7 gia đình giàu nhất thế giới
Khối tài sản và cuộc sống của những người giàu nhất thế giới luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm.
Cuộc sống của giới nhà giàu là một chủ đề thú vị, được nhiều người quan tâm. Trong đó, một số người thường tìm hiểu về các khoản đầu tư của những người giàu có, một số khác lại tò mò về khối tài sản kếch xù của những người này. Forbes đã công bố thông tin về 7 gia đình giàu nhất thế giới.
Gia đình Bernard Arnault - 233 tỷ USD
Đứng đầu danh sách những gia đình giàu nhất thế giới phải kể đến Bernard Arnault và gia đình ông, với khối tài sản ròng trị giá 233 tỷ USD. Gia đình Arnault được coi như một thế lực thống trị trong ngành thời trang. Trong nhiều thập kỷ, tập đoàn hàng xa xỉ LVMH của gia đình tiếp tục đứng vững như một trong những đế chế có ảnh hưởng nhất.
Công ty hùng mạnh này sở hữu danh mục đầu tư ấn tượng gồm 75 thương hiệu thời trang và làm đẹp nổi tiếng, bao gồm những cái tên mang tính biểu tượng như Louis Vuitton, Sephora và Tiffany & Co.
Hành trình vươn lên dẫn đầu ngành thời trang của ông Arnault bắt đầu vào năm 1984 khi ông mua lại Christian Dior, đặt nền móng cho một đế chế toàn cầu thịnh vượng. Ngày nay, di sản của ông mở rộng, cả 5 người con của ông đều tích cực tham gia vào hoạt động của LVMH.
Gia đình Carlos Slim Helu - 102 tỷ USD
Là người giàu nhất Mexico, Carlos Slim Helu tạo ra phần lớn giá trị tài sản ròng của mình từ công ty viễn thông di động lớn nhất Mỹ Latinh có tên là América Móvil. Ngoài ra, nguồn tài sản của gia đình ông còn tích lũy từ cổ phần trong các công ty khai khoáng, bất động sản, xây dựng.
Slim và gia đình trước đây sở hữu 17% cổ phần của The New York Times. Gần đây, gia tộc này tiếp tục nắm giữ tới 76% cổ phần của Grupo Carso hay còn được biết đến là một trong những tập đoàn lớn nhất của Mỹ Latinh.
Gia đình Francoise Bettencourt Meyers - 99,5 tỷ USD
Francoise Bettencourt Meyers là gia đình giàu thứ ba trên thế giới với phần lớn tài sản đến từ việc thừa kế thương hiệu L'Oreal. Francoise là cháu gái của người sáng lập và đã phục vụ trong hội đồng quản trị của L'Oreal từ năm 1997.
Ngày nay, Bettencourt Meyers sở hữu 1/3 cổ phần của L'Oreal được giao dịch công khai, giúp Francoise trở thành người phụ nữ giàu nhất thế giới.
Gia đình Jim Walton - 78,4 tỷ USD
Jim Walton là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Arvest Bank Group với giá trị tài sản ròng đạt 78,4 tỷ USD tính đến năm 2024. Ông là con trai người sáng lập Walmart, Sam Walton, đây cũng là một trong những nguồn tài chính lớn nhất của Jim Walton. Năm 2016, Jim giao lại vị trí chủ tịch hội đồng quản trị của Walmart cho con trai mình là Steuart.
Ngoài Walmart, ông sở hữu khối tài sản hơn 20 tỷ USD thuộc Arvest Bank Group.
Gia đình Rob Walton - 77,4 tỷ USD
Rob Walton là một trong những gia đình giàu nhất thế giới nhờ khối tài sản khổng lồ mà họ sở hữu tại Walmart. Được thành lập vào năm 1962, Walmart đã trở thành biểu tượng của giá bán lẻ phải chăng, điều hành hơn 10.500 cửa hàng trên toàn cầu.
Tính đến năm 2024, Jim, Rob và Alice Walton cùng gia đình họ tiếp tục thống trị vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, với tổng giá trị tài sản ròng gần 210 tỷ USD, cho thấy vị thế của họ trong số những gia đình giàu có nhất.
Gia đình David Thomson - 67,8 tỷ USD
Là chủ tịch của Thomson Reuters Corporation, giá trị tài sản ròng của David Thomson vào khoảng 67,8 tỷ USD. Ông thừa kế Thomson Reuters Corporation, một đế chế truyền thông và xuất bản, từ ông nội của mình là Roy Thomson.
Ngoài cổ phần trị giá hàng triệu USD của gia đình tại Thomson Reuters, tài sản của David Thomson còn xuất phát từ khoản cổ phần tích lũy tại công ty viễn thông Bell Canada và tờ báo Globe and Mail có trụ sở tại Toronto.
Gia đình Julia Koch - 64,3 tỷ USD
Julia Koch là góa phụ của David Koch, người đã để lại cho bà và ba người con của họ 42% cổ phần tại Koch Industries, giúp gia đình này trở thành gia đình giàu thứ 7 trên thế giới.
Theo Forbes, gia đình Julia Koch đã ký một thỏa thuận để có được 15% cổ phần tại Brooklyn Nets của NBA với giá 700 triệu USD.
Hầu hết các gia đình giàu nhất thế giới đều tích lũy tài sản của mình từ việc thừa kế quyền sở hữu doanh nghiệp.