6.300 nhà đầu tư là bị hại vụ Tân Hoàng Minh: Quy trình lấy lại tiền thế nào?
Theo Luật sư Nguyễn Thị Mai (công ty luật Hà Trọng Đại và cộng sự), để thuận lợi trong việc lấy lại số tiền chính đáng của mình ở vụ án Tân Hoàng Minh, các nhà đầu tư cần lưu ý 3 điểm.
Tại phiên xét xử Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng 14 đồng phạm trong vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Hội đồng xét xử xác nhận các bị cáo đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả hơn 8.600 tỷ đồng. Đây là số tiền mua trái phiếu từ 6.630 nhà đầu tư được xác định là bị hại của vụ án. Phiên tòa cũng ghi nhận có hơn 1.000 nhà đầu tư trực tiếp đến tòa để theo dõi và đòi hỏi quyền và lợi ích chính đáng.
Vậy đối với các nhà đầu tư này, quy trình để thu hồi lại số tiền đã đầu tư vào trái phiếu như thế nào? Để làm rõ điều này, PV VOV.VN đã phỏng vấn luật sư Nguyễn Thị Mai (công ty luật Hà Trọng Đại và cộng sự). Luật sư Nguyễn Thị Mai cùng các đồng nghiệp đang tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng chục nhà đầu tư là bị hại trong vụ án Tân Hoàng Minh.
PV: Xin luật sư cho biết, đối với các nhà đầu tư là bị hại trong vụ án này thì quy trình để lấy lại tài sản là như thế nào? Vì hiện nay nhà chức trách đã thu hồi đầy đủ số tiền chiếm đoạt là hơn 8.600 tỷ đồng.
Luật sư Nguyễn Thị Mai: Căn cứ Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định: Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Do vậy, vấn đề về bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư là bị hại trong vụ án Tân Hoàng Minh sẽ được giải quyết tại phiên Toà hình sự đang được Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử.
Căn cứ khoản 1, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì việc xử lý vật chứng do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Như vậy, căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong vụ án cũng như diễn biến phiên Toà, Hội đồng xét xử sẽ quyết định việc các bị cáo sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ai, bồi thường bao nhiêu.
Nội dung này sẽ thể hiện trong Bản án Sơ thẩm, Bản án phúc thẩm (nếu có kháng cáo). Như vậy, để nhà đầu tư là bị hại trong vụ án lấy lại được số tiền mua trái phiếu, Hội đồng xét xử sẽ tuyên việc xử lý số tiền hơn 8.600 tỷ đồng – là số tiền khắc phục hậu quả ở trong Bản án.
Sau khi nhận được Bản án có hiệu lực pháp luật giải quyết vụ án nêu trên, các Nhà đầu tư sẽ phải liên hệ với Cục thi hành án dân sự có thẩm quyền để làm thủ tục yêu cầu thi hành án, hoàn trả lại toàn bộ số tiền được bồi thường theo nội dung đã thể hiện trong Bản án hình sự có hiệu lực pháp luật.
PV: Với nhà đầu tư muốn lấy lại số tiền chính đáng của họ thì cần phải chuẩn bị những gì và lưu ý những gì, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Thị Mai: Đối với các nhà đầu tư là Bị hại trong vụ án nêu trên, để lấy lại được số tiền chính đáng, cần đặc biệt lưu ý những nội dung sau:
Thứ nhất: Kiểm tra toàn bộ thông tin cá nhân cũng như số tiền bị thiệt hại.
Việc xác định tư cách bị hại trong vụ án được căn cứ vào các thông tin của nhà đầu tư đã đăng ký mua trái phiếu với Tân Hoàng Minh. Vụ án có hơn 6.600 bị hại, do vậy rất dễ nhầm lẫn thông tin của bị hại trong quá trình giải quyết vụ án. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc yêu cầu thi hành án sau này. Bởi vậy, để đảm bảo việc Thi hành án được tiến hành nhanh chóng, chính bị hại cũng cần phải cẩn thận rà soát, đối chiếu thông tin cá nhân của mình trong hồ sơ vụ án, có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung đến thư ký phiên tòa để chỉnh sửa, điều chỉnh kịp thời.
Thứ hai: Thực hiện yêu cầu thi hành án khi Bản án có hiệu lực
Ngay sau khi Bản án hình sự xét xử vụ án nêu trên có hiệu lực pháp luật, Nhà đầu tư là bị hại trong vụ án cần chuẩn bị hồ sơ gồm: Đơn yêu cầu thi hành án dân sự, Giấy tờ tuỳ thân của người yêu cầu, Bản án có hiệu lực pháp luật gửi đến Cục thi hành án dân sự thành phố Hà Nội. Thời gian thực hiện thi hành án tuỳ thuộc vào trừng trường hợp cụ thể nhưng nếu không gặp các sự kiện bất khả kháng hoặc trì hoãn thì thường thời gian này khoảng 1,5 tháng.
Thứ ba: Lưu ý thời hiệu yêu cầu thi hành án
Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định: “Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án”, Theo đó, Nhà đầu tư là bị hại trong vụ án cần lưu tâm về thời hiệu yêu cầu thi hành án để tránh trường hợp hết thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu thi hành án.
PV: Thông qua vụ án này, luật sư có tư vấn, góp ý thế nào với các nhà đầu tư có ý định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp?
Luật sư Nguyễn Thị Mai: Sau sự việc trên, chúng tôi nhận thấy, khi có ý định đầu tư trái phiếu về Doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần đặc biệt lưu tâm những vấn đề sau:
Một là, cần phải tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp phát hành, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp (nếu có), hiệu quả dự án dự kiến đầu tư, khả năng thanh toán, tài sản bảo đảm có thực chất không, bên bảo lãnh thanh toán có uy tín hay không...thay vì chỉ tập trung vào mức lãi suất hoặc thông tin do chính Doanh nghiệp quảng cáo.
Hai là, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ khía cạnh pháp lý của hợp đồng đầu tư, bảo đảm rằng quyền lợi của nhà đầu tư được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp doanh nghiệp cố tình ký kết với khách hàng bằng các hình thức Hợp đồng hợp tác đầu tư, Hợp đồng nguyên tắc… thay vì Hợp đồng mua bán trái phiếu, Nhà đầu tư cần phải xem xét, đánh giá rủi ro vì lúc này, các nhà đầu tư chỉ được ghi nhận là nhà đầu tư hợp tác thay vì là chủ sở hữu trái phiếu.
PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư.