5 nguyên nhân khiến nước tiểu của bạn "bốc mùi", đừng xấu hổ mà bỏ qua để rồi phải hối hận
Có nhiều nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ, trong đó có cả những nguyên nhân liên quan đến bệnh lý.
Không ai muốn nói với người khác về các vấn đề riêng tư của mình, bao gồm cả chuyện tiểu tiện. Nguyên do là bởi rất nhiều người sợ bị đánh giá tiêu cực về lối sống hoặc thói quen sinh hoạt. Đó chính là lý do tại sao khi nước tiểu có mùi lạ, nhiều người đã giấu nhẹm đi và tìm mọi cách tự giải quyết.
Nhưng bạn có biết rằng, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến nước tiểu của bạn có những mùi lạ, kể cả mùi không dễ chịu. Và trong số đó có cả những nguyên nhân liên quan đến bệnh lý. Nếu bạn âm thầm chịu đựng chỉ vì xấu hổ thì rất có thể bạn sẽ khiến cho tình trạng của mình trở nên tồi tệ hơn.
Thay vào đó, hãy tìm hiểu và nhận biết đúng đắn những nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ như dưới đây và bạn sẽ biết cách xử lý làm sao cho phù hợp nhất.
Bạn đang mất nước
Không uống đủ nước hay cơ thể bạn đang mất nước, thiếu nước không những làm cho nước tiểu chuyển sang màu vàng mà còn có thể kèm theo mùi hôi khó chịu.
Theo bác sĩ chuyên khoa tiết niệu Mehran Movassaghi thuộc khoa Tiết niệu Movassaghi ở Santa Monica, khi cơ thể phân hủy protein bạn ăn, một hợp chất không màu gọi là urê được hình thành và thải ra qua nước tiểu.
Nước có nhiệm vụ làm loãng urê. Do đó, nếu bạn không uống đủ nước, lượng urê đọng lại trong nước tiểu nhiều hơn làm cho nước tiểu màu vàng đậm và có mùi amoniac (mùi khai) nặng hơn. Sau khi bổ sung đủ nước cho cơ thể, nước tiểu sẽ nhạt màu đi và ít mùi hơn.
Bạn đã ăn món gì đó
Măng tây là thực phẩm nổi tiếng làm cho nước tiểu có mùi khác lạ, tuy nhiên không phải ai ăn măng tây cũng để ý điều này.
Theo một nghiên cứu gần đây ở BMJ, những người bị tiểu đường ăn nhiều măng tây vào bữa tối thì nước tiểu thường có mùi sulphoric (lưu huỳnh) - mùi hôi.
Bác sĩ Movassaghi giải thích về điều này: Trong măng tây có hợp chất lưu huỳnh nên khi ăn nhiều nó được đào thải qua nước tiểu. Nhưng thực phẩm không phải là thức ăn duy nhất gây ra sự thay đổi này ở nước tiểu. Tỏi cũng chứa lưu huỳnh và hàm lượng protein cao nên cũng có thể làm thay đổi mùi của nước tiểu. Các món ăn khác như cải xanh hay cà ri cũng có ảnh hưởng tương tự như vậy.
Bạn uống nhiều cà phê
Các hạt cà phê có chứa một hợp chất gọi là caffeol, được sản sinh ra trong quá trình rang cà phê, tạo nên mùi hương thơm ngon. Thế nhưng hợp chất này lại không hòa tan trong nước, có nghĩa là nó vẫn còn nguyên vẹn khi nó chạy qua hệ thống tiêu hóa của bạn. Vì vậy mà khi bạn đi tiểu sẽ thấy thoang thoảng mùi hương này.
Theo chuyên gia dinh dưỡng S. Adam Ramin, chuyên gia của tổ chức Urology Cancer Specialists ở Los Angeles, nếu bạn uống cà phê với lượng vừa đủ, đặc biệt là nếu bạn uống ít nước và khiến cơ thể mất nước thì lượng caffeol sẽ tập trung nhiều hơn. Và điều đó có thể làm cho nước tiểu của bạn có mùi cà phê nhẹ.
Mùi này sẽ tồi tệ hơn nếu bạn bị mất nước trầm trọng vì như vậy lượng urê cũng tăng, tạo ra sự kết hợp giữa các mùi.
Bạn bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)
Bác sĩ Movassaghi nói rằng khi nhiễm trùng xảy ra ở bất cứ đâu trong đường tiểu, vi khuẩn có thể làm thay đổi màu sắc và mùi nước tiểu của bạn.
Thông thường, bạn sẽ nhận thấy mùi ammonia rất mạnh trong nước tiểu. Trong trường hợp nhiễm trùng đường tiểu, nước tiểu thường có nhiều bọt hoặc có máu. Vì nhiễm trùng thường do vi khuẩn gây ra, nên bạn cần đi khám để được bác sĩ tư vấn điều trị.
Kháng sinh thường là lựa chọn cho quá trình điều trị nhiễm trùng nhưng dùng thuốc kháng sinh cũng có thể khiến nước tiểu có mùi đặc biệt. Các loại thuốc như thuốc kháng sinh cũng có thể gây mùi hôi ở nước tiểu bởi vì thuốc chất chứa penicillin.
Bạn bị bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục
"Có một số bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục có thể làm cho nước tiểu có màu nhạt, bao gồm bệnh trichomonas, chlamydia và bệnh lậu. Sự thay đổi này xảy ra vì các sinh vật chịu trách nhiệm về các bệnh này sẽ kích hoạt sản xuất nhiều ammonia hơn, và cơ thể cố gắng thông qua hệ thống tiết niệu", bác sĩ Movassaghi nói.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Chuyên gia dinh dưỡng Ramin cho biết, nước tiểu có mùi nhẹ thường không phải là điều quá nghiêm trọng nhưng nếu nó kéo dài thì bạn cần thăm khám tiết niệu để được chẩn đoán đúng nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Nếu nước tiểu có mùi lạ, lại đi kèm với các triệu chứng khác như nước tiểu đục hoặc đẫm máu, đau hoặc rát khi đi tiểu, sốt hoặc ớn lạnh... thì bạn nên đi khám ngay. Đây có thể báo hiệu các vấn đề đáng quan tâm như nhiễm trùng hoặc sỏi đường tiết niệu.
(Tổng hợp: Prev/WMH)