6 kiểu gia đình khác nhau, dẫn đến tương lai con cái cũng khác "một trời một vực": Mong bạn thuộc 3 kiểu đầu tiên
Cách gia đình giáo dục con cái sẽ ảnh hưởng đến tương lai trẻ.
Nhà trị liệu gia đình nổi tiếng người Mỹ - Satya tin rằng: Ảnh hưởng của gia đình nguyên thủy đối với con cái vô cùng chặt chẽ. Một gia đình hạnh phúc sẽ có lợi hơn cho sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của trẻ em.
3 kiểu gia đình ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ
Một gia đình có cha mẹ đổ lỗi cho nhau
Một cư dân mạng kể: Trong ký ức của mình, điều cô nghe bố nói nhiều nhất là những lời chỉ trích mẹ không đủ khả năng gánh vác gia đình và câu "thần chú" của mẹ cô: "Nếu không có con, mẹ đã ly hôn với bố con từ lâu rồi".
Dưới sự ảnh hưởng của cha mẹ, cô cũng thích phàn nàn mỗi khi gặp điều gì đó. Đôi khi cô sẽ mất bình tĩnh khi không hài lòng, nghĩ rằng cả thế giới nợ mình.
Ngoài ra, điều tác động sâu sắc nhất đến cư dân mạng này là khi cô nhìn thấy cuộc hôn nhân khốn khổ của bố mẹ mình, cô cảm thấy việc kết hôn quá mệt mỏi và cô thà sống một mình còn hơn.
Cha mẹ đổ lỗi cho nhau cần hiểu rằng trong cuộc chiến này không có người chiến thắng, chỉ có con cái là kẻ thua cuộc lớn nhất mà thôi.
Một gia đình có cha mẹ yêu thương con cái không chừng mực
Tiểu Hào là con một trong gia đình, cha mẹ cậu phải chữa chạy nhiều năm mới có được. Vì vậy, cậu bé đã trở thành báu vật của gia đình, mọi việc đều phụ thuộc vào quyết định của Tiểu Hào.
Lúc nhỏ, Tiểu Hào đòi đồ chơi gì được nấy. Lên lên, con than mệt không muốn đi học, cha mẹ cũng viện nhiều lý do để xin phép giáo viên. Năm học cấp 3, Tiểu Hào chán học, bỏ ngang. Cha mẹ vẫn chiều chuộng, cơm bưng nước rót để con ngày ngày chơi game thâu đêm suốt sáng. Hiện đã 30 tuổi, Tiểu Hào vẫn là một đứa trẻ khổng lồ sống bám cha mẹ.
Trong cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ như Tiểu Hào tin rằng dù con cái không đi làm thì họ vẫn có thể nuôi con. Nhưng một ngày nào đó cha mẹ sẽ già đi, họ có thể bảo vệ con mình một thời gian, nhưng liệu có thể bảo vệ con cả đời?
Chưa kể, nhiều đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ "đáp ứng con cái là nghĩa vụ của cha mẹ". Không chỉ với cha mẹ, những đứa trẻ này khi đi làm, được đồng nghiệp, bạn bè giúp đỡ, cũng coi là hiển nhiên. Người giúp không nhận được một lời cảm ơn, không nhận được thái độ biết ơn. "Đứa trẻ" đó, sau khi không còn liên quan nữa, sẽ ra đi một cách dửng dưng và vô ơn.
Gia đình có cha mẹ không làm tròn trách nhiệm
Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Nhật Kotaro Isaka từng nói: Ý nghĩ được làm cha mẹ mà không vượt qua kỳ thi thật đáng sợ. Trong cuộc đời, có quá nhiều bậc cha mẹ không nuôi dạy con cái, không làm tròn trách nhiệm đúng hạn và phá hủy một gia đình tốt đẹp.
Có chuyên gia từng kể, bà nhận được phàn nàn của nhiều phụ huynh: "Tôi đã làm hết mọi thứ cho con mà sao nó vẫn hư?". Đến khi được hỏi: "Anh chị mỗi ngày dành ra bao nhiêu thời gian nói chuyện với con?" thì họ im lặng. Nếu một đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã phải gánh chịu sự bận rộn, vô trách nhiệm của cha mẹ, thì việc không sinh con có thể là một lựa chọn tử tế.
Tuổi thơ của con chỉ có một lần. Bởi vậy, dù ít hay nhiều, bố mẹ vẫn đang cố gắng "chắt chiu" từng khoảng thời gian để dành cho con. Bởi bố mẹ biết, bên gia đình - đó là khoảng thời gian con hạnh phúc nhất.
3 kiểu gia đình ảnh hưởng tích cực đến trẻ
Gia đình có nhiều hoạt động giải trí
Một nhóm nghiên cứu từng phát hiện qua các cuộc khảo sát rằng những đứa trẻ ăn tối cùng gia đình 2-3 lần một tuần thường có kết quả học tập tốt hơn. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nguyên nhân chính là do các thành viên trong gia đình nói chuyện với nhau và sự tương tác này củng cố mối quan hệ của họ.
Ngoài ra, những tương tác giữa cha mẹ và con cái như trò chơi trí tuệ, thể thao, trò chuyện cũng có thể giúp trẻ nâng cao khả năng tư duy logic và thúc đẩy sự phát triển trí não.
Gia đình có con cái chia sẻ việc nhà
Khảo sát số liệu cho thấy, trong số những gia đình nhất quyết cho con làm việc nhà, tỷ lệ trẻ đạt điểm giỏi lên tới 86,92%.
Bởi trong quá trình làm việc nhà, trẻ có thể kiềm chế hành vi và nâng cao khả năng tự quản lý bản thân. Khi áp dụng khả năng này vào việc học, trẻ có thể đạt được những năng lực tốt hơn và hòa nhập xã hội sau này cũng dễ dàng hơn, đạt được thành công cao hơn.
Gia đình có ít phần thưởng vật chất
Nhiều cha mẹ có thói quen treo thưởng cho con bằng tiền bạc. Chẳng hạn như họ thường nói: "Nếu con được điểm 10, con sẽ được thưởng tiền đi mua đồ chơi, đồ ăn vặt", "Nếu con đứng top đầu của lớp, mẹ sẽ thưởng cho con một khoản tiền",…
Phần thưởng vật chất lâu dài không chỉ giết chết động lực học tập của trẻ mà thậm chí còn khiến trẻ hình thành thói quen xấu - chăm chăm ra điều kiện mỗi khi làm bất cứ việc gì.
Để trẻ hình thành thói quen làm bất cứ việc gì cũng phải có thưởng thì điều nguy hiểm nhất là chúng sẽ không nhìn nhận được tình yêu của cha mẹ nữa. Thứ tình yêu có điều kiện này khiến trẻ cảm thấy tình yêu thương và quan tâm của gia đình dành cho chúng đều là "thứ mà tôi phải trả giá để đổi lấy".