BS Hồ Mạnh Tường, Vương Thị Ngọc Lan

5 hỏi đáp quanh chuyện hiếm muộn

,
Chia sẻ

Có rất nhiều trường hợp với những lý do khác nhau quanh chuyện hiếm muộn. Bác sỹ Hồ Mạnh Tường và bác sỹ Vương Thị Ngọc Lan sẽ giải đáp một số thắc mắc về vấn đề này.

1. Tôi và vợ cả hai đều bị nhiễm viêm gan B. Chúng tôi muốn có con thì cần làm các xét nghiệm gì? ở đâu? Hiện tôi đang điều trị siêu vi B bằng thuốc Dolix và Larimex. Xin hỏi các loại thuốc này có ảnh hưởng gì đến kế hoạch có con của chúng tôi không?

Lê Văn Đồng - Biên Hòa, Đồng Nai

BS Hồ Mạnh Tường: Nếu cả hai vợ chồng đều đã bị nhiễm viêm gan siêu vi B, anh chị cần đi khám và tư vấn với bác sĩ nội khoa để biết về tình hình diễn tiến của viêm gan siêu vi B. Đa số các trường hợp sau khi nhiễm viêm gan siêu vi một thời gian, người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn và có thể có thai bình thường. Do đó, anh chị chỉ nên quyết định có thai khi đã xác định là bệnh đã hồi phục. Ngoài ra, khi mang thai, chị nên đến khám và tư vấn ở các bác sĩ sản khoa để được hướng dẫn cách theo dõi và dự phòng, tránh lây bệnh viêm gan siêu vi cho thai nhi.

2. Em năm nay 20 tuổi, em có kinh không đều, đi siêu âm thì bác sĩ ở bệnh viện phụ sản Từ Dũ nói hai buồng trứng dạng đa nang và cho uống thuống DIANE 35. Khi sử dụng thuốc thì em có kinh lại được, còn không sử dụng thì không có. Vậy em có khả năng bị vô sinh không. Nếu không em có nên sử dụng tiếp thuốc đó nữa không thưa bác sĩ?

Nguyễn Thị Nguyên - Trảng Bàng, Tây Ninh
 

BS Hồ Mạnh Tường: Những trường hợp bị hội chứng buồng trứng đa nang thường khó có thai do buồng trứng không phóng noãn đều đặn. Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị hội chứng này vẫn có thể có thai bình thường. Do đó, chị nên đi khám bác sĩ chuyên khoa về hiếm muộn nếu sau khi lập gia đình mà vẫn không có thai.

Thuốc DIANE 35 thường được sử dụng ở phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang để điều hòa kinh nguyệt và hạn chế một số triệu chứng của hội chứng này như mụn trứng cá, rậm lông. Đây là một thuốc nội tiết có tác dụng ức chế rụng trứng nên không thể được dùng để điều trị hiếm muộn. Cần biết rằng trong thời gian sử dụng DIANE 35 người phụ nữ sẽ không thể có con mặc dù vẫn có chu kỳ kinh.
 

3. Tôi được chẩn đoán bị dính buồng tử cung, tôi nên điều trị thế nào và có thể có con được không - tôi đã sinh 1 cháu?

Hồ Thị Hoa - Nghĩa Đàn, Nghệ An

BS Vương Thị Ngọc Lan: Dính buồng tử cung là nguyên nhân gây vô sinh rất khó điều trị. Thông thường người bệnh sẽ được nội soi để tách dính buồng tử cung, có thể kết hợp với đặt vòng trong buồng tử cung với thời gian vài tháng để tránh dính lại sau mổ. Nếu  tình trạng buồng tử cung tốt sau mổ, chị có thể có con trở lại. Tuy nhiên, thành công của việc mổ tách dính buồng tử cung là không cao.

4. Xin bác sĩ cho biết những tiến bộ mới nhất trong điều trị hiếm muộn? Ở độ tuổi tôi (nữ 45 tuổi) có nên hy vọng và tiếp tục thử nghiệm tiến bộ mới của khoa học để có con không?

Kim Thu -  Hà Đông, Hà Nội

BS Vương Thị Ngọc Lan: Thông thường khả năng có thai giảm rất nhiều khi người phụ nữ trên 35 tuổi. Khả năng có thai tự nhiên ở người phụ nữ 45 tuổi gần như không còn. Khoa học có thể giúp cho những phụ nữ lớn tuổi có con được. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất ở tuổi này là thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người cho. Thông thường người cần trứng sẽ tìm và đưa người cho trứng đến bệnh viện để được thực hiện kỹ thuật. Tiêu chuẩn người cho trứng là dưới 35 tuổi, đã có chồng con, hoàn toàn không mắc bệnh sau khi kiểm tra sức khỏe. Với cách làm như vậy, khả năng có thai của những người từ 40- 45 tuổi có thể đạt đến 50%.

5. Tôi muốn làm thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), xin bác sĩ cho biết thủ tục, chi phí, thời gian thích hợp để tôi thu xếp được?

Hiền Mai - TP Lạng Sơn

BS Hồ Mạnh Tường: Một cặp vợ chồng hiếm muộn muốn điều trị TTTON cần thực hiện các bước sau:

1. Khám tại cơ sở chuyên khoa để xác định nguyên nhân và xem có thể phù hợp để thực hiện TTTON hay không.

2. Nếu có chỉ định thực hiện TTTON, nhân viên y tế sẽ cho bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm và thủ tục để hoàn tất hồ sơ.

3. Bệnh nhân sẽ được hẹn lịch điều trị.

4. Khi đến thời điểm điều trị, người vợ sẽ được tiêm thuốc để chuẩn bị buồng trứng và kích thích buồng trứng. Bước này sẽ kéo dài khoảng 4 tuần.

5. Chọc hút trứng và TTTON khi trứng đã trưởng thành.

6. Chuyển phôi vào buồng tử cung: khoảng 2 đến 3 ngày sau khi chọc hút trứng.

7. Thử thai 2 tuần sau khi chuyển phôi để biết kết quả.

Trong suốt thời gian trên, bệnh nhân chỉ cần điều trị ngoại trú, không cần nhập viện. Tổng cộng chi phí cho một lần TTTON hiện nay vào khoảng 30-35 triệu đồng, trong đó viện phí đóng cho bệnh viện khoảng 8 -10 triệu đồng. Các chi phí khác là cho thuốc và các xét nghiệm.
 
Theo GĐ&XH
Chia sẻ