5 tin đồn thất thiệt khiến người tiêu dùng hoang mang năm 2012
Bọ xít hút máu người, sữa có đỉa, ăn chuối gây ung thư… là những tin đồn gây xôn xao dư luận trong năm 2012.
1. Giật mình tin đồn đỉa trong sữa
Thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt tin đồn về đỉa xuất hiện trong các sản phẩm thực phẩm như sữa, bim bim, đỉa trong bánh kẹo, dưa vàng nhập lậu từ Trung Quốc… Những tin đồn này đã làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp.
Nghiêm trọng hơn là việc những tin đồn có đỉa trong những sản phẩm thực phẩm của các nhãn hàng nổi tiếng. Đầu tiên là tin đồn xuất hiện khi một gia đình ở Đông Anh (Hà Nội) phát hiện trong hộp sữa mở nắp đã lâu của gia đình có những sinh vật lúc nhúc màu trắng mà họ nghi là đỉa. Tiếp đó là hàng loạt các hãng sữa khác cũng bị đồn loạn lên là có… đỉa. Mới đây nhất là thông tin người dân một xã ở Thừa Thiên – Huế khi ngâm miếng bim bim vào chậu nước, hôm sau phát hiện những sinh vật lạ giống đỉa. Từ đó hoang tin đỉa xuất hiện trong bim bim lại lan truyền khắp nơi.
Trước những tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận, mới đây, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản bác tin đồn có đỉa và vật lạ trong sữa và bim bim. Cơ quan này cho biết qua kiểm tra các mẫu vật phẩm thì không hề phát hiện ấu trùng hay đỉa trong sữa và bim bim. Ông Trịnh Xuân Đà, Viện trưởng viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia cũng khẳng định trên báo chí: “Hiện nay chúng tôi đã nhận được một số mẫu của các Đoàn thanh tra cũng như của các công ty sữa gửi về xét nghiệm. Đến nay chúng tôi cũng đã có kết quả theo đúng công bố về tiêu chuẩn sản phẩm, không có yếu tố về vi sinh vật, kim loại nặng, bào tử nấm”.
2. Bọ xít hút máu người không nguy hiểm như tin đồn
Từ đầu năm đến nay, bọ xít hút máu người xuất hiện khá nhiều trên các địa bàn như: Hà Nội, TP.HCM, Quy Nhơn, Đà Nẵng... Người dân liên tục phát hiện cả ổ bọ xít ẩn nấp dưới nền nhà, tủ quần áo.
PGS.TS Nguyễn Văn Châu (Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ) đã khẳng định, loài bọ xít hút máu người xuất hiện trong thời gian vừa qua tại Hà Nội và các địa phương khác không phải là loài bọ xít truyền bệnh, gây tử vong như tin đồn.
PGS.TS Nguyễn Văn Châucho hay, xét nghiệm máu trong dạ dày của 317 bọ xít, gồm 230 con bắt trong tổ và 87 con bắt trong nhà, cũng cho kết quả âm tính.
“Bọ xít hút máu người không có khả năng truyền bệnh và dẫn tới tử vong như dư luận hoang mang. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình, người dân cũng nên dọn dẹp vệ sinh giường, tủ, vệ sinh nơi ở, khu vực quanh nhà để loại trừ trứng nở thành ổ bọ xít hút máu người phát tán. Nếu vô tình bị bọ xít hút máu người đốt, người dân nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, không gãi tại chỗ vết đốt để tránh gây xước, viêm nhiễm và đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị chống dị ứng, chống viêm nhiễm tại chỗ”, ông Châu nhận định.
3.Nông dân khốn đốn với tin đồn nhảm: Ăn chuối bị ung thư
Những ngày qua, hàng ngàn người dân trồng chuối tại xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh) và Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lâm vào cảnh khốn đốn khi đặc sản chuối ở đây bị người dân tẩy chay, thương lái các tỉnh, thành trong cả nước từ chối nhập hàng vì nghi ngờ có chất gây ung thư. Điều đáng nói là tin đồn trên lan nhanh với tốc độ chóng mặt…thậm chí sang rất nhiều các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Bên cạnh những tấm giấy cảnh báo không ăn chuối, người dân tại xã Bình Châu cho biết, một số đầu mối kinh doanh các loại trái cây khác tại Quảng Ngãi thường xuyên đem câu chuyện trên ra bàn luận với nhiều chi tiết "kinh dị" như: Ăn chuối không chỉ gây ung thư mà còn gây vô sinh, hiếm muộn... khiến người tiêu dùng ngày càng hoang mang hơn.
Trước hàng loạt tin đồn thất thiệt, không chỉ người dân "vựa chuối" xã Tịnh Hà và xã Bình Châu chịu thiệt hại nặng nề, mà hàng ngàn hộ trồng chuối vùng lân cận ở huyện Bình Sơn, huyện Tư Nghĩa và thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) cũng bị vạ lây. Trước tình cảnh chuối trồng ra không bán được, các thương lái tại các tỉnh, đặc biệt tại TP.HCM từ chối không nhập hàng, khiến người dân lâm vào đường cùng, phải đốn hạ chuối cho gia súc ăn.
