8 doanh nhân ấn tượng nhất thế giới 2014
Trang Business Insider vừa công bố danh sách 24 cá nhân ấn tượng nhất năm 2014. Các cá nhân được vinh danh hoạt động rộng khắp trên các lĩnh vực kinh tế, y tế, chính trị, giải trí...
Trong đó, 8 CEO sau được đánh giá là những doanh nhân đã tạo được ấn tượng lớn nhất trong năm 2014.
1. Bill Ackman - CEO Pershing Square Capital Management LP
2014 là một năm khó khăn cho các nhà quản lý quỹ đầu tư, song Ackman vẫn có thể duy trì vị thế đứng đầu của mình khi kiếm được 2,2 tỷ USD bằng hợp đồng mua lại công ty dược phẩm Allergan của Actavis vào tháng 11/2014.
Thêm vào đó, 30% lợi nhuận ròng đã trở về với Pershing Square, một quỹ đầu tư do Ackman quản lý. Ackman còn đạt được những phi vụ đầu tư thành công với Allergan, Fannie Mae và Freddie Mac.
2. Mary Barra - CEO General Motor
Mary Barra đã vững vàng đưa hãng xe hơi danh tiếng GM vượt qua những cơn khủng hoảng gần đây nhất.
Tháng 1/2014, khi đảm nhiệm vị trí CEO của GM, Mary Barra là nữ CEO đầu tiên của ngành công nghiệp ô tô thế giới. Ngay sau đó, Barra phải đối mặt với đợt thu hồi lớn nhất trong lịch sử sản xuất của GM, 30 triệu xe vì lỗi kỹ thuật.
Mary Barra đã tận dụng sự cố này làm bàn đạp để thay đổi văn hóa làm việc trong GM. Barra đi đầu làm gương khi nhận lấy trách nhiệm cho mọi hành động của GM. Barra đã giành được sự công nhận về năng lực từ Warren Buffett.
3. Tim Cook - CEO Apple
Với thông báo ra mắt Apple Watch và các phiên bản mới của iPhone cùng phương tiện thanh toán trực tuyến Apple Pay, Tim Cook đã biến 2014 trở thành năm tuyệt vời nhất của Apple.
Tim Cook cũng gây xôn xao trong giới truyền thông khi thẳng thắn thừa nhận đồng tính và lên tiếng bảo vệ quyền đa dạng trong môi trường công sở.
Khi Tim Cook trở thành CEO, cổ phiếu của Apple đã tăng gấp đôi giá trị và Apple đứng trước cơ hội trở thành doanh nghiệp đầu tiên cán mốc công ty trị giá ngàn tỷ USD của thế giới.
4. Travis Kalanick - CEO Uber
Xây dựng Uber trở thành đế chế trong ứng dụng công nghệ vào cung ứng dịch vụ vận chuyển là thành công lớn nhất của Travis Kalanick trong năm qua.
Từng bước, Travis Kalanick đưa Uber xâm nhập vào những thành phố lớn của thế giới, bất chấp nơi đó có chấp nhận Uber hay không.
Travis Kalanick đã thuê giám đốc chiến dịch truyền thông tranh cử của Tổng thống Obama là David Plouffe về dẫn dắt Uber vượt qua cơn bão phản đối từ nghiệp đoàn taxi mỗi khu vực họ có mặt. Hiện Uber đã có mặt tại tất cả các châu lục, trừ Nam Cực.
5. Palmer Luckey - sáng lập và CEO Oculus Rift
Vị CEO 21 tuổi - Palmer Luckey sau khi rời trường đại học đã khởi nghiệp với công ty Oculus VR. Oculus là doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào ngành trò chơi điện tử, âm nhạc, phim ảnh, truyền hình và thể thao.
Oculus dự báo công nghệ này sẽ vượt qua cả internet và điện thoại di động để biến đổi cách con người thư giãn, học hỏi và tương tác lẫn nhau.
Năm 2014, Palmer Luckey đã bán công ty này cho Facebook trong thương vụ trị giá 2 tỷ USD.
6. Jack Ma - CEO Alibaba
Năm 2014, mạng thương mại trực tuyến Alibaba của Jack Ma đã đi vào lịch sử phát hành cổ phiếu ra công chúng của thị trường chứng khoán Mỹ khi thu về 25 tỷ USD trong lần IPO.
Từ một giáo viên dạy tiếng Anh, Jack Ma đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc nhờ thương vụ IPO này. Sau khi được truyền cảm hứng từ internet trong chuyến viếng thăm Mỹ năm 1995, Jack Ma đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của thương mại điện tử tại Trung Quốc. Ông thành lập Alibaba vào năm 1999.
7. Satya Nadella - CEO Microsoft
Sau khi Steve Ballmer rời khỏi vị trí CEO của Microsoft vào tháng 2/2014, Nadella đã thổi một luồng khí mới vào gã khổng lồ công nghệ này. Bằng sự quyết đoán, Nadella đã từng bước vực dậy Microsoft.
Sau một năm nỗ lực, Nadella đã giúp giá trị cổ phiếu của Mircrosoft tăng lên hơn 30%. Nadella chứng minh được tầm nhìn lựa chọn "thiết bị và dịch vụ" của ông đã thành công.
Nadella cho phép nhân viên Microsoft sử dụng các sản phẩm của Apple để xây dựng các phần mềm và ứng dụng mới cho Microsoft. Bill Gates gần đây cho biết ông hài lòng với định hướng của Nadella.
8. Daniel Schwartz - CEO Burger King
Đảm nhận vị trí CEO vào năm 32 tuổi, Daniel Schwartz có trách nhiệm phải đưa Burger King đang tụt dốc trở lại đường đua. Kể từ khi đảm trách vào giữa năm 2013, Daniel Schwartz đã cắt giảm mọi chi phí và đưa lợi nhuận của công ty tăng trở lại 17%.
Năm nay, Daniel Schwartz tiếp tục theo đuổi thương vụ hợp tác với hãng cafe nổi tiếng của Canada là Tim Horton. Schwartz hy vọng bước đi này sẽ giúp ông giảm thuế đến mức tối thiểu và nâng lợi nhuận của Burger King lên tối đa.