8 dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang rất “thèm” vận động
Vận động thường xuyên giúp chúng ta khỏe mạnh, sống lâu hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng chú tâm hoặc có nhiều thời gian cho việc này.
Theo các chuyên gia về sức khỏe, cơ thể chúng ta hoạt động hiệu quả nhất khi có sự vận động thường xuyên và nó cũng giúp giảm nhiều nguy cơ bệnh tật. Ngay cả khi bạn tập thể dục 30 phút buổi sáng nhưng cả ngày hôm đó bạn ngồi lì một chỗ thì vẫn không đủ để giữ cho mình khỏe mạnh, linh hoạt và có tinh thần tốt. Đó là lý do Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ khuyên bạn nên đứng dậy và di chuyển khoảng hai hoặc ba phút mỗi giờ.
Nhưng trên thực tế, nhu cầu vận động ở mỗi cơ thể là khác nhau và chính cơ thể có thể phát ra những cảnh báo cho bạn biết nó đang thiếu vận động. Có những dấu hiệu rất rõ ràng nhưng cũng có những điều phải tinh tế mới có thể nhận ra. Dưới đây là 8 dấu hiệu thể chất và tinh thần hàng đầu cho thấy cơ thể bạn đang thèm vận động nhiều hơn.
1. Đau khớp, cứng khớp hoặc căng cơ
"Khi đau cơ, khớp hoặc cứng khớp, nhiều người cho rằng không nên tập thể dục vì nó sẽ làm tăng tình trạng này. Nhưng thật ra, mặc dù cảm giác khó chịu có thể tăng lên thoáng qua lúc ban đầu, nhưng về lâu dài thì sẽ có tác động tích cực thực sự" . Đó là gì Tiến sĩ Bradley Dyer - người sáng lập Premier Integrative Health (Hoa Kỳ) cho biết.
Ông nói thêm: " Bởi vì chính việc không hoặc thiếu hoạt động thể chất thực sự dẫn đến đau và cứng khớp mãn tính bằng cách tăng tình trạng viêm và giảm khả năng vận động của khớp. Hoạt động thể chất thường xuyên hỗ trợ sức khỏe khớp bằng cách thúc đẩy sản xuất chất lỏng hoạt dịch, giúp bôi trơn khớp, giảm ma sát và tăng cường khả năng vận động".
Còn Jen Aks - huấn luyện viên thể hình, đồng thời là nhà sáng lập dự án sức khỏe The Power of Gesture tại Hoa Kỳ nói: "Căng cơ ở cổ, vai, chân hoặc các vùng khác có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần di chuyển. Đây là cơ thể đang giao tiếp với bạn".
2. Khó tập trung, khó đưa ra quyết định
"Nếu bạn cảm thấy không thể tập trung hoặc gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề tại nơi làm việc - nhất là các vấn đề logic hoặc cần lựa chọn thì nguyên nhân có thể là do cơ thể thiếu vận động. Thiếu vận động thể chất có thể dẫn đến giảm lưu lượng máu, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động tối ưu của não và ảnh hưởng đến sự tập trung, trí nhớ cũng như khả năng nhận thức tổng thể và nó được gọi là chứng sương mù não" - Tiến sĩ Dyer nói.
"Hoạt động thể chất giúp tăng cường lưu lượng máu đến não, thúc đẩy sự phát triển của các tế bào thần kinh mới và cải thiện khả năng kết nối thần kinh. Tập thể dục cũng kích hoạt một số gen giúp cải thiện sức khỏe nhận thức và là chất kích thích mạnh mẽ BDNF (Yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não) giống như sự phát triển kỳ diệu cho bộ não".
3. Luôn thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng
Bạn cảm thấy uể oải hoặc buồn ngủ khi học tập, làm việc dù ăn uống và giấc ngủ không thay đổi thì rất có thể cơ thể đang cố nói nó “thèm” vận động.
Tiến sĩ Dyer nói. "Các bào quan trong cơ thể chúng ta chịu trách nhiệm tạo ra năng lượng được gọi là ty thể. Cách tốt nhất để cải thiện chức năng của ty thể và khuyến khích cơ thể tạo ra nhiều ty thể hơn là tập thể dục thường xuyên. Tập luyện cường độ cao ngắt quãng (HIIT) là một trong những cách tốt nhất để đạt được điều này”.
4. Tăng cảm giác thèm ăn bất thường
Đừng tin vào câu châm ngôn rằng tập thể dục sẽ luôn khiến bạn đói hơn: Một nghiên cứu năm 2018 về Chất dinh dưỡng nhận thấy rằng tập thể dục thực sự giúp hạn chế sự thèm ăn của bạn.
Một nghiên cứu trên động vật gần đây hơn vào năm 2022 tại Hoa Kỳ phát hiện ra rằng tập thể dục cường độ cao, chẳng hạn như chạy, bơi lội, cử tạ và đạp xe, có tác dụng "chống đói", hạn chế cảm giác thèm ăn.
