5 cách để bạn “bảo vệ” đồ điện tử không bị hư hỏng trong mùa nồm ẩm ướt

NAnh,
Chia sẻ

Thời tiết nồm ẩm lúc giao mùa không chỉ gây khó chịu mà còn là “thủ phạm” khiến đồ điện tử nhà bạn bị hỏng hóc, chập cháy…

Hỏng thiết bị vì nồm ẩm

Anh Đỗ Văn Thành (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cuối tuần trước vợ anh ngủ dậy suýt chết vì điện giật. Nồm ẩm, nước từ kẽ nứt tường chảy cả vào bảng điện tổng trong nhà, chị ngủ dậy thò tay bật điện tự dưng bảng điện nổ lụp bụp liên hồi bốc khói mù mịt. Gọi thợ điện kiểm tra thì đường điện trong nhà cháy gần hết vì chập do nước chảy vào.

Thời tiết nồm ẩm cả tuần qua, chiếc tivi nhà chị Phương Thảo (Tây Hồ) bị ẩm, thi thoảng "trở chứng" có hình mà không có tiếng. Nghi là do kê sát tường bị ẩm nên chồng chị liền tự ý tháo vỏ tivi rồi dùng máy sấy để "hong các mạch điện tử. Tuy nhiên, sau khi tự ý sửa chữa, chiếc tivi của nhà chị đã hỏng hẳn.

5 cách để bạn “bảo vệ” đồ điện tử không bị hư hỏng trong mùa nồm ẩm ướt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Dưới tác động của không khí ẩm, độ ẩm cao các thiết bị điện tử rất dễ bị ẩm, nhất là các chi tiết kim loại bị ôxi hóa và ăn mòn làm các tụ điện trở và linh kiện trong mạch điện bị hỏng hóc có thể gây ra tình trạng chập điện, cháy nổ.

Dù vậy, việc vệ sinh, bảo quản thiết bị điện trong ngày nồm ẩm, không ít người vẫn mắc sai lầm. Có nhiều người khi thấy thiết bị ẩm ướt liền dùng máy sấy để hong khô. Tuy nhiên, để làm điều này đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức vì việc tự ý tháo lắp hay sấy không đúng kỹ thuật có thể dẫn đến chập, cháy các mạch điện tử bên trong.

Máy sấy tóc và các biện pháp làm khô khác cũng chỉ làm khô được bên ngoài. Với những đồ điện tử phức tạp như ti vi, máy tính… khi có sự cố trục trặc tốt nhất nên nhờ đến sự hỗ trợ của những người có chuyên môn thay vì tự ý sửa chữa.

1. Đặt nơi khô ráo

Trong mùa nồm ẩm, rất khó để có thể tìm được một nơi thực sự khô ráo trong nhà. Tuy nhiên, nếu muốn các thiết bị điện không bị hỏng hóc, cháy nổ thì bạn buộc phải để các thiết bị này ở một nơi an toàn nhất.

Nên đặt các đồ dùng điện tử cách tường 10 – 15 cm và cách nền nhà khoảng 80 cm. Đây chính là khoảng cách an toàn nhất giúp cho các thiết bị nhà bạn giảm nguy cơ hỏng hóc do ẩm ướt.

5 cách để bạn “bảo vệ” đồ điện tử không bị hư hỏng trong mùa nồm ẩm ướt - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

2. Sử dụng thường xuyên

Việc để các thiết bị điện tử “nằm yên” trong cả mùa nồm sẽ khiến chúng có nguy cơ bị hỏng hóc cao hơn. Tốt nhất bạn nên bật các thiết bị như tivi, máy tính, dàn âm thanh, lò vi sóng…ít nhất 1 lần 1 ngày. Nguyên nhân bởi khi hoạt động, các thiết bị điện tử sẽ có cơ chế tỏa nhiệt, làm nóng và tự sấy khô linh kiện bên trong chúng.

5 cách để bạn “bảo vệ” đồ điện tử không bị hư hỏng trong mùa nồm ẩm ướt - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, bạn cũng có thể để thiết bị điện tử của gia đình ở chế độ chờ trong một khoảng thời gian nhất định mà không tắt hẳn nguồn điện. Khi ở chế độ chờ, các thiết bị này không tắt hẳn, chúng vẫn có khả năng sinh nhiệt giúp các linh kiện bên trong không bị ẩm.

3. Để gần các thiết bị thường xuyên hoạt động

Nếu như gia đình bạn hay mở ti vi, máy tính bạn có thể đặt các thiết bị điện tử nhỏ ít dùng khác ở cạnh. Cách làm này đơn giản nhưng lại mang đến hiệu quả cao. Hơi ấm từ các thiết bị đang dùng sẽ giúp “hong khô” các thiết bị bên cạnh.

Tuy nhiên, khi áp dụng cách làm này bạn cần lưu ý không nên để trong thời gian quá dài hoặc quá gần nguồn điện của thiết bị đang phát vì có thể gây nóng và làm giòn các vi mạch điện tử, làm hỏng các thiết bị gần nó.

4. Thường xuyên lau chùi

Việc lau chùi các đồ dùng điện tử trong nhà thường xuyên sẽ giúp các thiết bị luôn khô ráo và bạn có thể phát hiện ngay khi chúng có dấu hiệu bị ẩm và có cách xử lý kịp thời.

5 cách để bạn “bảo vệ” đồ điện tử không bị hư hỏng trong mùa nồm ẩm ướt - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Với các vị trí dễ bị rỉ sét như đầu ổ cắm, rắc cắm, ốc vít bạn có thể dùng khăn thấm cồn để lau sạch. Với các loại thiết bị dễ tháo lắp, bạn có thể dùng máy sấy ở chế độ nhẹ để làm khô chúng.

Ngoài ra, với các thiết bị điện tử nhỏ gọn bạn có thể bỏ vào hộp sau đó để thêm vài gói hút ẩm sẽ giúp bảo vệ các thiết bị này khỏi thời tiết nồm ẩm.

5. Đóng cửa và sử dụng các thiết bị hút ẩm

Nhiều người có thói quen mở cửa sổ và bật quạt với mục đích giúp phòng khô thoáng hơn. Tuy nhiên, cách làm này lại vô tình khiến tình trạng ẩm ướt càng nghiêm trọng và nguy cơ các thiết bị điện trong gia đình bị hỏng cao hơn.

5 cách để bạn “bảo vệ” đồ điện tử không bị hư hỏng trong mùa nồm ẩm ướt - Ảnh 5.

Ảnh minh họa.

Thay vào đó bạn nên đóng cửa và bật máy lạnh/máy hút ẩm ở chế độ hút ẩm. Cách làm này giúp phòng khô ráo và bảo vệ các thiết bị điện trong phòng không bị hư hỏng.

Khi bật máy lạnh, bạn cần chú ý để ở chế độ lạnh khô (chế độ Dry có hình giọt nước trên điều khiển) và để ở chế độ nóng với điều hòa hai chiều.

Mỗi ngày bạn nên thực hiện điều này 1 - 2 lần, mỗi lần khoảng 30 – 45 phút.

5 loại thiết bị điện dễ hỏng khi trời chuyển nồm ẩm, mưa phùn

- Tivi

- Âm ly, loa đài

- Máy tính

- Ổ điện, mạch điện

- Điện thoại, máy ảnh


Chia sẻ