“5 CẤM, 5 CẦN” - Quy tắc dạy con thành tài của Kỷ Hiểu Lam, cha mẹ thời nay nên áp dụng
Áp dụng 10 quy tắc dạy con này, đứa trẻ khi lớn lên “không thành công thì cũng thành nhân”.
Kỳ Hiểu Lam là một vị quan nổi tiếng thời nhà Thanh, vì chuyện triều chính bận rộn mà ông thường xuyên xa nhà, không có nhiều thời gian trực tiếp chỉ dạy cho con. Mặc dù vậy, ông vẫn luôn chú trọng và viết gia thư rõ ràng chỉ phu nhân cách dạy con như thế nào. Trong bức thư, ông đưa ra 10 quy tắc dạy con, trong đó có 5 điều tuyệt đối cấm kỵ và 5 điều cần làm, phụ huynh thời hiện đại nên học hỏi để giáo dục nên những đứa trẻ "thành công và thành nhân".
5 ĐIỀU CẦN
1. Chăm chỉ học hành
Kỷ Hiểu Lam luôn khuyến khích con tự tìm tòi những điều mới lạ, bổ ích từ sách vở. Đối với ông, sách là nguồn tri thức quý báu, mang tới lời giải đáp cho những vấn đề còn đang hồ nghi.
Đọc sách, mở rộng tri thức chính là cách tốt nhất và nhanh nhất giúp con trui rèn được những đức tính như điềm đạm, tự giác, có chủ kiến, tìm tòi, tự chủ.
2. Biết ơn, hiếu nghĩa
Cha mẹ là những người đã có ơn dưỡng dục, sinh thành nên chúng ta, cho nên, là con cái nhất định phải học được cách biết ơn cha mẹ, đồng cảm thấu hiểu với những khó khăn của cha mẹ. Bắt đầu từ những điều nhỏ trong cuộc sống và biết chân thành cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ mình.
Kỷ Hiểu Lam - vị quan nổi tiếng thời nhà Thanh (Ảnh: Sohu)
2. Tôn sư trọng đạo
"Nhất tự vi sư, chung thân vi phụ" – một ngày làm thầy, cả đời làm cha. Tôn sư trọng đạo là một trong những mối quan hệ được coi trọng bậc nhất thời xưa. Cho tới ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, tuy nhiên phạm vi đã được rộng mở hơn. Bởi lẽ, trong cuộc đời của mỗi người chúng ta đã học được rất nhiều điều từ nhiều người, có thể học được từ cha mẹ, anh chị em, bạn bè hàng xóm, đồng nghiệp,… Những người này đều có ít nhiều gì cũng đã từng dạy cho chúng ta một kiến thức gì đó.
Vậy thì chúng ta phải luôn luôn thể hiện sự biết ơn họ, người nào mà có được cái tâm đó thì thật là đáng trân quý biết bao.
3. Yêu thương con người
Kỷ Hiểu Lam luôn quan niệm trước khi tiếp cận tri thức thì phải học lấy đạo đức, học cách làm người.
Ông căn dặn phu nhân phải truyền cho con tấm lòng tương thân tương ái, biết cảm thông, chia sẻ với người khác rồi mới tính đến chuyện rèn luyện chữ nghĩa. Lòng Nhân là cái gốc của đạo làm người.
4. Cẩn trọng khi ăn uống
Bách bệnh của con người phần lớn đều bắt nguồn từ việc ăn uống, sinh hoạt không điều độ.
Một người có thói quen thức khuya dậy muộn, ăn uống không chừng mực là biểu hiện của việc vô trách nhiệm với chính bản thân.
Hãy dạy cho trẻ biết yêu quý và trân trọng bản thân mình, chỉ khi chăm sóc tốt cho chính mình thì mới có khả năng chăm lo được cho người khác.
Những căn bệnh như ung thư, tiểu đường, béo phì… trong xã hội hiện đại ngày này phần lớn chẳng phải do ăn uống không lành mạnh gây nên hay sao.
Rèn luyện thói quen ăn uống có chọn lựa, ăn vừa phải, không quá no… cũng chính là cách giúp con biết cách tự bảo vệ sức khỏe của mình.
Trẻ con như trang giấy trắng, nhân cách và sự thành đạt của trẻ sau này ảnh hưởng rất nhiều từ chính những bậc làm cha mẹ như chúng ta.
Hãy kiên nhẫn dành thời gian tìm hiểu tâm lí của trẻ, quan tâm và uốn nắn sớm nhất có thể thay vì bao bọc chúng một cách mù quáng, bởi những thói quen một khi được hình thành sẽ ăn sâu vào tiềm thức, về sau khó mà sửa đổi.
5 ĐIỀU CẤM
1. Cấm dậy muộn
Kỷ Hiểu Lam cho rằng dậy sớm giúp cơ thể khỏe mạnh và tinh thần phấn chấn, tâm hồn rộng mở, quan trọng nhất là nó giúp trẻ em loại bỏ tính lười biếng, chây ì, do đó ông luôn yêu cầu các con của mình PHẢI dậy sớm.
Ông coi trọng tinh thần kỷ luật, lấy cần cù chăm chỉ để trị lười nhác. Chỉ cần chăm chỉ, giữ vững tinh thần kỉ luật thì quá nửa việc trong thiên hạ đều có thể làm được.
2. Cấm lười nhác
Lười nhác là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự thất bại. Những kẻ phàm phu trong thiên hạ xưa nay đều vì một chữ lười mà bại vong, có sáng dạ đến mấy mà mắc bệnh lười biếng thì cũng không bao giờ thành tài được.
3. Cấm dối trá
Nói dối là một phẩm chất rất tồi tệ đối với một đứa trẻ, vì vậy Kỷ Hiểu Lam tuyệt đối không cho phép con cái dối trá và nếu chẳng may vi phạm nguyên tắc này, ông yêu cầu các con phải quyết tâm sửa, thậm chí phải trừng phạt để ngăn chặn việc tái phạm.
Trong giáo dục, thái độ bình tĩnh và tình thương yêu ông dành cho con cái kể cả khi chúng phạm sai lầm cũng không hề thay đổi.
4. Cấm kiêu ngạo
Ông luôn nhấn mạnh với con rằng, kiêu ngạo sẽ làm con người mất đi nghị lực, chí tiến thủ, sống trong hư vinh ảo giác và cuối cùng chuốc lấy những tổn thất cho bản thân.
Chẳng ai thích đồng hành với một kẻ ngạo mạn và coi thường người khác, bởi vậy tự cho mình hơn người là thói hư và Kỷ Hiểu Lam nghiêm cấm con trở thành kẻ kiêu ngạo.
5. Cấm lãng phí
Lãng phí là cội nguồn của nghèo đói và trì trệ. Do đó, Kỷ Hiểu Lam luôn nhắc con nhớ rằng từng hạt cơm, manh áo có được đều không hề dễ dàng, tất cả đều phải bỏ mồ hôi và sức lao động chân chính mới có được.
Từng vật dụng, đồ đạc trong nhà đều được ông tận dụng và sử dụng hết công năng. Đức tính giản dị này của ông được truyền cho đời con cháu về sau.