4 người phụ nữ, 4 cách yêu và 4 nỗi khổ tâm trong "Nếu Còn Có Ngày Mai"
"Nếu Còn Có Ngày Mai" là câu chuyện về những nỗi đau lẩn khuất từ chính cuộc sống của những phụ nữ đặt trong bối cảnh miền Tây Nam Bộ. Ngọc, Duyên, Hai Dần và Sáng, dù là nhân vật nào thì họ vẫn giống nhau khi cứ trói đời mình với đàn ông để rơi nước mắt.
Cả 4 người phụ nữ trong phim Nếu Còn Có Ngày Mai đều có số phận và hoàn cảnh khác nhau. Có người bất hạnh, có người được yêu thương, cũng có người quyết tâm giành giật hết mọi thứ cho mình. Họ đều là những cô gái chân chất, tránh xa khỏi những cám dỗ thị thành, nhưng cứ mãi vì đàn ông mà khổ sở.
Lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ những năm 1990, phim kể về cuộc đời của hai cô gái cùng cha khác mẹ có số phận trái ngược là Duyên (Bella Mai) và Ngọc (Sam) cùng những bi kịch tình yêu, gia đình mà người phụ nữ phải dánh chịu.
Mỗi người phụ nữ một cách yêu riêng...
Ngọc – Trong trẻo, ngây dại và lặng lẽ hi sinh
Ngọc – cô con gái rượu của bà Sáng (Thân Thúy Hà) là một nhân vật khiến khán giả không thể không yêu. Là con riêng của bà Sáng và ông Hai Dần, Ngọc được cưng chiều từ nhỏ. Như một quy luật bất thành văn, khán giả đinh năng rằng Ngọc sẽ trở thành nàng Cám chanh chua, độc ác. Ai ngờ, Ngọc lớn lên xinh đẹp, hiền lành, trong sáng và nhân hậu đến tội. Tội bởi sự trong sáng, nhân hậu của Ngọc chẳng được đền đáp một cách xứng đáng.
Ngọc – cô gái ngây ngô, trong sáng cùng chuyện tình đơn phương với Quân
Ngọc yêu Quân (Quang Tuấn), một tình yêu đơn phương trong trẻo và ngây dại. Ngọc nào biết Quân vốn dĩ chỉ coi cô như "em gái mưa" bởi anh đã trót trao trái tim cho Duyên – người chị gái cùng cha khác mẹ mà Ngọc luôn nhất mực yêu thương. Đến khi biết sự thật chua chát và nghiệt ngã, Ngọc lại lặng lẽ lùi về phía sau, chúc phúc cho chị và người cô yêu. Cô gái ngây ngô lần đầu nếm vị đời vẫn nhất định chọn cách hi sinh vì những người thân yêu. Cảnh Ngọc giao phó chị gái hạnh phúc cả đời của chị gái cho Quân khiến khán giả càng thêm trân trọng cô gái nhỏ này.
Duyên – Sợ hãi, rụt rè nhưng lại đầy toan tính trong tình yêu
Trái với Ngọc, tuổi thơ của Duyên là những chuỗi tháng ngày bất hạnh khi mẹ cô phải chết chính bởi sự nhu nhược của bố và sự ác độc của người đàn bà xa lạ mà ông rước về chung sống. Với những mặc cảm kéo dài từ quá khứ tới hiện tại, Duyên trở thành kẻ luôn sợ hãi trước tình yêu. Hết lần này đến lần khác Quân ngỏ ý muốn chăm sóc cô nhưng Duyên cứ mãi hoài lấn cấn vì sợ cuộc đời mình sẽ đi vào vết xe đổ của mẹ.
Duyên – cô gái luôn rụt rè và sợ hãi trước tình yêu
Những tưởng một ngày đẹp trời "hoàng tử" sẽ cảm hóa được "nàng Tấm" bằng thứ tình cảm chân thành. Ai ngờ ngày đó chưa kịp đến thì Duyên đã vội trở mặt khi biết em gái mình yêu Quân. Duyên lập tức đồng ý lời tỏ tình của anh dù ngay trước đó cô còn có ý định bỏ nhà lên Sài Gòn để thực hiện giấc mộng đổi đời.
Chẳng ai biết Duyên có thật lòng với Quân hay không nhưng điều người ta dám chắc là cô đang cố tình phô diễn sự hạnh phúc trước mặt đứa em gái cùng cha khác mẹ tội nghiệp để trả thù. Chỉ thương Quân và Ngọc, chỉ là quân cờ trong màn trả thù nghiệt ngã của Duyên dành cho bà Sáng.
Chị Hai Dần (Yến Nhi) – Nhẹ dạ, cam chịu và yếu đuối
Chị Hai Dần là chính là người mẹ tội nghiệp của Duyên – người phải chết trong đau đớn, tức tưởi khi còn chưa kịp nhìn mặt gã chồng bội bạc và đứa con gái đỏ hỏn mới chào đời.
