8 trường đại học "kỳ phùng địch thủ" ở Hà Nội, thường khiến sĩ tử căng não, đặt lên bàn cân so sánh mỗi mùa tuyển sinh
Đây đều là những trường đại học đầu ngành trong lĩnh vực đào tạo nên mỗi mùa tuyển sinh, sĩ tử bối rối, không biết nên chọn lựa trường nào thì tốt hơn.
1. Đại học Hà Nội (HANU) hay Đại học Ngoại ngữ Quốc gia (ULIS)
Hiện tại, Việt Nam có hai ngôi trường đầu ngành về đào tạo ngoại ngữ, ở cả trình độ đại học và sau đại học; bao gồm Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Đó là Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS) và Đại học Hà Nội (HANU). Hai ngôi trường này được xem là "ngang cơ" và đều có điểm chuẩn hàng năm cao ngất ngưởng. Để học những ngành hot như Tiếng Anh, Tiếng Hàn, Tiếng Trung, thí sinh phải thi được 9 điểm/môn trở lên mới có thể chắc suất thi đỗ.
ULIS có địa chỉ tại số 2 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài ra, trường có hai trường thành viên là Trung học Phổ thông Chuyên Ngoại ngữ và trường Trung học Cơ sở Ngoại ngữ.
Từ năm 2018, trường đã lắp điều hòa miễn phí cho tất cả các phòng học, trang bị đầy đủ máy chiếu để phục vụ công tác giảng dạy. Trong khuôn viên trường cũng được lắp wifi miễn phí.
Ngoài ra nhà trường đầu tư các phòng máy đánh giá năng lực và phòng học chất lượng cao để phục vụ thi cử và giảng dạy. Các thiết bị dịch lưu động được bổ sung để ứng dụng vào các giờ học biên phiên dịch và các sự kiện của trường. Thư viện của trường cũng chứa rất nhiều đầu sách.
Trong khi đó, HANU có địa chỉ tại Km 9 Nguyễn Trãi, P. Văn Quán, quận Hà Đông. Trường có hệ thống 20 phòng máy dạy-học ngoại ngữ; phòng dạy dịch ca-bin chuyên nghiệp; phòng dạy-học từ xa đạt tiêu chuẩn châu Âu; hàng chục phòng học đa năng (multimedia).
2. Đại học Ngoại thương (FTU) và Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU)
Tại Việt Nam, có 2 trường đại học lớn thường xuyên được dư luận đặt lên bàn cân để so sánh. Đó là Đại học Ngoại thương (FTU) và Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU). Đây đều là những trường trọng điểm quốc gia, trường đầu ngành trong khối các trường đào tạo về Kinh tế, Quản lý và Quản trị kinh doanh ở Việt Nam.
Tất nhiên, để thi đỗ vào trường thì thí sinh phải có năng lực học tập thật sự xuất sắc. Với những ngành hot, thí sinh thậm chí phải đạt 10 điểm/môn mới chắc suất nhập học.
Được biết, NEU có địa chỉ tại 207 Giải Phóng, Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng. Trường có cơ sở vật chất, hạ tầng hết sức khang trang và hiện đại. Nói đến NEU, người ta thường nghĩ đến ngay "Tòa nhà thế kỷ" như một biểu tượng gắn liền với ngôi trường danh tiếng này. Tòa nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, được đưa vào sử dụng từ khóa 2017-2018, có 10 tầng với 147 phòng chức năng bao gồm phòng học, phòng bảo vệ luận văn tiến sĩ, thạc sĩ, phòng học nhóm… cùng 6 thang máy. Các phòng học, thư viện của trường đều rất xịn.
