5 dấu hiệu cần lưu ý khi mắc COVID-19 do biến thể XBB.1.16
Biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đang lan rộng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hình minh họa: Pixabay
Nhận diện biến thể XBB.1.16
XBB.1.16 là một nhánh phụ của Omicron. Dù chưa gây triệu chứng nặng như Delta, tốc độ lây lan nhanh gấp 7 lần cúm mùa khiến biến thể này cần được theo dõi sát.
Ngoài ra, giới chuyên gia lưu ý rằng dù tỷ lệ tử vong của XBB.1.16 tương đối thấp, biến thể này vẫn có khả năng gây quá tải hệ thống y tế nếu số ca nhiễm tăng quá nhanh trong thời gian ngắn.

TS.BS Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh. Ảnh: Bộ Y tế
Như TS.BS Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ, biến thể này không làm tăng tỷ lệ nhập viện hay tử vong, nhưng vẫn có thể gây áp lực đối với hệ thống y tế nếu số ca mắc tăng đột ngột.
Người dân không nên hoang mang, nhưng cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, sát khuẩn tay, hạn chế đến nơi đông người nếu không cần thiết. Nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai cần được theo dõi sát sức khỏe và xem xét tiêm nhắc vaccine nếu có chỉ định.
Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới theo dõi sát sao tình hình dịch và sẽ có khuyến cáo phù hợp trong thời gian tới.

COVID-19 đang lây lan tại nhiều quốc gia trên thế giới
5 dấu hiệu cần lưu ý khi mắc COVID-19 do biến thể XBB.1.16
Nhiều người hiện nay dễ nhầm lẫn các triệu chứng COVID-19 với cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, biến thể phụ XBB.1.16 có những dấu hiệu đặc trưng mà người dân cần lưu ý để phát hiện sớm và phòng ngừa hiệu quả.
Theo TS.BS Võ Hải Sơn, biến thể này gây ra một số triệu chứng đặc trưng, có thể xuất hiện sớm và dễ bị bỏ qua nếu không để ý.
Thứ nhất là ho khan kéo dài. Đây là triệu chứng phổ biến nhất, xảy ra ở hơn 70% trường hợp mắc. Người bệnh có thể cảm thấy ngứa họng, ho liên tục và khó kiểm soát. TS.BS Võ Hải Sơn cảnh báo, nếu ho đi kèm cảm giác khô rát và không rõ nguyên nhân, người dân nên tự cách ly và theo dõi sức khỏe.
Thứ hai là sốt và ớn lạnh. Dù không phải ai cũng bị sốt, nhưng nhiều bệnh nhân XBB.1.16 xuất hiện tình trạng sốt nhẹ từ 37,5–38,5 độ C, kèm theo ớn lạnh và đau nhức người. Đây là phản ứng miễn dịch thông thường của cơ thể nhưng cũng là tín hiệu sớm cần chú ý.
Thứ ba là đau họng đột ngột. Khác với cảm lạnh thông thường, viêm họng do COVID-19 thường xuất hiện sớm, kèm cảm giác rát khi nuốt. Người bệnh có thể chủ quan vì cho rằng chỉ là viêm họng thông thường.
Thứ tư là mệt mỏi toàn thân. Triệu chứng này xuất hiện ở nhiều người mắc COVID-19 do XBB.1.16, khiến người bệnh cảm thấy kiệt sức dù chỉ vận động nhẹ.
Thứ năm là mất vị giác hoặc khứu giác. Dù không phổ biến như các biến thể trước, tình trạng này vẫn được ghi nhận và thường xuất hiện sau vài ngày nhiễm bệnh.

Ảnh minh họa: Fabian Montaño
Theo TS.BS Võ Hải Sơn khuyến cáo người dân nên lưu ý những dấu hiệu trên, đặc biệt là khi có nhiều hơn 2 biểu hiện cùng lúc. Việc chủ động theo dõi và thăm khám sớm sẽ giúp hạn chế lây lan trong cộng đồng và bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao.
LP.8.1, JN.1, XBB.1.16 hay XEC có khả năng lây lan cao nhưng không làm tăng tỷ lệ tử vong hoặc nhập viện. Đây là điểm khác biệt rõ rệt so với các dòng nguy hiểm trước đó như Delta.
Ở Thái Lan, phần lớn các ca tử vong thuộc nhóm gồm người cao tuổi, người có bệnh nền và phụ nữ mang thai, trong đó riêng người già chiếm tới 80% tổng số ca tử vong. Trẻ em cũng là nhóm dễ bị tổn thương trước biến thể này.
Mặc dù không gây triệu chứng nghiêm trọng như các chủng trước đó, tốc độ lây nhiễm nhanh khiến XBB.1.16 trở thành mối lo ngại với các nhóm dân số nguy cơ cao.
5 nhóm biện pháp phòng bệnh
Để chủ động phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc 5 nhóm biện pháp sau:
- Đeo khẩu trang đúng cách tại nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và trong cơ sở y tế. Đây là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt công cộng hoặc trước khi ăn uống.
- Hạn chế tụ tập nơi đông người nếu không thực sự cần thiết. Việc này giúp giảm thiểu khả năng tiếp xúc với nguồn bệnh chưa được phát hiện.
- Tăng cường vận động thể chất, ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc để nâng cao thể trạng và khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể.
- Theo dõi sức khỏe cá nhân, đặc biệt khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc mất vị giác, khứu giác. Người dân nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời.
Bên cạnh đó, cần lưu ý những người từ vùng có dịch hoặc quốc gia đang ghi nhận số ca COVID-19 cao nên chủ động tự theo dõi sức khỏe trong ít nhất 7 ngày. Với những người chưa tiêm đủ liều vaccine cơ bản hoặc chưa tiêm nhắc, cần tham khảo chỉ định của bác sĩ để được tư vấn về lịch tiêm phù hợp.

Đeo khẩu trang là biện pháp phòng dịch cơ bản. Ảnh: Scopio
Bộ Y tế cũng đang tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới để giám sát tình hình dịch và điều chỉnh biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, đảm bảo an toàn cho cộng đồng và không để dịch bùng phát trở lại một cách bất ngờ.
Trong giai đoạn hiện nay, tinh thần "không chủ quan, không hoang mang" vẫn là nguyên tắc quan trọng để toàn xã hội cùng kiểm soát tốt dịch bệnh.