6 loại rau củ không thể thiếu cho vụ xuân hè mà bạn nên trồng trong khu vườn của mình
Mùa xuân là thời điểm khí hậu mát mẻ, không quá nóng cũng không quá lạnh, đặc biệt độ ẩm cao nên rất thích hợp để trồng rau.
Mùa xuân và mùa hè luôn là hai mùa dễ dàng trồng được nhiều loại rau nhất, bởi đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để rau phát triển so với các mùa khác trong năm. Nhưng bạn có biết rau gì sẽ thường phổ biến nhất trong mùa này không?
1. Cà pháo
Cà pháo thường được dùng để muối dưa ăn, đặc biệt là vào những ngày hè khi ăn kèm với canh rau.
Do hạt cà pháo có phần vỏ dày và cứng, nên bạn cần ngâm hạt giống trong nước ấm từ 5-7 giờ đồng hồ, hoặc ngâm qua đêm trong nước lạnh trước khi gieo. Hạt nên được gieo cách nhau 6 - 7cm để cây con có thể phát triển tốt.
Sau 10 - 20 ngày khi cây được 4 - 6 lá thì chuyển cây ra chậu. Trước 2 - 3 ngày khi chuyển cây thì ngừng tưới nước, và trước khi chuyển 2-3 tiếng thì tưới nước để cây không bị đứt rễ.
Cà pháo là cây không chịu được nước, do vậy bạn cần đảm bảo cây không bị úng bằng cách khoét lỗ dưới chậu hoặc thùng xốp để cây luôn có thể thoát nước tốt nhất. Cà pháo là cây rễ chùm, cho nên bạn nên trồng cây vào thùng xốp hoặc chậu lớn, và mỗi thùng xốp chỉ nên trồng 1 cây.
Cà pháo cũng là cây cần nhiều dinh dưỡng nên cần đảm bảo bạn bón đủ phân cho cây vào ba giai đoạn: Cây đang phát triển, cây ra hoa, và sau khi cây đã ra quả.
Chú ý thu hoạch cà khi quả đạt độ vừa tới, tránh để quá già. Sau khi thu hoạch, bạn lại tiếp tục bón thúc để chờ cây ra quả đợt tiếp theo.
2. Cà tím
Cà tím có thể chế biến rất nhiều món như xào, rán, nấu canh đều rất ngon miệng. Cách trồng cà tím cũng khá dễ và lượng quả ra cũng rất nhiều nên bạn hoàn toàn có thể tự trồng thay vì mua rau ngoài chợ mà e sợ rau không sạch.
Hạt cà tím cần phải ngâm trong nước lạnh khoảng 24 - 30 giờ, sau đó ngâm tiếp trong nước ấm 50 độ C khoảng 1 tiếng để hạt có thể dễ dàng nảy mầm. Tiếp tục bọc hạt trong vải ẩm cho tới khi hạt nứt ra rồi mới đem gieo. Gieo hạt vào khay và tưới nước đều đặn cho đến khi cây có 5 - 6 lá thì chuyển cây ra chậu hoặc thùng xốp lớn.
Khi cây ra hoa đợt 1, thì cắt các cành bên dưới bông hoa thấp nhất, để gốc cây thông thoáng. Khi cây ra hoa đợt 2 thì cắt ngọn cây để cây không cao thêm và phát triển thêm nhiều cành.
Tương tự như cà pháo, bạn cũng chỉ nên trồng mỗi cây vào một chậu hoặc thùng xốp để đảm bảo cây phát triển tốt nhất.
Vì quả cà tím thường lớn và mỗi lần ra quả đều rất nhiều, nên bạn cần chú ý tìm thêm cây để chống đỡ bên dưới tránh cho cây không bị đổ.
Sau 2 tháng kể từ ngày trồng, cây sẽ cho thu hoạch quả. Nếu chăm sóc tốt cây có thể ra quả liên tục trong 5 - 7 tháng.
3. Rau mùng tơi
Những ngày hè oi bức không thể thiếu bát canh rau mùng tơi ngọt mát. Rau mùng tơi sẽ thích hợp và dễ trồng nhất vào những ngày mùa xuân, mưa phùn ẩm ướt.