Huấn luyện viên Jen Aks nhấn mạnh: " Thường xuyên thèm ăn bất thường là cách cơ thể cố nói rằng bạn vận động quá ít. Và ngay cả khi bạn không tập luyện cường độ cao, tập thể dục cường độ thấp hơn như đi dạo bên ngoài đã có thể giúp ngăn ngừa việc ăn vặt vì buồn chán".
5. Trạng thái tinh thần bất ổn
Những bất ổn liên quan tới tinh thần như dễ căng thẳng, lo âu, trầm cảm, cáu kỉnh rất có thể là do cơ thể thiếu vận động.
"Tập thể dục là liều thuốc giảm căng thẳng tự nhiên. Nó làm giảm việc sản xuất các hormone gây căng thẳng như cortisol và kích hoạt giải phóng endorphin, chất giúp tăng cường tâm trạng một cách tự nhiên - ngay cả khi bạn chỉ tập yoga hoặc thiền" - Tiến sĩ Dyer nói.
Một nghiên cứu năm 2023 trên Tạp chí Y học Thể thao Anh cho thấy "tập thể dục đều đặn tốt hơn 1,5 lần (150%) so với thuốc chống trầm cảm hoặc liệu pháp tâm lý hàng đầu trong việc cải thiện các triệu chứng trầm cảm và lo lắng".
Huấn luyện viên Jen Aks thì chia sẻ: "Cảm giác bồn chồn hoặc cáu kỉnh có thể được điều chỉnh bằng vận động thể chất. Nếu bạn đang tức giận, một đợt tập thể dục cường độ vừa phải trong thời gian ngắn có thể hiệu quả nhanh. Ví dụ như nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Medicine & Science in Sports & Exercise (Hoa Kỳ) cho thấy 16 sinh viên đã giảm bớt trên 70% cảm giác tức giận sau 30 phút đạp xe".
6. Liên tục ốm vặt hoặc lâu khỏi ốm
"Nếu bạn cảm thấy mình liên tục bị ốm hoặc chỉ một lần ốm vặt cũng kéo dài rất lâu không khỏi thì rất có thể cơ thể cố nói rằng nó cần vận động nhiều hơn. Bởi vì vận động thể chất có liên quan mật thiết tới hệ miễn dịch của bạn" - Tiến sĩ Dyer nói.
Bởi vì rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tập thể dục vừa phải có phản ứng chống viêm, tăng cường miễn dịch và tăng tái tạo tế bào. Tuy nhiên, Tiến sĩ Dyer nhắc nhở rằng ngược lại thì tập thể dục thể thao quá sức liên tục có thể gây phản tác dụng, làm suy giảm miễn dịch. Khi đang ốm cũng nên ngừng hoặc giảm cường độ vận động để cơ thể kịp phục hồi.
7. Khó ngủ, mất ngủ
Nếu bạn khó ngủ và mất ngủ kéo dài, báo cáo khoa học có liên quan của John Hopkins Medicine (Hoa Kỳ) nói rằng nguyên nhân có thể là do bạn không vận động đủ. Theo đó, 30 phút tập nhịp điệu vừa phải giúp bạn ngủ nhanh hơn và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Mặt khác, không tập thể dục đầy đủ không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn mà còn dẫn đến mức độ hoạt động thấp hơn vào ngày hôm sau, có thể trở thành một vòng luẩn quẩn.
Về thời điểm tập thể dục, báo cáo chỉ ra bạn nên tập thể dục bất cứ khi nào phù hợp nhất với lịch trình của bạn - tuy nhiên, tránh tập thể dục mạnh một giờ trước khi đi ngủ.
8. Táo bón dai dẳng
Ít ai biết răng táo bón dai dẳng cũng có thể là cảnh báo cơ thể đang rất "thèm" vận động. Một báo cáo khoa học năm 2019 trên Tạp chí Tiêu hóa Scandinavia cho thấy những người tập thể dục nhịp điệu 140 phút trở lên mỗi tuần (khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần) đã cải thiện các triệu chứng táo bón của họ.
"Đã có nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy những vận chăm vận động đi tiêu dễ dàng và đều đặn hơn. Một phân tích tổng hợp vào tháng 6 năm 2022 trên Contemporary OB/GYN phát hiện ra rằng mức độ hoạt động vừa phải và cao có liên quan đến nguy cơ táo bón thấp hơn và hoạt động thể chất nhiều hơn có thể giúp kiểm soát táo bón mãn tính. Chủ yếu là do vận động thể chất tác động tới trao đổi chất và nhu động ruột, cơ hậu môn" - Huấn luyện viên Jen Aks bổ sung thêm.
Nguồn và ảnh: MSN, Healthline, webMD