5 quy tắc dạy con của người Ấn Độ rất đáng học hỏi
Phương pháp nuôi dạy con của người Ấn Độ khiến nhiều cha mẹ thán phục và học hỏi.
Ấn Độ là một quốc gia rất kỳ diệu, đặc biệt các công ty về công nghệ thông tin hàng đầu như Google và Microsoft đều có CEO là người Ấn. Điểm chung của những người Ấn Độ này là họ rất thông minh, chăm chỉ, cầu tiến. Họ gặt hái được những thành tựu như vậy bởi được gia đình giáo dục cẩn thận. Cha mẹ Ấn Độ có 5 phương pháp dạy con dưới đây, được đánh giá là khoa học, thông minh.
Nếu đang loay hoay trong hành trình làm cha, làm mẹ, bạn có thể tham khảo!
1. Cha mẹ luôn làm tấm gương sáng để con noi theo
Trong mỗi gia đình ở Ấn Độ, nhiều thế hệ cùng chung sống với nhau với mục đích truyền lại những đức tính tốt cho con cháu đời sau.
Các cha mẹ Ấn Độ cho rằng, thói quen của họ chính là đặc điểm tính cách của những đứa trẻ trong tương lai. Đó là lý do tại sao họ không giảng lý thuyết suông mà luôn lấy bản thân làm tấm gương cho các con học hỏi. Các thế hệ lớn tuổi cũng tham dự vào việc nuôi dạy trẻ.
Từ khi sinh ra, những đứa trẻ Ấn Độ cũng được cha mẹ chú trọng dạy cách sống tử tế, biết yêu thương tất cả mọi người và với bất kỳ sinh vật nào. Để làm được điều đó, họ luôn cố gắng làm gương cho con từ những việc nhỏ nhất. Họ cũng luôn kiềm chế cảm xúc, tránh sự nóng nảy, bực tức có thể làm tổn thương người khác.
2. Dạy trẻ biết chống lại những điều bất công, vô lý
Trong cuộc sống không bao giờ tồn tại sự công bằng tuyệt đối. Đứng trước sự bất công, sự phi lý, không ít người chọn cách im lặng bỏ qua mọi chuyện. Tuy nhiên, người Ấn Độ không như vậy. Họ luôn dũng cảm đứng lên đấu tranh đòi lại công bằng và dạy con cái về điều đó.
Khi thấy những gì bất bình, không phù hợp, người Ấn Độ sẽ dạy con chủ động đấu tranh để giành lấy, để đạt mục tiêu của mình dù điều đó gây khó chịu cho người khác. Họ cũng dạy con cách diễn đạt ngôn ngữ mạnh mẽ, quyết đoán. Bởi muốn giành được thứ bản thân mong muốn, trước hết phải nói được và phải nói có ký để giành được sự ủng hộ của những người xung quanh, khiến đối thủ không thể phản kháng. Tất nhiên, bản thân phải giỏi ngôn ngữ, nếu là người giao tiếp không tốt khi tranh luận sẽ gây ra nhiều bất lợi.
3. Luôn tin tưởng vào chính bản thân
Người Ấn Độ luôn tin rằng "sau cơn mưa, trời lại sáng", dù có bất cứ khó khăn gì cũng có thể vượt qua, chỉ cần bản thân không bỏ cuộc. Bằng niềm tin mãnh liệt như vậy, họ truyền lại cho các con lối sống lạc quan, tích cực, luôn cố gắng hết mình. Họ dạy những đứa trẻ luôn phải tin tưởng vào chính bản thân mình.
Thật hạnh phúc khi con cái họ được thừa hưởng bản năng mạnh mẽ để chống lại những tình huống tồi tệ nhất trong cuộc sống.
4. Luôn phải đúng giờ, có tác phong tốt
Trong nguyên tắc nuôi dạy con, cha mẹ Ấn Độ luôn yêu cầu những đứa trẻ phải đúng giờ. Nếu trẻ về muộn sẽ bị khiển trách, thậm chí là áp dụng hình phạt. Hay nếu trẻ sai giờ sẽ bị nhắc nhở cùng yêu cầu trình bày lý do. Cha mẹ Ấn Độ rất tuân thủ giờ giấc, họ chú trọng rèn cho con cách biết quản lý và sắp xếp thời gian.
Ngoài ra, cha mẹ Ấn Độ cũng hướng dẫn con có tác phong tốt, cư xử đúng mực. Ngay từ nhỏ, những đứa trẻ đã được học cách chào hỏi người lớn tuổi, giúp đỡ người khó khăn và tôn trọng những người xung quanh. Đây đều là những điều cơ bản mà trẻ phải học và thực hiện.
5. Dạy trẻ biết thể hiện giá trị bản thân
Có một câu chuyện nhỏ khiến chúng ta lặng người suy nghĩ. Câu chuyện như sau: Một người đàn ông nọ đang tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần, bỗng tiếng chuông cửa reo vang. Hóa ra, có một cô bé Ấn Độ khoảng 8 tuổi đang cầm một cuốn sách trên tay vào nói: "Thưa ông, cháu sẽ làm phiền ông trong vài phút. Đây là cuốn sách do cháu xuất bản".
Dù có một chút khó chịu nhưng người đàn ông vẫn bất ngờ và tò mò trước hành động của cô bé. Ngay sau đó, cô bé đã kể lại lý do tại sao mình tạo ra cuốn sách và dự định sử dụng số tiền bán sách để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ra sao. Cô bé đứng nói một lèo trong 5 phút rồi chốt hạ: "Ngài có thể mua một quyển sách không ạ?". Và người đàn ông không thể chối từ bởi cô bé để lại ấn tượng quá đặc biệt.
Cuốn sách đó khá sáng tạo, đó là một bức tranh do chính cô bé vẽ kèm theo dòng chữ in có lẽ do bố mẹ đã giúp đỡ. Chất lượng của tác phẩm tuy không thể so sánh với sách trên thị trường nhưng cô bé đích thân sáng tạo nội dung, đi chào hàng, tự bán sản phẩm do chính mình làm ra. Cô bé đã tạo ra cuốn sách bằng tất cả tâm huyết.
Qua câu chuyện nhỏ, chúng ta đều nhận thấy rằng, người Ấn Độ có cách giáo dục con rất khác biệt. Họ dạy con sự dũng cảm, dám "bán" giá trị bản thân và chất xám của mình. Bởi nếu ngay từ nhỏ, đứa trẻ làm những điều nhỏ như tự đi thuyết phục người khác mua sách của mình, tự quảng bá bản thân thì chắc chắn trong tương lai sẽ nhận được nhiều cơ hội hơn so với những người khác.