Để gieo hạt, bạn cần chuẩn bị thùng xốp, đất dinh dưỡng mua ở các cửa hàng bán hạt giống, cây giống, nước. Sau khi bỏ đất vào thùng xốp dày khoảng 8cm, thì bạn bắt đầu rắc hạt giống lên. Sau đó phủ một lớp đất mỏng 0,5 cm. Hàng ngày tưới ẩm đất nhẹ nhàng cho tới khi cây nảy mầm.
Đôi khi bạn có thể bón phân cho rau bằng cách cho một muỗng nhỏ phân ure hòa với 1 lít nước rồi tưới vào buổi chiều mát.
Để rau không cần tới giàn, bạn nên tỉa ngọn rau để cây phát triển ra nhánh bên cạnh. Rau mùng tơi gần như có thể thu hoạch liên tục, và không tốn quá nhiều công chăm bón nên rất dễ dàng cho các bà nội trợ bận rộn.
4. Rau ngót
Những bát canh rau ngót nấu với thịt băm, hay tôm... đều rất dễ ăn và có thể làm hài lòng bất kỳ một người kén ăn nào.
Không giống như các loại rau thông thường. Rau ngót là loại rau thân gỗ, và có thể trồng bằng cách giâm cành mà không cần phải mua hạt giống. Bạn chỉ cần mua một mớ rau ngót về, lấy phần lá để ăn, và cắt lại phần gốc của cành để giâm. Nên giâm cành nghiêng khoảng 45 độ, và khoảng cách đủ để khi cây ra nhánh và lá phát triển được.
Giống như rau mùng tơi, rau ngót sẽ xanh và phát triển tốt nhất trong điều kiện ẩm. Do vậy, ngoài việc tưới nước hàng ngày cho cây, hai lần vào sáng và tối, vào những ngày thời tiết khô và nắng, bạn cần chú ý tưới nhiều nước hơn.
Rau ngót có thể cho rau từ 4 - 5 năm, do vậy, khi hết mùa bạn chỉ cần dùng dao sắc cắt sát gốc, và thỉnh thoảng tưới nước, tới mùa rau sẽ lại tự phát triển như bình thường.
5. Rau muống
Đã là người Việt thì nhất định phải biết đến dưa cà pháo và canh rau muống. Rau muống cũng rất dễ trồng, nên hoàn toàn có thể tự trồng trong thùng xốp tại nhà.
Bạn có thể mua rau muống ngoài chợ để lấy phần cuống rau về trồng hoặc mua hạt giống. Nhưng cách tốt nhất là lấy phần cuống để giâm như rau ngót. Cách này vừa đỡ tốn công gieo hạt mà lại rất dễ làm.
Giống như rau ngót, bạn cắt phần cuống dưới cùng của thân rau rồi bỏ hết lá và giâm vào đất. Hàng ngày chú ý tưới nước cho rau, chú ý không tưới quá nhiều dễ làm thối thân rau, cũng không tưới quá ít để rau dễ dàng ra rễ.
Bạn có thể dùng phân đạm và phân NPK để tưới cho rau, hoặc dùng phân vô cơ.
Khi rau đủ tốt thì dùng tay bấm sát gốc để lấy rau ăn, và lại tiếp tục bón thêm phân để rau ra đợt mới. Theo kinh nghiệm của người làm nông, việc dùng tay để hái rau sẽ giúp cây nhanh ra rau mới hơn là dùng dao hoặc kéo để tỉa.
6. Rau dền
Trong tất cả các loại rau của mùa hè, thì rau dền có lẽ là loại rau dễ chăm sóc nhất. Bạn có thể dễ dàng mua được hạt giống rau dền từ các cửa hàng bán cây và hạt giống trồng rau.
Sau khi bỏ đất vào thùng xốp và làm ẩm đất thì bạn có thể gieo hạt giống. Hạt giống cần được ngâm trong nước 2 tiếng trước khi gieo để nhanh nảy mầm hơn. Do hạt rau dền rất bé và dễ bị dính vào nhau sau khi ngâm, nên cần chú ý khi gieo để mật độ không quá dày.
Sau khi cây ra 2 - 3 lá thì tiến hành tỉa bớt cây để khoảng cách giữa các cây là 3 - 4cm là tốt nhất. Chú ý tưới thêm phân ure pha loãng cho rau để rau phát triển tốt hơn.
Sau 20 - 30 ngày thì có thể thu hoạch rau bằng cách nhổ rau lên và cắt bỏ gốc, và tiếp tục trồng đợt mới nếu muốn.