5 kiểu thao túng tâm lý phổ biến trong quan hệ tình cảm
Từ khía cạnh tâm lý học, điều tồi tệ nhất mà người ta có thể tác động đến nhau trong mối quan hệ tình cảm là 5 kiểu thao túng phổ biến dưới đây.

Đối với kẻ thao túng, cảm giác tội lỗi của đố phương sẽ trở thành vũ khí. (Ảnh: ITN)
Khiến nạn nhân hoài nghi chính mình
Hãy tưởng tượng ai đó thuyết phục bạn dần dần rằng trí nhớ của bạn bị lỗi, cảm xúc của bạn không có giá trị và nhận thức của bạn về thực tế là sai.
Tâm lý học gọi đây là hiệu ứng gaslighting, một hình thức thao túng tâm lý được thiết kế để khiến nạn nhân nghi ngờ về nhận thức, trí nhớ và thậm chí cả sự tỉnh táo của mình.
Thuật ngữ gaslighting xuất phát từ bộ phim Gaslight (năm 1944), trong đó một người chồng khiến vợ mình nghĩ rằng cô ấy bị điên.
Trong những trường hợp cực đoan, kẻ thao túng thậm chí có thể khiến nạn nhân tin vào toàn bộ sự việc là do kẻ thao túng bịa ra, dẫn đến sự bối rối cảm xúc sâu sắc và nghi ngờ bản thân.
Nạn nhân có thể nghĩ: “Mình thực sự đã nói vậy phải không? Mình có phản ứng thái quá không?”. Sự thật là bạn không phản ứng thái quá.
Lý do gaslighting là hình thức thao túng cảm xúc tồi tệ nhất là vì nó dần dần phá hủy niềm tin của một người vào bản thân, khiến họ phải phụ thuộc vào kẻ thao túng để có được “sự thật”.
Trao tặng “trái bom ngọt ngào”
Nếu gaslighting là một hình thức thao túng có hiệu lực từ từ thì “trái bom ngọt ngào” là một quả bom tâm lý tức thời. Trao tặng “trái bom ngọt ngào” là khi ai đó dành cho bạn sự quan tâm, tình cảm và khen ngợi quá mức ngay từ đầu trong một mối quan hệ nhằm cố gắng kiểm soát bạn.
Lúc đầu, tất cả chỉ là sự lãng mạn bất ngờ và cảm xúc nồng nàn, nhưng không phải vì tình yêu mà là ham muốn kiểm soát.
Một khi bạn trở nên nghiện thứ dopamine cảm xúc này, kẻ thao túng sẽ bắt đầu rút lại tình cảm, khiến bạn lại khao khát cảm giác đó, giống như một người nghiện điện thoại di động đang tìm kiếm tín hiệu Wi-Fi.
Chiến thuật tâm lý này thường thấy trong các mối quan hệ lạm dụng. Mô hình này tạo ra những thăng trầm cảm xúc mãnh liệt, khiến nạn nhân bị phụ thuộc về mặt cảm xúc và dễ bị thao túng. Một mối quan hệ tiến triển nhanh chóng là một dấu hiệu cảnh báo.
Thao túng bằng cảm giác tội lỗi
Đối với kẻ thao túng, cảm giác tội lỗi của đối phương sẽ trở thành vũ khí. Sự thao túng về mặt cảm xúc xảy ra khi ai đó sử dụng cảm giác tội lỗi để gây áp lực buộc bạn phải nhượng bộ, khiến bạn cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về hạnh phúc của họ hoặc nỗi đau của họ.
Những cụm từ như “Tôi đã làm rất nhiều điều cho bạn...” hoặc “Nếu bạn yêu tôi, bạn sẽ...” là những lời thao túng tình cảm điển hình. Mục đích là gài bẫy bạn vào mạng lưới trách nhiệm khiến bạn dễ bị kiểm soát hơn vì sợ cảm thấy tội lỗi.
Kẻ thao túng khéo léo đổ lỗi cho bạn, đảm bảo rằng bạn bị bao bọc trong cảm giác tội lỗi đến mức không thể nhìn ra sự thật.
Đưa nạn nhân vào mối quan hệ tam giác

Quan hệ tam giác là một phương pháp yêu thích của những người có tính cách tự ái và xung đột cao vì nó phá hủy các mối quan hệ và khiến mọi người bối rối. (Ảnh: ITN).
Điều này xảy ra khi ai đó đưa bên thứ ba vào xung đột hoặc mối quan hệ để duy trì sự kiểm soát của họ. Giống như kẻ thao túng đang đạo diễn vở kịch nhiều tập của riêng mình và những người khác là diễn viên vô tình tham gia.
Cho dù đó là gây chia rẽ giữa bạn bè hay lôi kéo người yêu cũ vào mối quan hệ hiện tại, bản chất của mối quan hệ tam giác là tạo ra kịch tính.
Sức mạnh quan hệ tam giác có thể gây ra sự cạnh tranh, ghen tị và nhầm lẫn. Đột nhiên, thay vì tức giận với kẻ thao túng, nạn nhân lại bị phân tâm bởi bên thứ ba đang cố gắng giành được sự chấp thuận hoặc cảm giác có giá trị. Lúc này, kẻ thao túng đang tận hưởng thành quả, quan sát sự hỗn loạn diễn ra.
Quan hệ tam giác là một phương pháp yêu thích của những người có tính cách tự ái và xung đột cao vì nó phá hủy các mối quan hệ và khiến mọi người bối rối. Đây là một hình thức gây hấn quan hệ được thiết kế để khiến nạn nhân cảm thấy khó chịu và bất an.
Bạo lực lạnh lùng
Đôi khi điều tồi tệ nhất mà con người có thể làm là... không làm gì cả. Bạo lực lạnh lùng có vẻ giống như một cách đối phó trẻ con, nhưng trên thực tế, nó là một vũ khí tâm lý có sức tàn phá khủng khiếp.
Theo thời gian, điều này có thể khiến nạn nhân cảm thấy bị từ chối, cô đơn và có lòng tự trọng thấp. Nghiên cứu cho thấy việc bị phớt lờ sẽ kích hoạt các vùng não liên quan đến nỗi đau thể xác. Nói cách khác, bạo lực lạnh lùng còn đau đớn hơn tổn thương bằng lời nói.