6 "kiểu" ăn uống dần phá hủy cơ thể và sức khỏe của bạn sau 30 tuổi
Để giữ gìn và củng cố sức khỏe của bạn ở độ tuổi 30 trở đi, hãy tránh những thói quen không lành mạnh này.
Tuổi 30 của bạn có thể là thời gian để thăng hoa. Bạn đã trưởng thành, tự tin và chắc chắn về bản thân hơn so với những năm 20 tuổi. Và bạn vẫn cho rằng mình đang trên "đỉnh cao" của cuộc đời, cả về sức khỏe lẫn nhiều khía cạnh khác.
Đúng là ở độ tuổi 40, một số vấn đề về sức khỏe thực sự bắt đầu xảy ra. Đến độ tuổi 50, 60, những thay đổi này càng rõ ràng hơn và sức khỏe của bạn có chiều hướng đi xuống. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là ở độ tuổi 30 bạn không cần lo lắng cho sức khỏe của mình.
Cơ thể và sức khỏe của bạn thay đổi như thế nào ở độ tuổi 30?
Hãy đối mặt với thực tế là cơ thể bạn ở độ tuổi 30 không còn giống như khi 20 tuổi. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, một số thay đổi phổ biến bạn sẽ trải qua sau 30 là:
- Sức khỏe của xương: Sau tuổi 30, xương của bạn sẽ bắt đầu mất khoáng chất và mật độ.
- Mô cơ: Theo thời gian, cơ thể bạn bắt đầu mất mô cơ nạc và quá trình này bắt đầu sau 30 tuổi.
- Mỡ cơ thể: Mỡ cơ thể của bạn cũng tăng theo tuổi tác và nguy cơ mỡ bụng cũng đặc biệt tăng lên.
Nghiên cứu được công bố trên JAMA (JAMA Network - tạp chí y học uy tín được xuất bản bởi Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) cũng chỉ ra rằng bị huyết áp cao ở độ tuổi 30 có thể khiến cho sức khỏe não bộ kém đi sau này.
Cùng với những thay đổi này, các chuyên gia cũng nói rằng phụ nữ bước vào độ tuổi 30 nên suy nghĩ về tiền mãn kinh.
6 "kiểu" ăn uống dần phá hủy cơ thể bạn sau 30 tuổi
Có những thói quen ăn uống mà các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng có thể tàn phá cơ thể bạn ở độ tuổi 30. Cụ thể là:
1. Ăn thiếu canxi và vitamin D
Cơ thể bạn cần canxi, vitamin D cho sức mạnh và sự phát triển của xương, đồng thời bảo vệ xương không bị gãy hay viêm. "Tiêu thụ canxi và vitamin D không đủ có thể làm giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương", Katherine Gomez, chuyên gia dinh dưỡng tại PsycheMag cho biết.
Chính bởi vậy mà bạn nên tiêu thụ thực phẩm giàu canxi như các sản phẩm từ sữa, rau xanh và các sản phẩm tăng cường, cũng như tiếp xúc đủ ánh nắng mặt trời.
2. Ăn thiếu các loại thực phẩm lành mạnh cho tim và ruột
Một trái tim khỏe mạnh được hỗ trợ bởi một đường ruột khỏe mạnh. Vì vậy khi sang tuổi 30, bạn nên tăng mức độ chất xơ để hỗ trợ hệ thống tiêu hóa và giữ cholesterol ở mức tốt. Thưởng thức thực phẩm giàu thực vật giàu prebiotic như sữa chua và kiwi có thể giúp giảm viêm và hỗ trợ sức khỏe bạn khi già đi.
3. Tiêu thụ quá nhiều đường
Khi còn trẻ, cảm giác như chúng ta có thể ăn 5 chiếc bánh rán mỗi tuần và không tăng cân. Nhưng khi già đi, chúng ta cần giảm lượng đường. Một lượng lớn đường làm tăng lượng đường trong máu. Điều này sẽ dẫn đến việc lưu trữ chất béo dư thừa và có khả năng mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim.
4. Không bổ sung đủ protein
Protein rất cần thiết cho việc xây dựng và sửa chữa cơ bắp. Điều này rất cần thiết khi bạn ở độ tuổi 30, mô cơ của bạn bắt đầu thay đổi. Lượng protein tối ưu có thể cải thiện sự trao đổi chất của bạn. Vì vậy, thêm thịt nạc, đậu, phô mai và sữa chua vào chế độ ăn uống sẽ giúp bạn bổ sung protein. Một chế độ ăn giàu protein cũng sẽ giữ cho bạn cảm thấy no lâu hơn, do đó sẽ có ít ham muốn ăn vặt với thực phẩm nhiều đường.
5. Không bổ sung đủ omega-3
Omega-3 rất tốt để cải thiện tâm trạng, trí nhớ và mức năng lượng cũng như giảm viêm trong cơ thể. Tất cả những điều sẽ thay đổi ở độ tuổi 30, đặc biệt nếu bạn là phụ nữ. Bởi phụ nữ ở độ tuổi này thường có sự thay đổi hormone.
Nếu đang muốn bắt đầu lập gia đình ở độ tuổi 30, omega-3 có thể có lợi cho khả năng sinh sản của bạn. Vì vậy, hãy ăn cá béo, chẳng hạn như cá hồi và các loại hạt như hạt lanh, hạt hướng dương để bổ sung omega-3.
6. Bạn không ăn đủ rau
Hãy suy nghĩ về việc thêm một đĩa rau lớn như một món ăn phụ cho mỗi bữa ăn của bạn. Rau sẽ cung cấp cho bạn các vitamin cần có để cải thiện làn da cũng như hỗ trợ tiêu hóa và sức khỏe đường ruột. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể giúp bạn trong cuộc chiến chống lại các bệnh như tiểu đường, bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư.
Có thể nói, 30 tuổi là thời điểm quan trọng để bắt đầu thiết lập thói quen lành mạnh chăm sóc bản thân, trong đó có chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
Theo nguồn: Eat This, Not That!, Momsay