4 bước lập quỹ tài chính để đầu tư riêng cho việc học của con
Cha mẹ cần có kế hoạch đường dài cho việc học tập của con.
Cha mẹ cần xác định việc học của con là lâu dài, có thể tới 20 năm (nếu con học lên trình độ sau đại học). Vậy nên cha mẹ cần có một quỹ tài chính ổn định để đầu tư cho việc học của con. Nên nhớ đây phải là quỹ riêng, sẽ không bị chiếm dụng vào mục đích khác. Như vậy thì việc học của con mới được đảm bảo.
Việc lập quỹ tài chính cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Khi thực hiện, cha mẹ chú ý 4 bước sau:
Bước 1: Cha mẹ xác định trình độ học vấn mong muốn con đạt được. Mỗi gia đình sẽ có hoàn cảnh, kỳ vọng khác nhau đối với việc học của con. Một số muốn con học xong đại học sẽ đi làm luôn, nhưng một số muốn con học lên tiếp trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ, hoặc ra nước ngoài du học. Nhưng cơ bản nhất, cha mẹ sẽ cần chuẩn bị tài chính cho các giai đoạn Mẫu giáo - Tiểu học - THCS - THPT.
Bên cạnh đó, cha mẹ muốn con hưởng thụ loại hình, môi trường giáo dục nào: công lập hay tư thục, quốc tế đắt đỏ? Điều này ảnh hưởng lớn đến chi phí giáo dục. Nếu học môi trường tư thục, quốc tế, cha mẹ sẽ phải chi trả nhiều hơn.
Bước 2: Dựa trên bước 1, cha mẹ hãy tính tổng số tiền sẽ phải chi trả để con có thể học tập đến ngưỡng mong muốn. Hãy lên các trang thông tin, website của trường tư thục, quốc tế để tham khảo mức học phí và cộng tổng lại. Đừng quên cân nhắc việc trường có thể tăng học phí trong các năm tới.
Bước 3: Ước tính số tiền gia đình đang để dành riêng cho việc học của con có đủ chi trả đến khi con học đại học hay không? Cha mẹ nên nhớ, quỹ càng dư dả càng tốt, đừng quá chủ quan. Hãy tính thêm cả những chi phí có thể phát sinh.
Bước 4: Nếu không đủ, cha mẹ hãy tính xem quỹ còn thiếu bao nhiêu. Dựa trên cơ sở số tiền con thiếu, cha mẹ mỗi tháng có thể tiết kiệm thêm được bao nhiêu tiền để trừ đi số này? Hãy xem lại kế hoạch phân bổ tài chính của gia đình hàng tháng để đưa ra chiến lược tài chính hiệu quả nhất.
Cha mẹ nên dành bao nhiêu phần trăm thu nhập cho việc học tập của con?
Đây cũng là một vấn đề khiến nhiều phụ huynh phải tranh luận. Liệu đầu tư bao nhiêu thì hợp lý, để con vừa học tập tốt, vừa không khiến cha mẹ gánh áp lực tài chính? Một số chuyên gia tài chính cho rằng, mức này không nên vượt quá 30% tổng thu nhập hàng năm của gia đình. Đây là con số ước tính, nếu gia đình có hai con, thì ngân sách cho mỗi con có thể giảm bớt, còn gia đình có một con thì có thể tăng hơn.
Nhiều gia đình vì cố cho con học trường đắt quá mà lâm vào cảnh nợ nần, tháng nào cũng vất vả xoay xở, chạy vạy. Hoặc một số gia đình vì không kham nổi học phí nên phải cho con chuyển trường giữa chừng, khiến con không bắt kịp được với các bạn ở trường mới.
Thực tế, nếu con đang học ở môi trường tư thục, quốc tế, quen với việc được giáo viên quan tâm, chăm sóc sát sao mà đột ngột chuyển sang môi trường công lập, lớp học đông đúc, nhiều quy tắc kỷ luật thì sẽ rất khó khăn.
Chuyển từ môi trường tiết kiệm sang môi trường xa hoa hơn thì dễ, ngược lại thì khó hơn nhiều.