80% nhân sự tham gia làn sóng “đại nghỉ việc” trên thế giới: Giờ chúng tôi hối hận rồi!
Liệu năm 2023 có tiếp tục chứng kiến một làn sóng mới?
Trào lưu nghỉ việc quy mô lớn, hay Đại từ chức (the Great Resignation) diễn ra từ năm 2021, đến cuối năm 2022 dường như “dư âm” vẫn còn khá mạnh mẽ. Chỉ riêng trong tháng 12, 4.1 triệu người lao động đã nghỉ việc, nâng tổng số người nghỉ việc trong năm ngoái lên hơn 50 triệu người.
Paychex đã tiến hành khảo sát 825 nhân viên nghỉ việc trong thời kỳ “đại khủng hoảng lao động” và 354 nhà tuyển dụng để phân tích ảnh hưởng của việc nghỉ việc và đánh giá mức độ hài lòng của nhân viên. Kết quả chỉ ra rằng sức khỏe tinh thần, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, các mối quan hệ nơi làm việc và cơ hội được tái tuyển dụng đều bị ảnh hưởng.
Hối hận khi quyết định nghỉ việc
Trong số những người tham gia khảo sát, chỉ khoảng một nửa hài lòng với công việc mới và tìm được công việc cho phép cân bằng cuộc sống. Thật không may, mức độ hài lòng thấp nhất lại tập trung ở thế hệ gen Z - thế hệ trẻ dễ bị tổn thương và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần.
Phần lớn mọi người quyết định nghỉ việc để chuyển sang một môi trường mới với điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, không ít người hối hận về quyết định nghỉ việc của họ. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cứ 10 người thì có 9 người thay đổi ngành sau khi họ nghỉ việc. Những người chuyển ngành có xu hướng hối hận về lựa chọn của mình cao hơn 25% so với những người không chuyển ngành”, Paychex cho biết. Một lần nữa, tỷ lệ hối hận khi quyết định nghỉ việc lại ghi nhận cao nhất ở Gen Z. Theo Paychex, 89% số người lao động thuộc Gen Z hối hận khi nghỉ việc.
“Các cá nhân đang tìm kiếm cơ hội mới bắt đầu cảm thấy hối tiếc sau đại khủng hoảng lao động. Trong đó, lý do khiến họ hối hận nhất là nhớ môi trường làm việc và đồng nghiệp cũ. Các mối quan hệ này khiến họ được hòa mình vào cộng đồng và được làm việc trong một môi trường tích cực”, Jeff Williams, phó chủ tịch giải pháp nhân sự và doanh nghiệp tại Paychex cho biết. Có vẻ như những đặc quyền, phúc lợi và văn hóa tại công ty mới đã không đạt được kỳ vọng của người lao động.
Nhân viên nghỉ việc có khả năng quay trở lại công ty không?
Khi khảo sát các nhà tuyển dụng liệu họ có sẵn sàng thuê lại những nhân viên đã nghỉ việc hay không, phần lớn công ty trả lời là có. Tuy nhiên, có 30% nhà tuyển dụng nghi ngờ về mức độ trung thành của những nhân viên này và đã nói không.
Williams giải thích: “Chúng tôi tin rằng ngày càng có nhiều nhà tuyển dụng cởi mở hơn với các nhân viên từng rời khỏi công ty và có mong muốn quay trở lại làm việc. Những nhân viên này có kỹ năng chuyên môn và chất lượng làm việc vượt trội khiến các công ty muốn tuyển dụng họ lại. Các nhà tuyển dụng từ chối các nhân viên đã nghỉ việc có thể là do nghi ngờ mức độ trung thành, động cơ tiềm ẩn hay do dự về mức lương mong mong muốn của nhân viên”.
Tìm kiếm con đường mới
Được chấp nhận quay trở lại làm việc cho công ty cũ có thể là niềm hạnh phúc với nhiều người lao động. “Trong trường hợp công ty không chấp nhận bạn quay về công ty, hãy ý thức được giá trị của bản thân, tự tin vào chính mình và tiếp tục tiến về phía trước”, Williams dành lời khuyên cho người lao động.
Bạn có thể tìm kiếm các cơ hội khác bằng cách đăng hồ sơ lý lịch lên các trang mạng tuyển dụng hoặc kết nối với các nhà tuyển dụng trên Linkedin. Ngoài ra, bạn cũng nên cải thiện kỹ năng của bản thân bằng việc tham gia các khóa học hoặc hội thảo.
Khi nhìn vào bộ hồ sơ và thấy ứng viên nhảy việc liên tục, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ đặt một dấu chấm hỏi về khả năng cũng như mức độ trung thành của ứng viên. Do đó, Williams khuyên rằng người lao động nên cố gắng tránh nhảy việc trong tương lai để có thể tích lũy nhiều kinh nghiệm nhiều nhất có thể và xây dựng hồ sơ lý lịch đáng tin cậy.