4 nhóm nhu cầu về trí tuệ nhân tạo mà TP HCM đang rất cần

Huế Xuân,
Chia sẻ

TP HCM là một trong các địa phương đi đầu về triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển AI, song đến nay vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết.

Đó là nhận định của ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, tại Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI)" năm 2024,  diễn ra sáng 24-12, tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM.

4 nhóm nhu cầu về trí tuệ nhân tạo mà TP HCM đang rất cần- Ảnh 1.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP HCM, nói về 4 nhóm nhu cầu mà TP HCM đang quan tâm liên quan AI

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết đã 2 năm liên tiếp, TP HCM chọn chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng của chủ đề phát triển của thành phố. Việc chọn chủ đề này cho thấy chuyển đổi số vừa là mục tiêu vừa là phương thức để thành phố phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội…

Theo ông Lâm Đình Thắng, Hội đồng Quản lý của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 vừa xác nhận Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á (sau Malaysia) thành lập trung tâm này. Hội đồng đã họp và quyết định tổ chức 20 hoạt động trọng tâm của 6 lĩnh vực vào năm 2025, trong đó AI và xây dựng hệ sinh thái AI được ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, Diễn đàn Kinh tế quốc tế sắp tới tại TP HCM cũng chọn AI làm chủ đề chính.

"Bức tranh về AI của TP HCM sắp tới sẽ bao phủ rộng, phát triển sâu với tốc độ rất nhanh. Nếu chúng ta không chuẩn bị kịp về chính sách, đào tạo, năng lực thì chắc chắn sẽ không theo kịp các quốc gia trong khu vực và bị bỏ lại phía sau" – ông Thắng nhấn mạnh.

4 nhóm nhu cầu về trí tuệ nhân tạo mà TP HCM đang rất cần- Ảnh 2.

PGS - TS Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, trình bày tham luận "Hợp tác trong việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo"

4 nhóm nhu cầu về trí tuệ nhân tạo mà TP HCM đang rất cần- Ảnh 3.

PGS - TS Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM, trình bày chuyên đề "Đào tạo nguồn nhân lực AI trong bối cảnh hiện nay"

Ông Thắng chỉ rõ 4 nhóm nhu cầu liên quan AI mà TP HCM đang rất cần phát triển, gồm: ứng dụng quản trị thành phố hiện đại và thành phố thông minh; sử dụng công cụ AI để tăng năng suất lao động của bộ máy chính quyền nhà nước; tăng năng suất lao động và hiệu quả của doanh nghiệp thành phố; ứng dụng AI vào những dịch vụ công phục vụ người dân.

Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Văn Vũ, Phó Trưởng khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM, cho biết hiện TP có khoảng 2.000 nhân lực ngành AI.

"Theo nghiên cứu, nhu cầu nguồn lực năng lực AI của TP HCM như sau: Từ năm 2021-2025, cần khoảng 5.500 người; năm 2025-2030 cần 11.000 người; năm 2031-2025 cần đến 18.000 người. Tuy nhiên, số lượng tuyển sinh nhóm ngành này của TP HCM hiện chỉ khoảng 800 chỉ tiêu" – ông Vũ thông tin.

Ông Vũ cho rằng năng lực đào tạo hiện nay của các trường chưa đáp ứng được nhu cầu của của thị trường lao động. Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành AI đóng vai trò quyết định trong thực hiện các quyết sách về AI của thành phố. Theo ông, ĐHQG TP HCM và các đơn vị đào tạo cần có chiến lược, kế hoạch tăng cường đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực này.

Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo" do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với ĐHQG TP HCM, Sở Khoa học và Công nghệ, Thành Đoàn TP HCM tổ chức. Sau 1 tháng triển khai, ban tổ chức đã nhận về 44 bài tham luận của 70 tác giả đến từ 24 đơn vị.

Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề: giải pháp thiết thực nhằm phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI trong thời gian tới; xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao phục vụ nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI với góc nhìn từ các doanh nghiệp công nghệ; phát triển các ứng dụng AI để năng cao năng suất lao động, phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tốt hơn...

Chọn đúng Sáng tương lai Tuyến bài cung cấp thông tin về những ngành học hot, có mức thu nhập tốt, cùng những trường đại học, cao đẳng, trung cấp được đánh giá cao về chất lượng đào tạo. KHÁM PHÁ
Chia sẻ