5 sự cố khi sinh con
Sau 9 tháng 10 ngày mang thai, việc "vượt cạn" ở phần lớn phụ nữ thường diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên cũng có trường hợp cá biệt, gặp sự cố.
1. Khi sinh phải dùng tới thuốc giảm đau
Mặc dù đã tư vấn, đọc rất nhiều sách báo, tài liệu, nhưng không ai có thể dám chắc những gì có thể xảy ra khi sinh.
Có người sinh con bình thường, dễ dàng không cần trợ giúp của thuốc giảm đau nhưng có người đau tới vài ngày rồi mới trở dạ, thậm chí đau quá phải dùng đến thuốc giảm đau và phải gây tê.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia ở Trung tâm hỗ trợ sinh đẻ (PSI) của Mỹ, hiện tượng đau ở phụ nữ khi sinh là bình thường, tuy nhiên cũng có trường hợp đau kéo dài làm cho sản phụ kiệt sức.
Trong trường hợp này có thể yêu cầu gây tê hoặc dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên khi nào dùng và bao nhiêu đó là do quyết định của chuyên môn. Những người mẹ tương lai cần "lắng nghe cơ thể mình" để kiểm soát cơn đau và đừng quá lo lắng.
2. Mổ đẻ
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Mỹ năm 2006 có tới 31% số ca sinh ở Mỹ phải qua thủ thuật mổ đẻ (C-section).
Có rất nhiều nguyên nhân buộc người ta phải áp dụng thủ thuật này: Thai chết lưu, vị trí và sức khỏe của bào thai không bình thường, nhau thai có vấn đề hoặc các vấn đề có liên quan đến âm đạo làm cho sản phụ không sinh đẻ được qua đường âm đạo.
Mục đích của việc mổ đẻ là giữ an toàn cho cả mẹ và con. Tuy nhiên, việc quyết định cuối cùng vẫn là do chuyên môn. Những người trong cuộc nếu không sinh đẻ được theo cách bình thường cần làm tốt công tác chuẩn bị, để nhận sự trợ giúp cần thiết từ những người xung quanh.
Thông thường, 6 tuần sau khi sinh, sức khỏe người mẹ sẽ hồi phục, ăn ngủ bình thường và nuôi con tốt. Việc cần làm là giữ vệ sinh tốt nơi mổ và khi có dấu hiệu viêm nhiễm cần báo ngay cho bác sĩ biết.
3. Sinh con thiếu tháng
Theo số liệu thống kê của ĐH Y khoa Yale (Mỹ) tỷ lệ sinh con thiếu tháng ở quốc gia này trong vòng 4 thập kỷ trở lại đây đang có chiều hướng gia tăng.
Có hai yếu tố gây nên hiện tượng này, một là tuổi sinh đẻ của sản phụ cao, sử dụng nhiều loại thuốc trong việc điều trị chứng vô sinh; hai là do người mẹ nghiện hút thuốc lá, thuốc kích thích, không quan tâm hoặc ăn uống quá kém trong giai đoạn mang thai, do người mẹ bị stress, căng thẳng trong giai đoạn mang thai.
Thực tế những sản phụ sinh con thiếu tháng không nhận biết được những rủi ro kể trên cho nên không có phương án phòng ngừa thích hợp.
Hầu hết những ca đẻ non rơi vào tuần thứ 34 đến tuần thứ 37. Nói chung khi đã được 28 tuần thì trẻ sinh ra đều có thể nuôi được, sau 34 tuần được xem là như những đứa trẻ đủ tuổi.
Sau khi sinh, trẻ cần được nuôi dưỡng trong bệnh viện, người mẹ không được xa con, tiếp xúc trực tiếp với đứa bé càng nhiều càng tốt, vài giờ lại cho trẻ bú một lần, cũng có thể dùng ống dẫn sữa để đưa vào miệng trẻ.
Cho trẻ mặc quần áo bình thường, sắm cả đồ chơi đặt trong lồng kính, thậm chí có thể chụp ảnh kỷ niệm. Tăng cường mối quan hệ với các nhân viên y tế để giúp họ chăm sóc trẻ tốt hơn.
4. Dùng thuốc giục đẻ
Trong thực tế có trường hợp đau đẻ quá lâu, quá dài làm cho người trong cuộc mệt mỏi, suy giảm sức khỏe, buộc người ta phải dùng đến thuốc giục đẻ, thậm chí có người phải đẻ trước tới 2-3 tuần trước ngày đẻ theo đúng lịch.
Theo số liệu thống kê, năm 2006 tại Mỹ có 26% ca sinh phải dùng tới thủ thuật này, nhằm bảo toàn sức khỏe cho người mẹ cũng như những rủi ro đối với đứa trẻ tương lai, nhất là các sản phụ mắc bệnh tiểu đường, tiền sản giật, đứt nhau thai hoặc những trường hợp mang thai 41-42 tuần cũng cần dùng thuốc giục đẻ và cả những người muốn con cái sinh ra vào đúng giờ đã định nên cũng dùng tới kỹ thuật này.
Thuốc chủ yếu dùng cho nhóm người này là pitocin. Nó có tác dụng co bóp tạo ra những cơn co bóp cách xa nhau 3-5 phút , giúp sản phụ dễ đẻ.
Trường hợp dùng thuốc giục đẻ vẫn nuôi con bình thường bằng sữa mẹ và chăm sóc con cái giống như những người sinh con bình thường.
5. Gặp sự cố khi nuôi con bằng sữa mẹ
Trong thực tế, việc nuôi con bằng sữa mẹ không đơn giản như mọi người nghĩ mà có những người sau khi sinh không có sữa hoặc không thể nuôi con bằng chính sữa của mình.
Ví dụ, trường hợp những người mắc phải hội chứng HELP Syndrome (giống như hội chứng tiền sản giật) và những người khi sinh phải mổ. Những người thuộc diện này nên tư vấn các chuyên gia nhi khoa để có cách sử dụng sữa mẹ hoặc dùng sữa ngoài một cách thích hợp.
Một khi không thể nuôi con được bằng sữa mẹ vẫn nên duy trì mối liên hệ mật thiết với con cái. Các chuyên gia gọi đây là quá trình tiếp xúc giữa "da với da", kết hợp với nuôi con bằng bú bình để giúp trẻ phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.
Theo Khắc Nam
Tiền Phong/Net/Parents