Hiện nay, những nông dân trồng chuối ở Quảng Ngãi đang gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng đề nghị truy tìm và xử lý nghiêm thủ phạm tung tin đồn thất thiệt làm thiệt hại lớn cho người trồng chuối và các tiểu thương chuyên buôn bán chuối trong tỉnh. Người nông dân trồng chuối tại đây kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh có văn bản thông tin rõ nhằm để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết rõ chuối được trồng ở địa phương không dùng hóa chất độc hại, gây ung thư...
4. Thủy sâm có tốt như tin đồn?
Hiện nay ở nhiều nơi rộ nên tình trạng nuôi thủy sâm lấy nước uống vì nghe đồn thức uống này có thể chữa bách bệnh. Các bà nội trợ rỉ tai nhau rằng loại nước uống được chiết xuất từ thuỷ sâm có thể trị hoặc giảm bớt được rất nhiều bệnh như: cao huyết áp, chống lão hoá, giảm nếp nhăn trên trán, trên mặt, làm sáng mắt, làm cơ bắp rắn chắc hơn, chữa mỏi nhức gân cốt, chữa xuyên, lác, ung nhọt, lở loét hay trị bệnh trĩ, làm tóc bạc đen trở lại hoặc bóng thêm tóc…
Các quý ông thì truyền tai rằng dùng thuỷ sâm khiến sung sức về sinh lý, cơ thể cường tráng. Thậm chí họ còn đồn thổi loại nước uống này chữa được cả những bệnh nan y như: đái tháo đường, ung thư… Vì thế rất nhiều người đã tìm mua và nuôi thuỷ sâm.
Tuy nhiên, thực hư tác dụng của thủy sâm thì cần phải xem xét kỹ lưỡng. Theo ý kiến nhận định của các nhà khoa học tại Việt Nam, chưa có căn cứ chắc chắn để khẳng định công dụng của thuỷ sâm đối với sức khỏe.
Hiện trên mạng cũng có khá nhiều tài liệu về thuỷ sâm, song hầu hết đều là tài liệu dịch từ nước ngoài với những trích dẫn mơ hồ, khó hiểu. Còn ở Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu, đánh giá nào về thành phần cũng như tác dụng của thủy sâm trong việc chữa bệnh, nâng cao sức khoẻ con người. Vì thế, người dân cần cảnh giác trước những chiêu lừa đảo, thổi phồng tác dụng của thuỷ sâm, cũng như những loại thuốc khác có thành phần tương tự nhằm trục lợi cá nhân.
5. Tin đồn hạ nốc ao người nuôi cá điêu hồng miền Tây
Từ đầu năm đến nay, người nuôi cá điêu hồng lồng bè tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long liên tục gặp khó khăn do tin đồn cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm.
Hồi tháng 4 vừa qua, sau khi các cơ quan chức năng bác bỏ thông tin cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm, cá điêu hồng đã được minh oan và tăng giá trở lại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cá điêu hồng lại lao dốc do vướng phải tin đồn thất thiệt làm tăng nguy cơ tan rã làng bè. Đây là cú hạ nốc ao người nuôi cá điêu hồng, với hệ luỵ nặng nề hơn cả những gì đã từng xảy ra với cá kèo và cá rô đầu vuông trước đây.
Nhiều người nuôi cá điêu hồng đang dở khóc dở cười, vì họ tưởng đã qua được “cơn bĩ cực” sau vụ tin đồn thất thiệt cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm trifluralin nên đã thúc cá ăn trở lại để bán cho được giá. Thế nhưng, có ai ngờ khi giá cá ở mức 30.000 – 31.000 đồng/kg của mấy tuần trước chưa kịp giúp người nuôi gỡ vốn, thì họ lại bị tin đồn ăn cá điêu hồng bị bệnh, làm cho họ không bán được cá nuôi tới lứa bán.
Ông Dương Thọ Trường, phó chi cục trưởng chi cục Thuỷ sản Đồng Tháp cho rằng, thông tin ăn cá điêu hồng bị bệnh có thể chỉ là chiêu ép giá của một số thương lái làm ăn không chân chính, là một tin đồn không căn cứ.
Chi cục Thuỷ sản tỉnh Đồng Tháp hồi tháng 4 cũng khẳng định không tìm thấy chất cấm trifluralin trên những mẫu cá điêu hồng kiểm tra ở địa bàn. Trifluralin là chất dùng để diệt trừ sâu rầy, côn trùng. Ngay khi bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấm sử dụng chất này trong chăn nuôi, trồng trọt, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp cũng đã cấm người dân sử dụng và buôn bán các hoạt chất tương tự chất trifluralin. Chi cục đã kiểm tra các hộ nuôi cá điêu hồng thường xuyên và không phát hiện có gì bất thường.