5 vật dụng trong nhà dễ là "ổ chứa formaldehyde" gây ung thư: Mong bạn "tiễn" chúng đi càng sớm càng tốt
Bạn hãy mau chóng kiểm tra xem trong nhà có đang sử dụng những món đồ này không.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã phân loại formaldehyde là chất gây ung thư ở người nếu tiếp xúc trong thời gian dài. Đặc trưng của chất này là không màu, có mùi hắc và có khả năng hoà tan trong nước. Chúng được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp, điển hình là các loại đồ gỗ, nhựa và vật liệu tổng hợp.
Dưới đây là danh sách 5 món dùng hàng ngày ở nhà, được xem là "ổ chứa formaldehyde" vì có thể chứa hàm lượng formaldehyde vượt quá tiêu chuẩn, từ đó tiềm ẩn rủi ro cho sức khoẻ gia đình.
1. Bọc đầu giường
Khi mua giường ngủ, nhiều người thích sử dụng thêm thiết kế bọc đầu giường vừa dày dặn vừa êm ái. Mặc dù chúng đẹp mắt lại khá tiện lợi, nhưng khi mua món đồ này về nhà, rất có thể bạn đang tự đưa nhiều formaldehyde vào chính phòng ngủ của mình.
Người dùng thường khó nhận biết chất liệu bên trong sản phẩm, vậy nên một số nhà sản xuất "vô lương tâm" đã chọn sử dụng bông lõi kém chất lượng được làm từ các sợi nhân tạo hoặc vật liệu tổng hợp. Những chất này chứa cực nhiều formaldehyde, lại được đặt ở trong phòng ngủ nên sẽ tiếp xúc với cơ thể hàng ngày. Bạn dùng càng lâu càng có hại cho sức khoẻ.
2. Một số món nội thất
Nhiều người chỉ chú trọng vào kiểu dáng và kích cỡ khi mua đồ nội thất, trong khi chất liệu mới là thứ quan trọng hơn cả. Bạn cần lưu ý khi mua một số món như tủ, kệ đựng, bàn ghế được làm từ gỗ ván ép vì chúng có thể là "vua của formaldehyde".
Ưu điểm lớn nhất của gỗ ván ép là dễ gia công và có giá thành rẻ. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế đồ nội thất, gỗ ván ép nếu chứa nhiều keo thì hàm lượng formaldehyde cũng theo đó mà tăng cao. Gỗ có nhiều mùi hăng chứng tỏ chứa nhiều formaldehyde, bạn có thể coi đây là một trong những cách nhận biết dễ nhất để tránh mua nhầm những sản phẩm kém chất lượng, kém an toàn.
3. Giấy dán tường
Trong quá trình trang trí nhà cửa, nhiều người thường dùng thêm giấy dán tường để không gian sống trở nên đẹp và bắt mắt. Nhưng để đảm bảo sức khoẻ cũng như bảo vệ môi trường, khuyên bạn nên cân nhắc về việc sử dụng thiết kế này.
Bởi vì, bản thân giấy dán tường thường chứa một lượng formaldehyde nhất định. Thêm vào đó, loại keo được dùng để tạo độ kết dính cho giấy dán tường lại càng chứa nhiều formaldehyde hơn. Đấy là chưa kể đến trường hợp bạn mua nhầm các sản phẩm "dỏm", chúng sử dụng thêm chất tạo màu/chất chống cháy thì lượng hoá chất độc hại chỉ tăng chứ không giảm. Do đó, thay vì tốn tiền mua giấy dán, bạn có thể cân nhắc sử dụng sơn tường để làm đẹp không gian mà vẫn thân thiện với sức khoẻ.
4. Vải
Một số loại vải sử dụng trong rèm cửa, chăn, ga giường... có thể chứa hàm lượng formaldehyde vượt tiêu chuẩn. Bởi vì formaldehyde thường xuất hiện trong những chất phụ gia như chất làm mềm, chất chống nhăn...
Cần lưu ý rằng, không thể tránh khỏi formaldehyde trong các sản phẩm làm từ vải, nhưng điều quan trọng là phải kiểm soát được hàm lượng của chúng. Vậy nên khi chọn mua rèm cửa hoặc chăn ga gối đệm, bạn không nên chọn những món giá rẻ, và cần kiểm tra kỹ thành phần sản phẩm.
5. Thảm
Nhiều người thích trải thảm trong phòng khách hoặc phòng ngủ để khiến không khí ngôi nhà thêm đẹp và dịu mắt. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, rất có thể bạn sẽ mua nhầm "tấm thảm độc hại". Chẳng hạn như thảm giả salu rẻ tiền với thiết kế mặt cao su được làm từ chất liệu TPR.
Vốn dĩ TPR không phải chất độc hại nhưng trong quá trình sản xuất loại thảm này, các chất hóa học như keo dính, chất phụ gia hoặc nhựa tổng hợp có thể chứa hàm lượng formaldehyde đáng báo động. Vậy nên, bạn cần hết sức tỉnh táo khi chọn mua thảm cho gia đình.
Nguồn: 163.com