55 người nhiễm sán lá gan nhỏ vì thói quen ăn đồ sống

P.V,
Chia sẻ

55 người nhiễm sán lá gan nhỏ sống tại xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

55 người nhiễm sán lá gan nhỏ vì thói quen ăn đồ sống - Ảnh 1.

Thực hiện xét nghiệm phát hiện giun sán trên mẫu của 400 người dân. Ảnh: CDC Quảng Ninh

Theo ThS. Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng Khoa Ký sinh trùng - côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh, kết quả điều tra phân vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp do CDC Quảng Ninh thực hiện đối với 400 người dân trong độ tuổi từ 2 - 65 tuổi tại xã Liên Vị và Sông Khoai đã phát hiện 55 người (trên tổng số 200 người dân xã Liên Vị được điều tra) bị nhiễm sán lá gan nhỏ, nhóm tuổi mắc cao nhất là 30 - 65 tuổi, trong khi xã Sông Khoai không có trường hợp nào nhiễm sán. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân xã Liên Vị có thói quen ăn hải sản sống (gỏi cá, tôm…).

Bệnh sán lá gan nhỏ gây nên bởi loài sán Clonorchis sinensis hoặc Opisthorchis viverrini là bệnh ký sinh trùng do sán lá gan nhỏ ký sinh ở đường mật trong gan. Người nhiễm sán lá gan nhỏ khi ăn các thức ăn từ cá chưa được nấu chín có ấu trùng sán lá gan nhỏ còn hoạt động như gỏi cá, lẩu cá, cá muối, cá ngâm giấm, cá khô, cá hun khói.

Bệnh sán lá gan nhỏ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, gây nên những tổn thương đường mật, túi mật, các cơ quan khác với các bệnh lý tùy theo mức độ nhiễm, thời gian nhiễm như: Đau bụng, rối loạn tiêu hóa, thiếu máu, kích thích và viêm đường mật, áp xe đường mật; Xơ hóa lan tỏa ở khoảng cửa, tổ chức gan tăng sinh, thoái hóa mỡ gan, áp xe gan, có thể có cổ trướng; Sỏi mật, đặc biệt có thể gây ung thư đường mật cholangiocarcinoma.

Ngoài 55 trường hợp nhiễm sán lá gan nhỏ tại xã Liên Vị, CDC Quảng Ninh cho biết, theo kết quả xét nghiệm tìm các loại trứng giun sán bằng phương pháp KatoKatz thực hiện trên 400 đối tượng tại 2 xã trên, tỷ lệ nhiễm giun chung chiếm 8% (32 người), chủ yếu là giun tóc, giun đũa.

Các bệnh do giun sán gây ra không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Có thể nhận ra bệnh bởi một số dấu hiệu như: đau bụng, người mệt mỏi chán ăn… Những trường hợp bệnh nặng có thể gây ra một số tác hại như: tiêu chảy, mất máu, chậm phát triển thể chất và nhận thức. Nhiều trường hợp trẻ bị tắc ruột và suy dinh dưỡng do giun gây nên. Các triệu chứng khác như ho là do sự di chuyển của giun đến các cơ quan trong cơ thể.

CDC Quảng Ninh đã đề nghị Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên chỉ đạo Trạm Y tế xã Liên Vị và Trạm Y tế xã Sông Khoai điều trị cho những trường hợp nhiễm giun được phát hiện. Đối với các trường hợp nhiễm sán lá gan nhỏ, CDC Quảng Ninh sẽ trực tiếp tổ chức điều trị miễn phí bằng thuốc đặc hiệu và điều trị triệu chứng theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan nhỏ ban hành kèm theo Quyết định số 1172/QĐ-BYT ngày 13/5/2022 của Bộ Y tế.

CDC Quảng Ninh cũng khuyến cáo người dân đảm bảo vệ sinh phòng bệnh bằng cách ăn chín, uống chín, đặc biệt không ăn cá chưa nấu chín, rau sống mọc dưới nước, gan sống; không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước. Nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời bệnh giun sán, giúp việc điều trị đúng hướng và có hiệu quả.

Chia sẻ