4 dấu hiệu cho thấy thận bắt đầu suy hỏng: Có 1 cũng cần đi khám ngay
Phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh thận giúp tăng cơ hội điều trị thành công, giảm nguy cơ biến chứng.
Theo tiến sĩ David Goldfarb, trưởng khoa thận của NYU Langone Health (trung tâm y tế của Đại học New York - Mỹ), khoảng 90% số người mắc bệnh thận không biết mình đang mang bệnh. Điều này có thể là do các dấu hiệu của bệnh thận thường không xuất hiện cho đến khi bệnh tiến triển tới giai đoạn muộn. Vì lý do này, tiến sĩ Goldfarb cho rằng điều quan trọng đối với những người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh thận, chẳng hạn như người trên 60 tuổi hoặc người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường loại 2, huyết áp cao hoặc các rối loạn tự miễn dịch như lupus, nên đi khám sức khỏe định kỳ và kiểm tra thận thường xuyên.
Tiến sĩ Staci Leisman, chuyên gia về bệnh thận tại Bệnh viện Mount Sinai (Mỹ) cho biết có một số dấu hiệu nhất định có thể xuất hiện trong giai đoạn sớm của bệnh thận. Theo đó, vị chuyên gia nhấn mạnh, mọi người cần tới ngay các cơ sở y tế để khám khi phát hiện các dấu hiệu này.
4 dấu hiệu sớm của bệnh thận
Thiếu máu
Một trong những dấu hiệu sớm của bệnh thận là thiếu máu. Ở trạng thái khỏe mạnh, thận sản sinh ra erythropoietin (EPO). Đây là loại hormone kích thích tủy xương tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn. Khi thận bị tổn thương, lượng EPO được tạo ra không đủ. Kết quả bạn có thể bị thiếu máu do thiếu hồng cầu.
Tiến sĩ Leisman lưu ý, mọi người cần đi khám ngay nếu thấy các triệu chứng của thiếu máu như: đau mỏi cơ thể, đau ngực, khó thở hoặc thở hụt hơi, chóng mặt, nhức đầu, khó tập trung, da nhợt nhạt, cơ thể yếu ớt và mệt mỏi kéo dài.
Nước tiểu có máu hoặc nhiều bọt
Nếu bạn nhìn thấy máu trong nước tiểu, điều đó có nghĩa là có tế bào hồng cầu trong nước tiểu của bạn. Mặc dù tiểu ra máu có thể là triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận, nhưng đây cũng là dấu hiệu thường gặp của bệnh thận.
Tiến sĩ Robert Greenwell, trưởng khoa thận tại Trung tâm Y tế Mercy (Mỹ), cho biết: "Ở trạng thái khỏe mạnh, các bộ lọc của thận sẽ ngăn máu đi vào nước tiểu. Tuy nhiên, khi các bộ lọc này bị tổn thương có thể khiến một lượng máu nhỏ rò rỉ vào nước tiểu".
Tiến sĩ Greenwell lưu ý, đôi khi bạn không thể nhìn thấy máu trong nước tiểu bằng mắt thường mà cần làm các xét nghiệm. Chính vì thế, việc khám sức khỏe định kỳ, bao gồm xét nghiệm nước tiểu rất quan trọng.
Ngoài dấu hiệu tiểu ra máu, nước tiểu có nhiều bọt cũng là dấu hiệu đáng lo ngại của bệnh thận. Điều này cho thấy hàm lượng albumin trong nước tiểu tăng cao. Albumin là một loại protein vốn chỉ tồn tại với số lượng nhỏ trong nước tiểu.
Tiến sĩ Leisman giải thích: "Khi thận bị tổn thương, một trong những thứ đầu tiên mà cơ quan này gặp khó khăn đó là lọc protein ra khỏi nước tiểu".
Tiểu nhiều vào ban đêm
Tiến sĩ Leisman cho biết trong ngày, chất lỏng dư thừa trong cơ thể tích tụ ở mắt cá chân và bắp chân nếu bạn đứng và ngồi cả ngày. Điều này được gọi là sự tích tụ dịch do ứ đọng thường xảy ra do lực hấp dẫn. Khi bạn đi ngủ vào ban đêm, chất lỏng dư thừa đó sẽ đi thẳng đến thận. Nếu thận bị tổn thương, chúng cũng không thể lọc được lượng chất lỏng dư thừa này một cách hiệu quả. Kết quả có thể khiến bạn phải đi vệ sinh nhiều hơn vào ban đêm.
Phù nề
Khi thận bị tổn thương, chúng sẽ không thể lọc được muối ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến triệu chứng phù nề hoặc sưng tấy ở các bộ phận như mắt cá chân, bàn chân và cẳng chân. Ngoài các bộ phận này, bệnh nhân cũng có thể bị sưng bọng mắt, đặc biệt là vào buổi sáng và tình trạng này sẽ không biến mất nếu bạn dùng các biện pháp như chườm khăn lạnh.
Tiến sĩ Greenwell giải thích: "Khi thận hoạt động không hiệu quả, protein sẽ bị rò rỉ vào nước tiểu. Điều đó có nghĩa là lượng protein đi vào máu sẽ ít hơn. Việc thiếu protein có thể khiến các mạch máu sưng lên. Điều này thường dễ thấy nhất ở quanh mắt".
Làm gì để phòng ngừa bệnh thận
Để phòng ngừa bệnh thận, mọi người cần thực hiện những điều sau đây:
- Uống đủ nước: Uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày giúp thận lọc chất cặn và chất độc ra khỏi cơ thể hiệu quả.
- Ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn giàu rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế thức ăn chứa nhiều đường, muối và chất béo bão hòa có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thận.
- Kiểm soát đường huyết: Sự kiểm soát tốt về đường huyết có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm các vấn đề về thận ở những người mắc bệnh tiểu đường.
- Hạn chế muối: Ăn quá nhiều muối có thể gây áp lực cho thận và dẫn đến bệnh thận.
- Kiểm soát huyết áp: Huyết áp cao có thể gây tổn thương thận. Việc duy trì huyết áp ở mức bình thường là rất quan trọng.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì là yếu tố nguy cơ của bệnh thận, do đó việc duy trì cân nặng hợp lý là điều quan trọng để phòng ngừa bệnh thận.
- Không hút thuốc: Hút thuốc có thể làm tổn thương mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
- Hạn chế rượu: Uống quá nhiều rượu có thể gây hại cho thận và làm tăng huyết áp.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tổng thể.
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên: Kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề về thận để bắt đầu điều trị kịp thời.