6 bạn trẻ kiện 32 quốc gia châu Âu vì nạn cháy rừng
Tòa án Nhân quyền châu Âu xét xử một vụ kiện “chưa từng có” vào ngày 27/9, do 6 nguyên đơn trong độ tuổi từ 11 đến 24 khởi kiện chống lại 32 quốc gia châu Âu, cáo buộc họ không xử lý được cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra.
Theo đài truyền hình CNN, các nguyên đơn người Bồ Đào Nha khẳng định họ sẽ luôn sẵn sàng ở tiền tuyến trong mặt trận biến đổi khí hậu và yêu cầu tòa án buộc các quốc gia phải nhanh chóng đẩy nhanh hành động về khí hậu.
Đây là vụ kiện về khí hậu đầu tiên được đệ trình lên Tòa án Nhân quyền châu Âu và là vụ kiện lớn nhất trong tổng số ba vụ kiện về khí hậu mà tòa án đang xét xử.
Nếu như các nguyên đơn giành chiến thắng, các quốc gia sẽ phải đẩy nhanh tiến độ hành động về khí hậu. Đây cũng sẽ mở ra tiền đề cho các vụ kiện về khí hậu khác trên khắp thế giới, đặc biệt là những vụ kiện cho rằng các quốc gia có nghĩa vụ nhân quyền bảo vệ người dân khỏi khủng hoảng khí hậu.
Gearóid Ó Cuinn, giám đốc Mạng lưới Hành động Pháp lý Toàn cầu (GLAN) - tổ chức đã hỗ trợ vụ kiện của các nguyên đơn, cho biết: “Đây thực sự là một trường hợp đối đầu giữa chú lùn David và người khổng lồ Goliath, chưa từng có về quy mô và tác động tiềm tàng của nó. Chưa bao giờ có nhiều quốc gia phải tự bào chữa cùng lúc như vậy”.
Hành trình để 6 bạn trẻ xuất hiện trong phiên điều trần ngày 27/9 bắt đầu từ 6 năm trước. Catarina Mota, một trong những nguyên đơn, chia sẻ về những trận cháy rừng tàn khốc vào năm 2017 thiêu rụi 500.000 ha diện tích rừng tại Bồ Đào Nha và cướp đi sinh mạng của hơn 100 người trong năm đó. Khi đám cháy lan tới nơi Mota sống, trường học của cô và những trường khác trong khu vực đều đóng cửa. “Khói ở khắp mọi nơi”, Mota hồi tưởng.
Mota bắt đầu nói chuyện với bạn của cô ấy, Cláudia Duarte Agostinho, và với sự hỗ trợ của GLAN, họ đã tập hợp thêm bốn nạn nhân trẻ khác. Cả 4 nguyên đơn này đều bị ảnh hưởng bởi vụ cháy năm 2017.
Mặc dù tập trung nói về những đám cháy rừng song trong đơn kiện, 6 bạn trẻ đều đề cấp đến việc biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào, đặc biệt là những đợt nắng nóng gay gắt mà Bồ Đào Nha thường xuyên phải trải qua. Họ nói rằng trong khoảng thời gian này, họ khó đi ra ngoài, khó tập trung vào việc học, khó ngủ và thậm chí một số người còn khó thở, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
“Nó khiến chúng tôi lo lắng về tương lai của mình. Làm sao chúng ta có thể không sợ hãi?”, nguyên đơn 15 tuổi André dos Santos Oliviera cho biết.
Vụ kiện được đệ trình vào năm 2020 và chủ yếu dựa vào hoạt động huy động vốn từ cộng đồng. Tòa án Nhân quyền châu Âu đã quyết định tiến hành nhanh chóng giải quyết đơn kiện do tính cấp bách của vấn đề và số lượng bị cáo lớn.
Trong phiên xét xử ngày 27/9, các nguyên đơn sẽ lập luận việc các nước thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu là vi phạm nhân quyền của họ, bao gồm quyền sống và cuộc sống gia đình, quyền tự do không bị đối xử vô nhân đạo và quyền tự do không bị phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác. Các nguyên đơn yêu cầu tòa án ra phán quyết các quốc gia gây ra khủng hoảng khí hậu có nghĩa vụ bảo vệ không chỉ công dân của mình mà còn cả những người bên ngoài biên giới.
Họ yêu cầu 32 quốc gia, bao gồm 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu cùng với Na Uy, Nga, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Vương quốc Anh, phải cắt giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm và buộc các công ty đặt trụ sở tại 31 quốc gia này trong phải cắt giảm lượng khí thải trên toàn bộ dây chuyền sản xuất.
Về phần mình, các quốc gia bị kiện tuyên bố bằng văn bản rằng không ai trong số các nguyên đơn chứng minh họ đã phải chịu tổn hại nghiêm trọng do biến đổi khí hậu.
Chính phủ Hy Lạp - quốc gia vừa trải qua mùa hè nắng nóng, cháy rừng và bão tố chết người - phản hồi: “Những tác động của biến đổi khí hậu được ghi nhận cho đến nay dường như không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hoặc sức khỏe con người”.
Theo ông Michael B. Gerrard, Giám đốc Trung tâm Luật Biến đổi Khí hậu Sabin tại Đại học Luật Columbia, nếu như tòa án ra phán quyết các quốc gia không có nghĩa vụ nhân quyền khi nói đến biến đổi khí hậu, điều này có thể gây tổn hại rất lớn đến những vụ kiện tương tự khác. Còn nếu tòa án có thể ra phán quyết có lợi cho nguyên đơn, phán quyết sẽ “giống như một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý”, buộc tất cả 32 quốc gia phải đẩy nhanh hành động về khí hậu.
“Đây có thể là một phán quyết cực kỳ quan trọng sẽ truyền cảm hứng cho nhiều vụ kiện về khí hậu hơn trên khắp châu Âu và có lẽ là nhiều khu vực khác”, ông Gerrard nhận định.
Đây là vụ kiện lớn thứ 3 trong năm nay liên quan đến nghĩa vụ của các quốc gia đối với công dân bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.
Hai vụ còn lại đã được tòa xét xử vào tháng Ba. Một vụ được khởi kiện do hơn 2.000 người phụ nữ cao tuổi tại Thụy Sĩ, cho rằng sóng nhiệt do biến đổi khí hậu làm suy yếu sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ. Vũ còn lại có nguyên đơn là một thị trưởng người Pháp, cho rằng việc Pháp không hành động về biến đổi khí hậu đã vi phạm nhân quyền của ông.
Gerry Liston, luật sư cấp cao của GLAN cho biết, không rõ liệu các tòa án có đưa ra phán quyết chung cho tất cả các yêu cầu bồi thường hay không nhưng khung thời gian giữa phiên điều trần và thời điểm ra phán quyết thường là từ 9 đến 18 tháng.
Khi khí hậu khắc nghiệt ngày một trở nên tồi tệ hơn, kiện tụng về khí hậu đang chứng tỏ là một công cụ ngày càng phổ biến để cố gắng buộc các chính phủ hành động về khí hậu, đặc biệt là khi các quốc gia chưa nỗ lực đủ để cắt giảm ô nhiễm và ngăn chặn mức độ nóng lên trên Trái Đất.
Ngay cả khi các chính sách khí hậu hiện tại được đáp ứng, thế giới vẫn đang trên đà nóng lên hơn 2,5 độ C so với mức tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này. Hành tinh đã ấm lên khoảng 1,2 độ và những tác động rất rõ ràng. Chỉ riêng năm nay đã chứng kiến những đợt nắng nóng kỷ lục, cháy rừng chưa từng có và lũ lụt thảm khốc.