5 trường hợp có nguy cơ cao bị bệnh huyết khối nguy hiểm, cần tìm hiểu ngay để biết cách phòng ngừa
Kiểm tra xem mình có nằm 1 trong 5 dạng người sau để phòng ngừa bệnh huyết khối hiệu quả và kịp thời.
Cục máu đông hay còn gọi là bệnh huyết khối về cơ bản không hoàn toàn chỉ có mặt tiêu cực. Bởi chúng có thể giúp bạn cầm máu khi bị thương để tránh tình trạng mất máu quá nhiều. Tuy nhiên, đôi khi huyết khối lại được hình thành ở những nơi không cần đông máu, ví dụ như trong dòng tuần hoàn của máu chẳng hạn thì nó có thể gây rắc rối khó lường cho sức khỏe.
Các cục máu đông xuất hiện trong tĩnh mạch và động mạch thì có thể khiến dòng chảy của máu chậm lại hoặc thậm chí bị tắc nghẽn không đưa máu kịp về tim, về não nên rất dễ gây ra các cơn đau tim hoặc đột quỵ bất ngờ. Ngoài ra, cục máu đông còn có thể hình thành ở chân gây ra chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Và những cục huyết khối ở chân này nếu ngày càng nhiều thì chúng có thể di chuyển ngược lên phổi gây thuyên tắc động mạch phổi (PE) và dẫn đến tử vong trong rất nhiều trường hợp.
Và sau đây là các trường hợp có nguy cơ bị mắc bệnh huyết khối nguy hiểm mà bất cứ ai cũng cần kiểm tra ngay để có ý thức phòng ngừa bệnh tốt hơn.
Những người thừa cân
Các chuyên gia sức khỏe đều đưa ra cảnh báo rằng, nếu cân nặng của bạn quá mức cho phép càng nhiều thì nguy cơ bị mắc bệnh huyết khối càng cao. Lúc này, các cục máu đông di chuyển tự do trong những mạch máu và có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Vì thế, giữ cân nặng phù hợp là cách hạn chế bệnh huyết khối hiệu quả. Để có được lợi ích này thì bạn phải có chế độ ăn uống hợp lý, đồng thời kết hợp với tập luyện thường xuyên để vóc dáng hoàn hảo và bảo đảm sức khỏe tốt hơn.
Người hút thuốc lá
Nhiều bạn nghĩ rằng, hút thuốc lá chỉ ảnh hưởng đến phổi nhưng thực ra nó cũng ảnh hưởng không ít đến các mạch máu trong cơ thể. Hút thuốc lá có thể làm hư màng niêm mạc của mạch máu và làm cho máu dính vào nhau nhiều hơn. Từ đó, thuốc lá làm tăng nguy cơ bệnh tim và bệnh động mạch ngoại biên, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch và gây đột quỵ bất ngờ.
Do đó, tốt nhất vẫn là không nên tập hút thuốc lá, còn nếu bạn đã lỡ là người nghiện thuốc lá rồi thì cần hạn chế lại ngay, nếu bỏ hẳn thì càng tốt cho sức khỏe lẫn ngăn ngừa bệnh huyết khối tốt hơn.
Ngồi nhiều, lười vận động
Theo các nghiên cứu thì nếu bạn ngồi liên tục trong 4 giờ trở lên có thể kích thích làm tăng nguy cơ bệnh huyết khối, đặc biệt nếu bạn ngồi lâu mà lại uống không đủ nước thì tình trạng càng nghiêm trọng hơn. Do đó, nếu công việc của bạn mang tính chất tĩnh, ngồi một chỗ ít di chuyển thì bạn cần chủ động đứng dậy đi lại sau 1 - 2 giờ ngồi lâu. Ngoài ra, tăng cường vận động, tập thể dục và uống nước đầy đủ cũng giúp giảm nguy cơ bệnh huyết khối tốt hơn.
Gia đình có tiền sử về bệnh huyết khối
Nếu trong gia đình bạn có người từng bị bệnh huyết khối bất thường hoặc các bệnh về tim mạch, đột quỵ thì bản thân bạn cũng cần lưu ý đến căn bệnh này. Bởi một số rối loạn di truyền làm cho máu của bạn đặc hơn và có khả năng gây cục máu đông nhiều hơn.
Do đó, nếu trong gia đình đã có sẵn nguy cơ thì bản thân bạn càng cần chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe, tập thể dục đều đặn và kiểm tra sức khỏe định kỳ là giải pháp cần được ưu tiên để ngăn ngừa bệnh huyết khối nguy hiểm.
Người có tiền sử về bệnh huyết khối trước đây
Nếu bạn đã từng có tiền sử bệnh huyết khối thì khả năng bệnh quay lại là rất cao. Theo thống kê thì có khoảng 1/3 người từng bị bệnh huyết khối sẽ mắc bệnh trở lại trong vòng 10 năm tới. Do đó, nếu bạn từng bị các triệu chứng về huyết khối, thậm chí đơn giản như huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân thì cần lưu ý hơn về sức khỏe để ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng hơn về sau.
Nguồn: Prevention