4 câu tuy "chê" nhưng lại cực nịnh tai: Bố mẹ nói xong, con không tự ái mà còn vui vẻ, nỗ lực sửa sai
Góp ý ra sao để con vui vẻ nghe theo là cả 1 nghệ thuật!
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng trẻ em nên lớn lên trong một môi trường vui vẻ để phát triển tốt hơn. Nhưng thực tế có đúng như vậy không? Nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định rằng: Không hẳn như vậy!
Trẻ sẽ mắc sai lầm trên hành trình trưởng thành
Khi tam quan (thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan) của trẻ chưa hoàn thiện, việc phạm sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Là cha mẹ, chúng ta cần hướng dẫn con nhận ra lỗi lầm và rút kinh nghiệm. Khi cần thiết, cha mẹ không nên quá nuông chiều mà cần có cách nhắc nhở phù hợp.
Nhắc nhở, góp ý là cách giáo dục tốt nhất. So với trách mắng hay la rầy, góp ý nhẹ nhàng giúp trẻ dễ dàng tiếp thu hơn. Tuy nhiên, cách thức và nội dung góp ý cũng rất quan trọng.
Nếu cách góp ý không đúng, trẻ có thể cảm thấy bị tổn thương, mất tự tin và khó phát triển. Ngược lại, một lời góp ý đúng cách có thể khuyến khích trẻ, giúp trẻ nhận ra sai lầm và không ngừng tiến bộ.
Những câu nói giúp trẻ dễ dàng tiếp thu góp ý hơn
1. "Bố mẹ thấy lần này con làm chưa tốt, nhưng bố mẹ tin con có thể làm tốt hơn"
Khi thấy con làm chưa tốt một việc nào đó, cha mẹ có thể bắt đầu bằng câu nói này. Câu nói này tuy đơn giản nhưng vừa chỉ ra thiếu sót của con, vừa thể hiện sự tin tưởng của cha mẹ.
Mục đích của việc góp ý là giúp con hiểu rằng: Thất bại hay thiếu sót chỉ là tạm thời, không có nghĩa là con vô dụng. Sự tin tưởng của cha mẹ có thể giúp con tự tin hơn, dũng cảm đối mặt với khó khăn và ngày càng hoàn thiện bản thân.
![4 câu tuy "chê" nhưng lại cực nịnh tai: Bố mẹ nói xong, con không tự ái mà còn vui vẻ, nỗ lực sửa sai - Ảnh 1. 4 câu tuy "chê" nhưng lại cực nịnh tai: Bố mẹ nói xong, con không tự ái mà còn vui vẻ, nỗ lực sửa sai - Ảnh 1.](https://afamilycdn.com/150157425591193600/2025/2/15/edu259-1739626583688883495259.jpg)
Ảnh minh họa
2. "Nỗ lực của con rất quan trọng, nhưng có thể phương pháp cần được cải thiện"
Cha mẹ đặt kỳ vọng vào con là điều bình thường, và việc con không đạt được kỳ vọng cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng một số cha mẹ không thể chấp nhận điều này và đôi khi vô tình buông lời làm con tổn thương.
Nếu con chưa đạt kết quả mong muốn, tại sao cha mẹ lại bỏ qua những nỗ lực của con trong quá trình đó? Nếu trẻ đã cố gắng hết sức, điều cha mẹ cần làm là công nhận sự nỗ lực của con, giúp con hiểu rằng dù làm gì, cũng cần phải cố gắng hết mình. Sau đó, cha mẹ có thể nhẹ nhàng hướng dẫn con những điểm cần cải thiện để con có thể tiếp thu dễ dàng hơn.
3. "Bố mẹ thấy con mắc một lỗi nhỏ, hãy cùng tìm ra cách làm đúng nhé"
Phạm sai lầm là một phần của quá trình học hỏi. Chỉ có thông qua thử và sai, trẻ mới tìm ra cách làm đúng. Câu nói này giúp nhấn mạnh vào lỗi sai của trẻ chứ không phải bản thân trẻ, điều này rất quan trọng.
Câu nói này cũng giúp trẻ hiểu rằng: Sai lầm không đáng sợ, điều quan trọng là học hỏi từ đó. Đồng thời, cha mẹ thể hiện rằng họ luôn đồng hành cùng con, giúp con có thêm động lực để tìm ra hướng đi đúng.
4. "Bố mẹ tin con có tiềm năng, nhưng con cần cố gắng hơn nữa"
Đừng chỉ ngưỡng mộ con nhà người ta, điều quan trọng là cha mẹ cần khám phá tiềm năng của chính con mình.
Trẻ nào cũng muốn được công nhận. Câu nói này không chỉ giúp trẻ tự tin vào khả năng của mình mà còn thúc đẩy tinh thần cố gắng. Thông điệp quan trọng là: Tương lai phụ thuộc vào nỗ lực và lựa chọn của chính con.
Cha mẹ cần học cách góp ý nhẹ nhàng và hiệu quả
Ngay cả cha mẹ cũng không thể góp ý tùy tiện, không phân biệt thời điểm và hoàn cảnh. Muốn việc góp ý có hiệu quả, cha mẹ cần chú ý đến thời gian, địa điểm, giọng điệu và cách thức.
1. Chọn thời điểm và địa điểm phù hợp
Trẻ tuy nhỏ nhưng cũng có lòng tự trọng và mong muốn được tôn trọng. Vì vậy, khi góp ý cho con, cha mẹ nên chọn một môi trường yên tĩnh, riêng tư để tránh làm con xấu hổ trước mặt người khác. Nếu con đang xúc động hoặc ở nơi công cộng, cha mẹ tuyệt đối không nên nhắc nhở ngay lúc đó. Dù có tức giận đến đâu, hãy cố kiềm chế.
2. Giữ bình tĩnh và kiên nhẫn
Dù con phạm lỗi lớn đến đâu, cha mẹ cũng nên giữ bình tĩnh khi góp ý. Khi tức giận, chúng ta dễ buông lời làm tổn thương con hoặc có những hành động khiến mình hối hận. Hãy nhớ rằng, mục tiêu của việc góp ý là để con nhận ra vấn đề, chứ không phải làm con cảm thấy tệ hơn.
Hãy cho con cơ hội được bày tỏ suy nghĩ của mình. Ngay cả khi là người mắc lỗi, trẻ cũng có quyền được giải thích.
3. Nhắc nhở đúng trọng tâm, tránh quy chụp
Hãy chỉ ra cụ thể sai lầm hay thiếu sót của con để con hiểu được mình sai ở đâu mà sửa đổi. Nếu cha mẹ góp ý chung chung, trẻ sẽ không biết mình cần cải thiện điều gì. Sau khi chỉ ra lỗi sai, cha mẹ nên hướng dẫn con suy nghĩ để tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Đây mới là cách nhắc nhở hiệu quả nhất.
Lời kết
Nhắc nhở con chưa bao giờ là chuyện đơn giản, nhưng một số cha mẹ lại nghĩ nó quá dễ dàng. Từ hôm nay, hãy học lại cách góp ý đúng đắn. Điều này không chỉ giúp con trưởng thành hơn mà còn tạo nên một mối quan hệ cha mẹ – con cái gần gũi, yêu thương hơn.