Chị Hai Dần – cam chịu, dễ yêu và dễ tin
Chị Hai chính là đại diện cho những người phụ nữ miền Tây cả đời cam chịu và nhẫn nhục. Dù biết chồng mình có nhân tình bên ngoài, dù phải sống chung một nhà với ả hồ li độc ác, chị Hai vẫn cam chịu cho qua vì chồng và đứa con trong bụng. Chị dễ yêu, dễ tin và dễ mủi lòng, mủi lòng vì những lời giải thích của gã chồng phụ bạc để rồi phải chịu kiếp chung chồng.
Chị cũng yếu đuối trước gã chồng bội bạc, yếu đuối trước cả ả hồ li độc ác. Ngoài cái tát dành cho Sáng ngày ả mới về nhà, chị Hai gần như lép vế hoàn toàn trước ả hồ li. Vốn dĩ tình yêu của chồng dành cho mình lớn hơn nhưng chị Hai vẫn phải bất lực để Sáng dần dần chiếm thế thượng phong trong nhà.
Sáng – Trơ tráo và độc đoán
Sáng – mẹ ruột của Ngọc cũng chính là ả hồ li tinh trơ tráo đã phá nát gia can nhà anh Hai Dần, hết lần này đến lần khác đẩy chị Hai vào đường cùng để đường hoàng mà giành lấy ngôi vị nữ chủ nhân trong nhà.
Bà Sáng – trơ tráo, độc ác và ích kỉ trong tình yêu
Tình yêu của Sáng đôi lúc khiến người ta khiếp sợ, quá ích kỉ luôn muốn độc chiếm. Ả dùng đủ mọi cách để đẩy giành lấy tình yêu của anh Dần, từ việc đóng vai hi sinh, cam chịu đến việc lộ liệu mà khiêu khích chị Hai, đẩy chị Hai tới cái chết đau đớn, tức tưởi. Nói chung là một nhân vật ác ra mặt trong phim không phải lăn tăn bàn cãi.
... nhưng đều chịu chung kiếp "tầm gửi"
Dù là bà Sáng hay chị Hai; dù trơ tráo, ích kỉ hay trong sáng, lương thiện thì tất cả những người phụ nữ trong Nếu Còn Có Ngày Mai đều chịu chung số phận của "kiếp tầm gửi". Họ buộc phải phụ thuộc vào những người đàn ông để sống mà quên mất đi việc phải trân trọng chính bản thân mình.
Chị Hai không thể rời bỏ người chồng phụ bạc chính là vì lo nghĩ cho tương lai đứa của đứa con trong bụng. Chị và cả con cần một danh phận, một người chồng, người bố để dựa vào.
Sáng bám riết lấy Hai Dần cũng vì muốn thoát kiếp lạc chợ trôi sông, muốn có một tổ ấm trọn vẹn, có một người đàn ông để nương nhờ. Bà Sáng vừa đáng trách lại vừa đáng thương. Trách bởi bà đã yêu sai cách, sai người, đã quá dễ yêu và dễ tin. Thương bởi rốt cuộc những gì bà làm cũng chỉ vì bà đã phải chịu khổ quá nhiều mà thôi.
Sáng bám riết lấy Hai Dần cũng chỉ vì muốn thoát cảnh nghèo khổ
Duyên cũng vậy, dù luôn khao khát tự mình thay đổi cuộc đời nhưng rốt cuộc cô lại chọn cách nương nhờ vào Quân. Ngọc cũng rơi vào bể khổ vì nhìn thấy người yêu vụt khỏi tay mình.
Và dành cả đời để hi sinh cho chồng con
Dù Sáng có đáng ghét thật nhưng bà vẫn đáng được trân trọng vì đã dành cả đời để tận tâm, tận lực cho gia đình. Với Ngọc, bà đã thực sự làm tròn nghĩa vụ của một người mẹ, bà sẵn sàng bị đuổi ra đường chỉ cần Ngọc được hạnh phúc. Bà cũng là người thay ông Dần làm trụ cột gia đình.
Lấy ông Dần – một người nổi tiếng chịu khó, chịu thương, những tưởng cuộc đời bà Sáng sẽ được sang một trang khác sáng láng hơn. Nào ngờ, đâu lại vào đấy, người đàn ông mẫu mực năm nào bỗng chốc trở nên bê tha, bạc nhược, tối ngày chìm trong men rượu. Một tay bà Sáng phải quán xuyến mọi việc trong nhà và chịu sự dè bỉu, hắt hủi của hàng xóm, láng giềng.
Giá mà ông Dần có chút tiếng nói trong nhà, giá mà người đàn ông đó không sống như một cái bóng vô hình thì có lẽ bà Sáng đã không tự biến mình trở thành một kẻ tàn ác, nhẫn tâm đến vậy.
Nếu như có thời gian để xem Nếu Còn Có Ngày Mai thì có lẽ Nam Em sẽ nhận ra phụ nữ miền Tây cũng có rất nhiều cách yêu chứ không phải chỉ biết mù quáng đến ngu muội, nhớ người yêu như nghiện thuốc. Biết đâu chừng, người đẹp sẽ chọn được cho mình một cách yêu mới, vẫn say đắm, hết lòng nhưng sẽ bớt drama và mông muội như bây giờ.