8/10 quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nhất của biến đổi khí hậu nằm ở châu Á
Từ tháng 6 đến nay, những trận mưa xối xả đã gây ra tình trạng ngập lụt trên diện rộng, trải dài từ Đông Á, Nam Á tới Đông Nam Á.
Hàng triệu người phải đi sơ tán và hàng trăm người thiệt mạng vì lũ lụt. Vì sao năm nay lũ lụt lại xảy ra ở quy mô lớn và nghiêm trọng đến vậy? Tờ Nikkei của Nhật Bản trích các ý kiến chuyên gia cho thấy, họ không bất ngờ bởi nhiều nghiên cứu về khí hậu đã dự đoán về tình trạng này.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến gió mùa tại khu vực châu Á, khiến lượng mưa dồn nhiều hơn vào mùa mưa và làm mùa khô kéo dài thêm, tàn phá đời sống của người dân, kéo theo hệ lụy kinh tế nặng nề hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Liên Hợp Quốc cho biết, 8 trong số 10 quốc gia phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu là ở châu Á. Trong khi đó, theo dự báo của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, tới năm 2050, 75% lượng vốn toàn cầu bị đe dọa bởi lũ lụt sẽ nằm ở châu Á. Tiểu lục địa Ấn Độ và các vùng lãnh thổ ven biển Đông Nam Á sẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất.
Lũ lụt tại bang Assam, Ấn Độ. (Ảnh: AP)
Ngoài lý do biến đổi khí hậu, thực trạng dân số ngày càng đông, tập trung ở khu vực thành thị, cơ sở hạ tầng thường xây ở những nơi có khả năng hứng lũ cao đồng nghĩa cái giá phải trả tăng lên. Thêm vào đó, tình trạng tàn phá rừng trên diện rộng và phản ứng từ các nhà hoạch định chính sách được cho là vẫn còn lỗ hổng.
Lũ lụt là vấn đề lớn của thế giới, mọi quốc gia đều đã và đang tìm giải pháp hạn chế, giảm nhẹ tác động của thiên tai. Một trong những giải pháp được khuyến khích chính là cân bằng giữa "hạ tầng xám" và "hạ tầng xanh".
Bên cạnh việc trị thủy bằng bê tông với hoạt động xây đập, kênh, các công trình thủy lợi nhân tạo, cũng cần khuyến khích những giải pháp gần với thiên nhiên, qua đó thành phố có khả năng tự hấp thụ và điều tiết nước. Một sáng kiến như thế đã được ứng dụng tương đối thành công tại thành phố Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Sáng kiến có tên gọi là Thành phố bọt biển.
Nước lũ cuồn cuộn tại Nepal. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, vào tháng 7 vừa qua, nhiều địa phương tại Nhật Bản đã phải hứng chịu lượng mưa cao chưa từng có. Người dân Nhật Bản đã tìm cách trị thủy bằng việc xây dựng những hệ thống thoát nước khổng lồ. Ở Tokyo, hệ thống chống lụt với 5 bể trụ ngầm và dàn máy bơm công suất siêu lớn được ví như một con rồng nằm trong lòng đất, cắt ngang các con sông có lưu vực thấp thường xuyên gây ngập để hút nước rồi xả ra sông lớn.
Tùy nguồn lực và chính sách, mỗi quốc gia sẽ có những chiến lược giảm nhẹ thiên tai khác nhau. Tuy nhiên, kênh truyền hình BBC dẫn các nghiên cứu chỉ ra rằng, tình trạng biến đổi khí hậu, tan băng ở hai cực, nước biển dâng sẽ ngày càng khiến những hình thái thời tiết trở nên cực đoan hơn, mưa bão dữ dội hơn, mùa mưa có mưa nhiều hơn, trong mùa khô thời tiết hanh nóng hơn. Mỗi quốc gia đều cần có chính sách xử lý rủi ro khi thiên tai, bão lũ một cách tổng thể, dài hơi hơn thay vì chạy theo đối phó khi thiên tai xảy ra.