Trong khi đó, FTU có địa chỉ tại 91 Phố Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội. Cả 3 cơ sở của FTU ở Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh đều có trang thiết bị, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Các phòng học đều được trang bị máy điều hòa, hệ thống âm thanh, máy chiếu phục vụ cho nhu cầu học tập, công tác giảng dạy, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Trong khuôn viên nhà trường có thư viện lớn được trang bị đầy đủ thiết bị với hàng nghìn đầu sách để phục vụ việc học tập, tra cứu của sinh viên. Các đầu sách đa dạng nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, lịch sử,…
3. Học viện Báo chí & Tuyên truyền (AJC) hay ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (VNU-USSH)
"Báo chí - truyền thông" là một trong những ngành học hot nhất vài năm trở lại đây. Năm 2022, ngành Báo chí của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội khối C00 lấy đến 29.90 điểm. Trong khi đó, các chuyên ngành Báo chí của Học viện Báo chí & Tuyên truyền cũng lấy từ 33 đến 37.6 điểm (thang điểm 40).
Tại Hà Nội, Học viện Báo chí & Tuyên truyền và ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn được xem là 2 trường top đầu trong việc đào tạo lĩnh vực Báo chí. Điều này cũng khiến nhiều sĩ tử băn khoăn không biết nên chọn lựa ngôi trường nào thì phù hợp hơn.
AJC có địa chỉ tại 36 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. Hiện tại trường đang đào tạo 40 ngành/chuyên ngành, trong đó các chuyên ngành liên quan đến báo chí bao gồm: Báo in, Báo phát thanh, Báo truyền hình, Báo mạng điện tử, Báo truyền hình chất lượng cao, Báo mạng điện tử chất lượng cao, Ảnh báo chí, Quay phim truyền hình.
Ngoài ra, trường còn mở thêm các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí, nghiệp vụ Sư phạm,... Còn VNU-USSH có địa chỉ tại 336 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Đây là trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Khoa Báo chí (Trường Đại học Tổng hợp, thành lập năm 1990) - nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) - là một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu báo chí/truyền thông lớn nhất ở Việt Nam. Đây là đơn vị đầu tiên đào tạo/nghiên cứu báo chí tại một trường đại học không nằm trong hệ thống trường Đảng.
4. Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UL) và Trường Đại học Luật Hà Nội (HLU)
Đây cũng là 2 ngôi trường đầu ngành trong đào tạo Luật ở Hà Nội, thường được sĩ tử đem ra so sánh trong mỗi mùa tuyển sinh. Năm 2022, điểm chuẩn của VNU-UL dao động từ 22.62-28.25 điểm. Còn điểm chuẩn của HLU dao động từ 19 đến 29.5 điểm.
VNU-UL là trường thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và là trung tâm đào tạo, nghiên cứu luật uy tín, có truyền thống của đất nước với gần 50 năm hình thành và phát triển. Ngày 30/7/1976, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ban hành Quyết định số 1087 thành lập Khoa Pháp lý thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - cơ sở đào tạo cử nhân luật đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, tiền thân của Trường Đại học Luật, ĐHQGHN hiện nay.
Trong khi đó HLU có địa chỉ tại 87 đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa. Trường được thành lập theo Quyết định số 405/CP ngày 10/11/1979 của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất Khoa Pháp lí của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Cao đẳng Pháp lí Việt Nam. Lúc đó, Trường có tên là Trường Đại học Pháp lí Hà Nội với nhiệm vụ: "Quyết tâm đưa Trường Đại học Pháp lý Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý, trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý và trung tâm truyền bá pháp lý".
Năm 1982, đáp ứng yêu cầu tăng cường đào tạo cán bộ pháp luật, Bộ Tư pháp đã quyết định mở rộng quy mô Trường và thống nhất một đầu mối đào tạo nguồn nhân lực pháp luật ở Việt Nam bằng cách sáp nhập Trường Trung học chuyên nghiệp Pháp lí I và Trường Cán bộ Toà án Hà Nội vào Trường Đại học Pháp lí Hà Nội.
Trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, Trường đã được mang tên gọi mới là Trường Đại học Luật Hà Nội (theo Quyết định số 369/QĐ-BTP ngày 06/7/1993 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).