5 món giúp làm sạch mạch máu, tăng cường sức khỏe
Để chăm sóc hệ tuần hoàn, ngoài việc duy trì một chế độ vận động hợp lý, chúng ta cũng cần xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng.
Nếu như so sánh cơ thể con người giống như một cỗ máy thì mạch máu chính là những đường ống rất phức tạp. Mạch máu kết nối các bộ phận với nhau, vận chuyển chất dinh dưỡng và thải chất độc ra bên ngoài.
Đó cũng là lý do vì sao giới chuyên gia thường ví mạng sống và sức khỏe mạch máu là mối quan hệ cộng sinh. Nghĩa là mạch máu khỏe thì tính mạng mới được đảm bảo.
Nếu trong mạch máu dính nhiều "tạp chất", chúng dễ dàng tạo thành huyết khối, gây ra các biến chứng về tim mạch như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim...
Bác sĩ Li Xuesong (Giám đốc khoa Thần kinh của Bệnh viện trực thuộc thành phố Hứa Xương, Trung Quốc) cho biết: Các bệnh tim mạch và mạch máu không xuất hiện trong một sớm một chiều mà đã hình thành trong một thời gian dài. Bệnh càng được phát hiện sớm thì khả năng điều trị càng cao.
Theo bác sĩ, để chăm sóc hệ tuần hoàn, ngoài việc duy trì một chế độ vận động hợp lý, chúng ta cũng cần xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng. Dưới đây là những món ăn lành mạnh nên sử dụng để bảo vệ sức khỏe mạch máu của bạn.
5 món là "máy lọc rác" giúp mạch máu hanh thông và khỏe mạnh
1. Cà tím: Làm mềm mạch máu
Cà tím rất giàu vitamin P, là một hợp chất flavonoid, có thể tăng cường tính đàn hồi của mao mạch, làm mềm mạch máu. Đồng thời có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của xơ cứng động mạch, rất tốt cho sức khỏe.
Khi ăn cà tím, tốt nhất nên ăn cả phần vỏ bởi vỏ cà tím có chứa vitamin nhóm B và vitamin C. Mà trong quá trình trao đổi chất, vitamin C lại cần thiết để hỗ trợ vitamin B. Cà tím ít calo nên người cao tuổi và béo phì có thể ăn, tính hàn nên cũng thân thiện với những người bị rôm sảy, ung nhọt. Tuy nhiên, những người hen suyễn, bệnh dạ dày, lá lách không nên ăn.
2. Đậu đen: Thúc đẩy tuần hoàn máu
Đậu đen chứa protein, canxi, axit amin, chất xơ thô... có tác dụng phòng ngừa bệnh tim mạch và tiểu đường. Ngoài ra, axit linoleic, vitamin B và các nguyên tố khoáng chất khác trong đậu đen rất hữu ích trong việc giảm tổn thương oxy hóa tế bào, thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm độ nhớt của máu.
Các axit béo không bão hòa chứa trong đậu đen cũng có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa cholesterol, hạ lipid máu và ngăn ngừa các bệnh tim mạch.
Mặc dù đậu đen có giá trị dinh dưỡng cao nhưng không nên ăn quá nhiều một lúc, đặc biệt là những người dị ứng với đậu đen. Ăn quá nhiều đậu đen có thể gây ra các triệu chứng như khó tiêu, thiếu máu do thiếu sắt, từ đó làm tăng gánh nặng cho cơ thể.
3. Tỏi sống: Giảm mỡ máu
Thói quen ăn tỏi sống đều đặn mỗi sáng có thể giúp thúc đẩy nhu động của mạch máu, có tác dụng thanh lọc máu rất tốt, bài tiết độc tố trong máu, từ đó giúp mạch máu khỏe hơn.
Đồng thời, tỏi cũng sẽ giúp bạn làm chậm tiến trình lão hóa của động mạch chủ. Ngoài tác dụng giảm mỡ máu ra, tỏi còn ức chế tích tụ tiểu cầu, phòng ngừa hình thành huyết khối.
4. Cần tây: Kiểm soát huyết áp
Cần tây giàu kali có thể hỗ trợ kiểm soát huyết áp. Ngoài ra, coumarins rất dồi dào trong rau cần tây tươi giúp điều hòa lượng cortisol trong cơ thể, làm giảm huyết khối.
5. Rong biển: Làm sạch mạch máu
Rong biển giàu chất xơ lại ít calo, có tác dụng thanh lọc máu và hệ tiêu hóa. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy những con chuột được cho ăn một chế độ ăn giàu chất béo, nhiều cholesterol, khi chúng sử dụng kèm rong biển thì mức cholesterol xấu đã giảm đáng kể.
4 cách để giữ cho mạch máu "trẻ"
1. Đi ngủ sớm, dậy sớm
Làm việc và nghỉ ngơi không điều độ là "kẻ thù" của mạch máu. Nó sẽ dẫn đến mất cân bằng nồng độ hormone.
Thức khuya cũng sẽ khiến cơ thể tiết ra epinephrine và norepinephrine dư thừa, làm máu chảy chậm lại, tăng độ nhớt của máu, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch vành. Các chuyên gia khuyên nên đi ngủ trước 23h hàng ngày và đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.
2. Ăn ít đồ chiên rán
Các món ăn chiên rán nhiều dầu mỡ có thể làm trầm trọng thêm sự hình thành của cục máu đông. Hơn nữa, còn làm cho mạch máu cứng lại và đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch. Bạn nên hạn chế ăn đồ chiên, rán, dùng ít dầu ăn khi nấu, thay vào đó nên dùng đồ luộc, hấp.
3. Ăn ít muối và đường
Ăn quá nhiều muối dễ làm tăng huyết áp, giảm tính đàn hồi của mạch máu, tăng nguy cơ xơ cứng động mạch. WHO khuyến cáo lượng muối ăn vào hàng ngày không được vượt quá 5 gam/người.
Bên cạnh đó, thói quen ăn quá nhiều đường trong thời gian dài có thể gây tiết insulin quá mức, tăng gánh nặng cho tế bào đảo tụy, dẫn đến kháng insulin, làm tổn thương nội mạc mạch máu.
4. Từ bỏ thói quen uống rượu
Cồn trong rượu có thể kích thích co mạch, gây tích tụ "rác" và lipid trên thành mạch máu, gây xơ cứng động mạch. Nó cũng có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa mạch máu, thúc đẩy sự hình thành mảng bám và tăng khả năng hình thành huyết khối.