4 tiếp viên vận chuyển ma tuý: Khó hiểu khi hải quan thông tin báo chí quá sớm
Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu bày tỏ khó hiểu khi thông tin liên quan vụ 4 tiếp viên vận chuyển ma túy được công khai cho báo chí khi mọi việc mới bắt đầu.
Ngày 16/3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP.HCM tạm giữ 4 nữ tiếp viên hàng không xách tay 11.284,57 gram ma túy các loại Ketamine và MDMA từ Pháp về Việt Nam.
Chiều 17/3, Cục Hải quan TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin vụ việc. Trả lời báo chí, một lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM cho biết việc phát hiện 4 tiếp viên mang ma tuý về nước "không phải chuyện tình cờ", soi chiếu hải quan đơn thuần phát hiện ra hàng cấm mà là kết quả của quá trình đấu tranh chuyên án.
Điều khó hiểu
Trả lời PV VTCNews về vấn đề này, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) nói: "Tôi cảm thấy khó hiểu khi việc tổ chức công bố thông tin cho báo chí sớm như vậy. Với công tác đấu tranh chuyên án thì đây là điều tối kỵ, bởi còn quá nhiều việc phải làm để có một chuyên án trọn vẹn với kẻ mua, người bán thực sự bị sa lưới pháp luật ".
Là người từng trực tiếp tham gia các chuyên án điều tra, triệt xóa các đường dây, ổ nhóm tội phạm về ma túy, Thượng tá Đào Trung Hiếu giải thích, công tác đấu tranh chuyên án đòi hỏi những kế hoạch bài bản, có chiều sâu, với nhiều biện pháp nghiệp vụ sẽ được áp dụng, chứ không thể hời hợt, nông cạn.
"Truyền thông, báo chí chỉ có thể biết đến thông tin chuyên án khi tất cả các yêu cầu, nhiệm vụ đã hoàn tất ", ông Hiếu cho hay.
Theo vị chuyên gia tội phạm học, việc nóng vội thông tin về kết quả của một công đoạn nào đó, có thể ảnh hưởng đến tổng thể của cuộc điều tra. Bởi vì khi thông tin được công khai, người phạm tội, kẻ liên quan có thể bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ, tìm cách đối phó với hoạt động điều tra.
"Mọi thông tin chuyên án phải được bảo mật tuyệt đối vì đó là bí mật nhà nước. Mọi hành vi để lộ lọt thông tin vô tình hay cố ý đều là vi phạm ", Thượng tá Hiếu nhấn mạnh.
Ông Đào Trung Hiếu cho rằng, lẽ ra thông tin 4 tiếp viên xách ma túy phải được bảo mật tuyệt đối, tạo cơ sở để triển khai rất nhiều việc tiếp theo. Việc phát hiện ma túy chỉ là bước khởi đầu, phía sau còn rất nhiều nội dung phải làm hướng đến mục tiêu bóc gỡ toàn bộ đường dây và trùm cuối phải lộ diện.
Cơ quan CSĐT đã làm việc khách quan, thận trọng
Về việc ngày 22/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines do chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, việc làm này thể hiện sự thận trọng, khách quan, toàn diện trong việc đánh giá chứng cứ vụ án.
Nguyên tắc "suy đoán vô tội" đã được áp dụng đúng khi những căn cứ buộc tội chưa rõ ràng, chắc chắn.
Ông Hiếu cũng bày tỏ không bất ngờ trước thông tin 4 tiếp viên được trả tự do, vì trước đó, trả lời báo chí, ông Hiếu đã nhận định rất có thể các tiếp viên đó đã bị lợi dụng để vận chuyển hàng cấm.
"Trong ý thức chủ quan của số tiếp viên này, thứ hàng hóa mà họ vận chuyển để lấy tiền công là thứ vô hại, không phải hàng cấm, thì không thể quy kết họ vào tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Việc này, cơ quan điều tra đã tìm được người liên lạc thuê họ chuyển hàng, đồng thời thu được tin nhắn thỏa thuận về tiền công vận chuyển thuốc đánh răng, thì hành vi của họ không thoả mãn các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm".
Tuy nhiên, cũng theo ông Hiếu, hành vi vận chuyển hàng của 4 tiếp viên đã có dấu hiệu vi phạm. Chuyên gia Đào Trung Hiếu nói: "Dù có bị lợi dụng vào việc vận chuyển hàng cấm thì 4 nữ tiếp viên này cũng đã vi phạm pháp luật, vi phạm chế độ công tác, quy tắc nghề nghiệp, nên việc xử lý của cơ quan chức năng và cơ quan chủ quản là điều chắc chắn ".
Ngày 22/3, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ra quyết định trả tự do cho 4 nữ tiếp viên hàng không trong vụ "xách tay" hơn 11kg ma túy từ Pháp về Việt Nam.
Trước đó, lúc 8h4 ngày16/3, thông qua công tác soi chiếu hàng hóa thường nhật, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện lô hàng hóa khoảng 60kg, gồm 4 vali của các tiếp viên Trần Thị Thu Ngân, Võ Tú Quỳnh, Nguyễn Thanh Thuỷ và Đặng Phương Vân có nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.
Sau đó, lực lượng hải quan phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an TPHCM tiến hành kiểm tra, phát hiện trong 4 vali nêu trên có 157 tuýp chứa tổng cộng 11.284,57 gram ma túy các loại Ketamine và MDMA.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 21/3, các cơ quan chức năng đã họp, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ thu thập được và đối chiếu các quy định của pháp luật.
Bước đầu xác định khi 4 tiếp viên hàng không nêu trên đang lưu trú tại Pháp thì có một người Việt Nam nhờ chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất, để gửi cho người nhà.
Các nữ tiếp viên không biết bên trong 327 tuýp kem đánh răng nhận vận chuyển có 157 tuýp bị đối tượng cất giấu ma tuý, do vậy chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.