7 dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang thiếu hụt canxi
Người bị thiếu canxi máu dễ gặp các vấn đề tiêu cực về sức khỏe, dưới đây là những dấu hiệu thiếu canxi.
Vai trò của canxi với cơ thể
Canxi là khoáng chất có vai trò quan trọng đối với nhiều chức năng sinh lý của cơ thể. Vì thế, người bị thiếu canxi máu dễ gặp các vấn đề tiêu cực về sức khỏe. Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS. Đinh Văn Chỉnh khái quát về vai trò của canxi đối với cơ thể:
Canxi là khoáng chất cần thiết đối với cơ thể con người, được lưu trữ chủ yếu trong xương và một phần ở máu.
Trong xương, canxi cần cho sự chắc khỏe và dẻo dai của hệ xương.
Trong máu, canxi đảm bảo ổn định chức năng dây thần kinh, hoạt động của tim, co giãn cơ và cầm máu. Thiếu canxi máu vì thế sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động bình thường của nhiều chức năng trong cơ thể.
7 dấu hiệu thiếu canxi bạn nên biết
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS. Nguyễn Văn Dũng cho biết, khi cơ thể bị thiếu canxi sẽ có biểu hiện như sau:
1. Chóng mặt, tê mỏi
Ngồi lâu một chỗ cảm thấy tay chân bị tê, mỏi lưng, đứng dậy thì bị hoa mắt chóng mặt, cảm giác này chỉ diễn ra trong vài chục giây rồi lại trở lại trạng thái bình thường.
2. Thường xuyên bị chuột rút
Chuột rút là một trong những triệu chứng ban đầu của thiếu canxi. Tình trạng đau cơ bắp, đặc biệt là ở đùi, cánh tay, nách… trong khi di chuyển hay khi đi bộ cũng có thể là một dấu hiệu của sự thiếu hụt canxi.
3. Móng tay yếu và dễ gãy
Móng tay cũng cần có đủ lượng canxi để mọc khỏe và không bị giòn. Móng tay yếu và dễ gãy cũng là biểu hiện của sự thiếu canxi trong cơ thể.
4. Bệnh loãng xương
Mất xương, loãng xương là biểu hiện đáng chú ý nhất trong danh sách các triệu chứng của thiếu hụt canxi. Mất xương thường xảy ra ở phụ nữ mãn kinh hoặc sau mãn kinh có nồng độ estrogen giảm, làm giảm sự hấp thu canxi. Bởi vì khi cơ thể nếu thiếu canxi thì sẽ rút canxi từ xương để phục vụ nhu cầu của tim và các cơ quan khác.
Thiếu xương (giai đoạn bắt đầu của loãng xương) và loãng xương cần phải được theo dõi và đánh giá thường xuyên, bằng cách đo mật độ xương và kiểm tra nồng độ canxi trong máu định kỳ.
5. Mất ngủ
Đây cũng là một dấu hiệu quan trọng của sự thiếu hụt canxi. Trong nhiều trường hợp, người không có đủ canxi trong chế độ ăn uống sẽ bị mất ngủ. Trong một số trường hợp, người thiếu canxi vẫn ngủ nhưng giấc ngủ không đủ sâu, thức dậy vẫn thấy mệt mỏi.
Riêng với trẻ em sẽ có một số biểu hiện điển hình khác như:
Với trẻ nhỏ sẽ thường hay bị giật mình, quấy khóc khi ngủ, chậm phát triển kỹ năng vận động (chậm biết bò, đứng, đi…). Nếu tình trạng thiếu canxi kéo dài, trẻ có thể bị chân vòng kiềng, vẹo cột sống…
Với trẻ em lớn đang phát triển, dấu hiệu rõ rệt nhất là trẻ thường kêu đau nhức xương khi vận động và giảm đau khi nghỉ ngơi hoặc được xoa bóp.
6. Răng trở nên vàng hơn, chậm mọc răng
Răng và xương bị tác động lớn khi bạn thiếu canxi. Do vậy, khi nhận thấy dấu hiệu này bạn cần rà soát lượng canxi trong chế độ ăn và kiểm tra mật độ khoáng trong xương, vì đây là một trong những dấu hiệu của tình trạng thiếu canxi.
7. Ở nữ giới xuất hiện các triệu chứng tiền kinh nguyệt
Những triệu chứng bạn thường gặp trước mỗi kỳ kinh nguyệt như nổi mụn, đau ngực, đau lưng, đau bụng, rối loạn giấc ngủ, nhức đầu, đau cơ, căng thẳng, mất tập trung... xuất hiện nhiều hơn thường lệ. Điều này có liên quan đến canxi, chúng sẽ giảm đi nếu cung cấp đủ canxi cho nhu cầu của cơ thể.
Cần làm gì khi cơ thể thiếu canxi?
Canxi là một khoáng chất thiết yếu, trong đó đến 98 - 99% tập trung ở xương và răng, 1% lượng canxi còn lại có nằm trong máu và các tế bào, nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì chức năng của cơ thể. Lượng canxi thích hợp rất quan trọng để xương, cơ và dây thần kinh hoạt động tốt, giúp ổn định huyết áp, duy trì nhịp đập của tim, sự đông đặc của máu, điều tiết hormone và phát các tín hiệu thần kinh đúng thời điểm...
Khi có biểu hiện thiếu canxi thì cần đi khám tại cơ sở y tế để xác định có bị thiếu hay không, từ đó có giải pháp bổ sung canxi hợp lý.
BS. Nguyễn Văn Dũng cho biết, theo khuyến cáo của WHO lượng canxi cần thiết cho cơ thể là:
Trẻ em 0 - 1 tuổi cần 400mg - 600mg/ngày; trẻ em 1 - 10 tuổi cần 800mg/ngày.
Người lớn 11 - 24 tuổi cần 1200mg/ngày; người lớn 24 – 50 tuổi cần 800mg - 1000mg/ngày.
Phụ nữ có thai, người cao tuổi cần 1200mg - 1500 mg/ngày.
Bổ sung canxi từ chế độ ăn
Cải thiện chế độ ăn uống là một phần không thể thiếu để khắc phục tình trạng thiếu canxi máu. Chế độ ăn của người bệnh cần ưu tiên thực phẩm giàu canxi y như:
- Sữa tươi, chế phẩm làm từ sữa.
- Rau màu xanh đậm: súp lơ, cải xoăn, cải bó xôi,...
- Đậu nành và các loại hạt như hạt chia, vừng, lạc,...
- Cá biển: cá hồi, cá mòi,...
Thực phẩm bổ trợ
Khi chế độ ăn không đủ cung cấp canxi, việc sử dụng thực phẩm chức năng có thể cần thiết. Các viên uống bổ sung canxi có thể giúp cải thiện mức canxi trong máu. Tuy nhiên, trước khi sử dụng canxi dạng thực phẩm bổ sung, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết cách bổ sung đúng hàm lượng, tránh gây tương tác thuốc.
(Tổng hợp)