4 thói quen của cha mẹ vô tình khiến con lớn lên nhút nhát, tự ti
Cha mẹ thường xuyên có 4 thói quen sau khiến con mất đi cảm giác được an toàn, lớn lên dễ trở thành đứa trẻ tự ti, nhút nhát, cha mẹ nên lưu ý.
Cảm giác được an toàn là nhu cầu tâm lý quan trọng, là yếu tố cơ bản hình thành nên nhân cách của trẻ khi lớn lên. Biểu hiện của một đứa trẻ mất đi cảm giác được an toàn chính là luôn cảm thấy tự ti và lo lắng, cảm xúc tiêu cực thường xuyên xuất hiện trong suy nghĩ của chúng. Đối với những đứa trẻ đang tuổi lớn, một khi mất đi cảm giác được an toàn, có thể ảnh hưởng đến tâm lý đến suốt đời.
Cha mẹ có 4 thói quen sau đây đối với con cái - những thói quen quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày, sẽ âm thầm ảnh hưởng đến cảm giác được an toàn của trẻ. Lâu dần, trẻ trở nên tự ti, nhút nhát, thậm chí có thể bị trầm cảm mà cha mẹ khó phát hiện.
1. Cha mẹ ít giao tiếp với con
Trong xã hội hiện đại với nhịp sống ngày càng hối hả, nhiều bậc cha mẹ bận rộn với công việc, việc nhà, hầu như không có thời gian rảnh rỗi dành để nói chuyện với con. Việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái cũng trở nên xa xỉ.
Đa số nội dung trong các cuộc nói chuyện giữa cha mẹ và con cái thường thấy hằng ngày chỉ là những câu nói để kiểm tra việc học tập. "Con đã học bài về nhà chưa?", "Hôm nay con làm bài kiểm tra như thế nào?",...
"Con đã lớn và có thể tự lo cho mình được, mình không cần bận tâm quá nhiều", đó là quan điểm của một số phụ huynh trong cuộc sống hiện nay.
Công việc dù có bận rộn như thế nào, cha mẹ cũng nên nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của con, dành thời gian trò chuyện và bày tỏ tình yêu thương với con nhiều hơn, để chúng không cảm thấy cô đơn. Xét đến cùng, cha mẹ là người bạn đầu tiên thân thiết nhất cũng như người mà con tin tưởng nhất.
Nếu cha mẹ ly hôn, trẻ có ở với cha hay mẹ, thì khi ở bên cạnh con, cha và mẹ cũng nên tương tác nhiều hơn với đối phương, để trẻ không tổn thương tâm lý vì biến cố gia đình. Trong những giai đoạn học tập quan trọng như thi cử, kiểm tra, những cuộc đối thoại giữa cha mẹ với trẻ không chỉ giới hạn trong việc học, mà hãy dành những câu động viên, yêu thương để trẻ cảm thấy rằng cha mẹ luôn bên cạnh chúng vượt qua giai đoạn áp lực này.
Có thể nói, cha mẹ là người tạo lòng tin cho con qua những cuộc trò chuyện thân mật. Nếu không có sự tin tưởng thì cảm giác được an toàn của trẻ tất nhiên cũng không còn.
2. Cha mẹ giáo dục con kiểu quát mắng, đe dọa
Giáo dục sai cách chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến cảm giác được an toàn của trẻ. Khi con không vâng lời, cha mẹ thường dùng những phương pháp đe dọa, quát mắng để giáo dục con, vì những cách này thường mang lại hiệu quả ngay lập tức.
Việc dỗ dành bằng những lời "nói dối" hay đe dọa là những cách thường xuyên được áp dụng để trẻ vâng lời. Ví dụ, trẻ không nghe lời, nhất quyết đòi đi chơi, cha mẹ không thuyết phục được con thì sẽ nói với trẻ rằng: "Bên ngoài có ông kẹ, nếu ra đó sẽ bị ăn thịt".
Một đứa trẻ bị cha mẹ chúng "lừa dối" và đe dọa, làm sao có thể cảm thấy an toàn? Ngay cả khi đứa trẻ lớn lên và biết rằng những gì cha mẹ nói là sai, nó vẫn cảm thấy "thế giới này chỉ toàn những điều giả dối và thật đáng sợ".
Phụ huynh không nên nghĩ rằng phương pháp giáo dục theo kiểu quát mắng, đe dọa có thể giúp con rèn luyện tính tự lập, dũng cảm. Thực tế, kiểu giáo dục này dễ khiến trẻ cảm thấy bất an, vô cùng có hại cho sự phát triển tâm lý của trẻ.
3. Cha mẹ kỳ vọng quá cao vào con
Kỳ vọng vào con là tốt, nhưng cha mẹ kỳ vọng vào con quá nhiều sẽ gia tăng áp lực cho trẻ. Nhiều phụ huynh cho rằng phương pháp này sẽ khiến con cố gắng nhiều hơn, nhưng thực tế, con chỉ cảm thấy và căng thẳng, lo sợ không đáp ứng được kỳ vọng như cha mẹ mình mong muốn.
Khi con không đạt được thành tích như các bạn đồng trang lứa, cha mẹ thường tỏ ra thất vọng và liên tục so sánh con mình với con người khác. Điều này mang lại cảm giác tự ti cho con, con cảm thấy mình vô dụng, sống thu mình lại và từ đó xa cách với cha mẹ.
Vì vậy, cha mẹ thay vì đặt kỳ vọng quá cao vào con, hãy khuyến khích, động viên và tiếp thêm sự tự tin để con phát huy điểm mạnh của mình.
4. Cha mẹ cãi nhau và trút giận lên con cái
Cha mẹ hay phàn nàn, than vãn vì cuộc sống không hạnh phúc, vì công việc trục trặc, than nghèo hoặc trút giận lên con cái vì lý do vợ/chồng cãi nhau là một trong những nguyên nhân khiến con mất đi cảm giác được an toàn. Trên thực tế, những cảm xúc tiêu cực và lo lắng của cha mẹ có thể truyền sang trẻ. Với tâm lý chưa ổn định, còn non nớt, điều này sẽ khiến trẻ lo lắng, sợ hãi, cảm thấy bất an.
Mối quan hệ hôn nhân của cha mẹ hay hoàn cảnh kinh tế gia đình đều có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác an toàn của con. Cha mẹ không nên tỏ ra lo lắng về kinh tế trước mặt con cái vì chúng chưa đủ khả năng để hiểu hết mọi việc.
Những đứa trẻ được sống trong gia đình đầm ấm, cha mẹ hạnh phúc và yêu thương nhau, sẽ hình thành nên một đứa trẻ biết hạnh phúc, biết yêu thương, tự tin và vững bước vào đời.
Trẻ con không thể hiểu được người lớn, người lớn lại càng không thể hiểu được trẻ con. Vậy nên, khi có bất cứ việc gì xảy ra, chia sẻ cảm xúc một cách nhẹ nhàng, chân thành luôn là cách tốt nhất để cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn và kết nối cảm xúc tốt hơn. Khi trở thành một người bạn thực sự của con, cha mẹ sẽ dễ dàng khuyên bảo con hơn, và con cũng sẽ dễ nghe và làm theo lời khuyên của cha mẹ.