
"Hôm trước khi tàu chìm, ổng có gọi về, tôi hỏi:
- Ông câu có không?
- Được khoảng 1 triệu 1 triệu mấy thôi, ổng nói.
Tôi có hỏi chừng nào ông vô bờ, ổng nói chừng ngày 11, 12 gì đó có tàu bắt cá thì ổng vô. Đến tối 11 tôi gọi thì không được, tôi cũng chỉ nghĩ là mất sóng, thường thì điện thoại ngoài biển không có sóng nên ông ấy vô tới bờ ông ấy sẽ gọi về thôi. Đến ngày 12 tôi nghe người ta đồn, tôi có lên hỏi bà chủ tàu, bà ấy cũng trấn an tôi. Chờ mãi tới ngày 13 không thấy, thì mới nghe tin trên đài tàu chìm, chồng tôi mất tích theo đó", bà Cang rưng rưng nước mắt kể lại.
Đến sau đó vài ngày, bà Cang hay tin vì tàu chìm nên các thuyền viên trên tàu đã chia lên hai thúng chai thả trôi, có 1 thúng chứa 7 người đã được tìm thấy về đã về trước. Nhưng trong thúng này, chỉ có những người hàng xóm trở về, riêng chồng bà, nằm lại ngoài khơi.
"Sau khi tàu chìm, ổng sống trên thúng 7 người, sống đến ngày 8 là ổng yếu, nhịn đói, khát nước, nắng làm lột da, lở loét, rồi ổng sốt, chứ nếu không sốt thì ổng đã sống nổi", bà Cang nghẹn lại.
"Tìm được thúng 7 người, những người đi chung thúng với ba nhắn mẹ con tô ở nhà lập bàn thờ, đừng chờ mong gì nữa, ổng chết rồi!", con gái chú Hạ nói xen vào lời của mẹ rồi bật khóc. Tiếng khóc nức nở thắt cả ruột gan những người chứng kiến.
Chồng người ta lần lượt trở về, chồng mình thì không
"Thấy chồng người ta về chồng mình không về, ruột gan tôi đau", câu nói của vợ ông Phan Văn Tám (sinh năm 1970, trú khu phố 3, phường Phú Tài, TP Phan Thiết) khiến những người ngồi lại chia buồn với gia đình không khỏi xúc động.
Ông Tám là người trên thúng thứ 2, không cầm cự nổi chờ đến ngày được tìm thấy, ông Tám tử vong. Sau khi mất, các thuyền viên đã thả thi thể ông lại trên biển.
Tại nhà, vợ con ông Tám đã lập sẵn bàn thờ, chưa nhang đèn vì phải chờ đúng ngày giờ mất và tính ngày cúng thất theo cho đúng thủ tục truyền thống.
"Thúng đầu tiên được tìm thấy, tôi hi vọng có chồng tôi nhưng danh tính của ổng không nằm trong danh sách. Tôi tiếp tục hi vọng ở thúng thứ 2 (thúng 8 người) nhưng người ta nói ổng không còn sống", vợ ông Tám thất thần nói.
Ông Tám và vợ có 4 người con, 3 người con gái 1 người con trai. Con gái của ông bà đều đã có việc làm ở TP.HCM. Hay tin thuyền ba đi biển chìm, cả 3 đều về nhà ở với mẹ. Không khóc, không gào thét hay trách cứ, trong ánh mắt thất thần cùng khuôn mặt xanh xao của vợ ông Tám, chúng tôi hiểu không điều gì thể lắp đầy nỗi đau này, về sau và về sau nữa.
Nhiều khi nước mắt giúp người ta bộc lộ được hết sự uất ức. Nhưng đó không phải thứ ngôn ngữ duy nhất để bày tỏ sự đau buồn. Gia đình nhà ông Tám chính là trong trường hợp này.
Để lại một sự đồng cảm, sẻ chia, chúng tôi rời xóm Phú Tài khi trời sập tối, những căn nhà tôn sáng đèn nằm im lìm, sát nhau nối dài xóm, tiếng cười nói râm ran khi cả xóm đón người sống trở về cũng đã im dần. Chỉ còn để lại những căn nhà đã dựng sẵn phần rạp và bàn ghế chờ đúng ngày, giờ làm ma chay, không quan tài, không lễ động quan hay nhập quan... chỉ có những nỗi đau nghẹn đến cắt lòng.
Danh tính 5 ngư dân được cứu sống trên thúng 8 người:
1. Bùi Văn Toàn (SN 1972, trú khu phố 3, Phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
2. Nguyễn Văn Mỹ (SN 1964, trú thôn Tiến Thạnh, xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết).
3. Bùi Văn Vinh (SN 1980, huyện Cái Nước, Cà Mau).
4. Lê Văn Dũng (SN 1986, trú khu phố 8, phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết).
5. Nguyễn Thành La (SN 1982, trú khu phố 4, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
Danh tính 4 ngư dân được cứu trên thúng 7 người:
1. Nguyễn Thành Luyến (SN 1986, trú khu phố 4, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
2. Hà Văn Tấn (SN 1977, trú khu phố 3, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
3. Trần Theo (SN 1967, trú khu phố 6, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
4. Trần Thuận Thanh (SN 1968, trú khu phố 8, phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết).
Danh tính 6 người tử nạn trên cả 2 thúng:
1. Nguyễn Thành Lương (SN 1976, trú khu phố 4, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
2. Nguyễn Thành Lãng (SN 1976, trú khu phố 4, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
3. Nguyễn Văn Hạ (SN 1968, trú khu phố 6, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
4. Lê Văn Mót (SN 1986, trú khu phố 6, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
5. Lê Văn Thanh (SN 1984, trú khu phố 3, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
6. Phan Văn Tám (SN 1970, trú khu phố 3, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).