7 vị trí trên cơ thể dễ bị bệnh vảy nến tấn công nhất
Dù thực tế là căn bệnh vảy nến có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu trên cơ thể bạn thì cũng có những vị trí trên cơ thể dễ xuất hiện bệnh này hơn cả.
Có thể bạn nghĩ rất đơn giản về bệnh vảy nến và biết mình mắc bệnh khi nhìn thấy biểu hiện của nó. Nhưng bệnh vảy nến không phải lúc nào cũng biểu hiện theo cùng một cách hay tại cùng một vị trí nên có thể khiến bạn không ngờ khi thấy nó xuất hiện.
Khoảng 7,5 triệu người Mỹ bị bệnh vảy nến, theo số liệu thống kê của Viện Da liễu Hoa Kỳ (American Academy of Dermatology). Bệnh nhân phải chịu đựng các đợt bùng phát có thể gây các mảng da tróc vảy, màu đỏ và ngứa ngáy.
Bệnh tự miễn có thể xuất hiện tại bất kì vị trí nào trên cơ thể...
Tiến sĩ Michael Siegel, phó chủ tịch chương trình nghiên cứu tại Quỹ Bệnh vảy nến Quốc gia, cho biết: "Vảy nến có thể xuất hiện ở bất cứ đâu - trên mi mắt, tai, miệng, môi, các nếp gấp da, bàn tay, bàn chân và móng. Da ở mỗi vùng trên không giống nhau và do đó, bạn cần biện pháp điều trị khác nhau".
Bác sĩ Cynthia Bailey, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Advanced Skin Care and Dermatology, cho biết thêm: "Ảnh hưởng của bệnh vảy nến thể hiện từ chỗ gây khó chịu đơn thuần tới mức thay đổi cả cuộc sống bệnh nhân, tuỳ thuộc vào vị trí và phạm vi bệnh". Còn bác sĩ Doris Day ở New York kể: "Tôi biết những cô gái trẻ chỉ bị vài mảng da tróc trên chân nhưng sẽ không mặc quần soóc hoặc váy ngắn vì cảm giác xấu hổ. Họ nói người ta sẽ nghĩ họ đang mang một căn bệnh dễ lây".
... nhưng có những vị trí dễ xuất hiện bệnh hơn cả.
Chính xác thì bệnh vảy nến không lây. Nó do sự kết hợp giữa các yếu tố gen và môi trường như stress, cháy nắng, dị ứng, chế độ ăn, một số loại thuốc nhất định (bao gồm lithium và thuốc tim quinidine), thậm chí cả thời tiết, gây ra.
Có nhiều dạng vảy nến khác nhau nhưng bệnh thường xuất hiện nhiều nhất ở 7 vị trí sau:
1. Khuỷu tay và đầu gối
Vị trí dễ bị vảy nến tấn công nhất là khuỷu tay và đầu gối. Đó thường là vảy nến mảng - một dạng bệnh làm xuất hiện những mảng da đỏ, hơi phồng, được bao phủ bằng lớp tế bào da chết màu trắng bạc. Bác sĩ Siegel cho biết, chúng thường gây đau và ngứa, đồng thời có thể bị nứt vỡ ra và chảy máu.
2. Da đầu
Vảy nến mảng cũng thường tấn công vị trí này trên cơ thể. Nó có thể biểu hiện ở nhiều cấp độ như tình trạng da tróc vảy nhẹ tới mức các mảng da dày, cứng che phủ toàn bộ da đầu. Bệnh có thể còn vượt qua vùng tóc để lan xuống trán, lưng, cổ và xung quanh tai.
3. Trên mặt
Việc bệnh vảy nến xuất hiện ở mặt không thường gặp nhưng nó vẫn có thể xảy ra. Dạng vảy nến này thường tác động tới lông mày người mắc, vùng da giữa mũi và môi trên, trán và vùng chân tóc nối giữa trán và da đầu. Do những vị trí này, làn da rất nhạy cảm nên người bệnh cần được điều trị thật cẩn thận.
4. Bàn tay và bàn chân
Lòng bàn tay và lòng bàn chân có thể bị vảy nến dạng palmar-plantar. Tại đây, da bị đóng vảy, nứt nẻ và đôi khi bị phồng giộp hoặc nổi màu đỏ. Người bệnh sẽ phải chịu đựng cảm giác đau đớn.
5. Móng tay
Vảy nến có thể ảnh hưởng tới móng, nơi nó gây ra tình trạng đổi màu móng sang sắc hơi vàng. Nó thậm chí có thể làm rời phần móng ra khỏi nền móng (lớp mô ở đáy móng tay, móng chân).
Bác sĩ Doris Day tiết lộ: "Với những người không phải bác sĩ da liễu, trông nó có vẻ như bệnh nhiễm trùng nấm, nhưng vảy nến móng tay hơi khác". Sự thay đổi ở móng xuất hiện ở khoảng 50% số người mắc vảy nến.
6. Bộ phận sinh dục
Thật không may, vị trí nhạy cảm này cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công của vảy nến. Bác sĩ Doris cho biết: "Tôi từng có những bệnh nhân nam bị vảy nến trên dương vật và bệnh nhân nữ bị vảy nến ở âm đạo".
Ban đầu, người ta có thể nhầm lẫn nó với một bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nào đó, nhưng không phải như vậy. Vảy nến ở bộ phận sinh dục giống vảy nến ở các vị trí khác trên cơ thể nhưng trường hợp này, khi xuất hiện ở các nếp gấp da (như háng), nó thường trơn và sáng với vẻ ngoài giống sáp, thường không tạo vảy như vảy nến dạng mảng.
7. Ở các nếp gấp da, như mông, nách hoặc bên dưới vú
Dạng vảy nến này được biết đến với tên gọi vảy nến ngược và thường xuất hiện dưới dạng những thương tổn rất đỏ bên dưới đầu gối, ở nách hay thậm chí trên mông. Nó cũng có thể tấn công vùng bên dưới vú và gây khó chịu do tình trạng ra mồ hôi cũng như cọ xát giữa các vùng da với nhau.
Cách điều trị bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến có thể kéo dài cả đời nhưng vẫn có nhiều cách điều trị khác nhau, bao gồm sử dụng kem bôi, thuốc rửa với bệnh dạng nhẹ. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc biến đổi miễn dịch sinh học có tác dụng biến đổi phản ứng của hệ miễn dịch dẫn tới bệnh vảy nến và có thể giảm tác động của các chất trong cơ thể gây ra tình trạng viêm.
Bác sĩ Siegel nhấn mạnh: "Bất kể vị trí xuất hiện của vảy nến hay mức độ bệnh, nó cần được điều trị một cách phù hợp. Điều trị tất cả các mức độ bệnh vảy nến có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân".
Theo Shape