4 bước cải thiện... chồng lười
Không ít phụ nữ có gia đình cảm thấy chán nản, mất kiên nhẫn, thậm chí nghĩ đến việc ly hôn. Lý do là bởi chồng họ quá... lười.
Một phụ nữ 42 tuổi chia sẻ rằng, chồng chị quá lười biếng khi ở nhà. Mỗi ngày tan làm về nhà, việc đầu tiên anh làm là nằm trên ghế sofa nghịch điện thoại.
Chị nhờ anh giúp việc nhà nhưng anh luôn từ chối, nói rằng đi làm quá mệt mỏi rồi. Khi thấy chị tức giận, anh sẽ miễn cưỡng làm một số việc nhà. Nhưng trạng thái này chỉ kéo dài trong vòng hai ngày, sau đó anh sẽ trở lại trạng thái ban đầu. Chị thực sự bất lực và cảm thấy như mình đang nuôi “một đứa trẻ trưởng thành”.
Sự lười biếng của anh không chỉ thể hiện ở việc nhà mà còn trong cuộc sống. Vào cuối tuần, chị lên kế hoạch cho một chuyến đi trong ngày và muốn đi chơi ngoài trời với anh hoặc đi mua sắm. Nhưng anh luôn tìm ra nhiều lý do để trốn tránh. Anh thích ngủ ở nhà và chơi game hơn.
Điều này làm chị thất vọng tột cùng, cảm thấy cuộc sống giữa chị và anh ngày càng ít tiếng nói chung.
Chị đã cố gắng thay đổi anh, thuyết phục anh tập thể dục nhiều hơn và tham gia vào công việc gia đình nhưng vô ích.
Sự lười biếng của anh dường như đã trở thành thói quen, ăn sâu vào xương tủy. Điều này khiến chị suy nghĩ, liệu cuộc hôn nhân của họ có vấn đề gì không? Phải chăng chị thực sự muốn lựa chọn ly hôn vì sự lười biếng của anh?
Thế nhưng, mỗi khi chuẩn bị ký đơn ly hôn, chị lại nghĩ về những khoảng thời gian tốt đẹp họ đã có. Chị nghĩ đến việc anh đưa chị đi làm bất kể nắng hay mưa; anh cũng biết chăm sóc chị tỉ mỉ khi chị ốm đau, động viên khi chị gặp khó khăn trong công việc...
Những kỷ niệm này khiến chị ngần ngại. Bỗng dưng chị thấy sự lười biếng của anh là một thiếu sót có thể tha thứ.
Chị lại đau đầu suy nghĩ, có lẽ chị cần nhìn này từ một góc độ khác. Lười biếng không phải là vấn đề nguyên tắc mà là một thói quen có thể thay đổi được. Tốt nhất chị nên cố gắng tìm cách để chồng có ý thức tham gia vào cuộc sống gia đình.
Nghĩ là làm, chị kiên nhẫn giao tiếp với anh và hiểu tại sao anh lười biếng như vậy. Cuối cùng anh cũng chịu thổ lộ. Anh nói với chị rằng anh không cố tỏ ra lười biếng mà chỉ là không biết bắt đầu từ đâu.
Hóa ra anh đã sống với bố mẹ từ khi còn nhỏ và bố mẹ anh đảm đương mọi việc nhà. Anh chưa bao giờ thực sự tự lập. Sau khi nghe điều này, chị hiểu rằng sự lười biếng của anh không phải là vô vọng mà cần sự hướng dẫn và động viên.
Chị quyết định thực hiện những chiến lược như sau:
Lập kế hoạch gia đình
Lập bản kế hoạch gia đình chi tiết hàng tuần, làm rõ sự phân công lao động và cho anh ấy biết những công việc nhà mà anh ấy cần đảm nhận.
Hợp tác
Khuyến khích anh ấy cùng tham gia công việc nhà để anh ấy cảm nhận được niềm vui của cuộc sống gia đình. Đồng thời khích lệ các con cùng tham gia các hoạt động ngoài trời và tập thể dục.
Kiên nhẫn hướng dẫn
Khi anh ấy làm tốt thì khen ngợi, động viên; khi anh ấy lười biếng thì nhắc nhở kịp thời, nhưng tránh nổi giận.
Cải thiện khả năng giao tiếp
Hiểu suy nghĩ của anh ấy, tôn trọng ý kiến của anh ấy và để anh ấy đóng vai trò lớn hơn trong gia đình.
Sau một thời gian nỗ lực thực hiện các bước kể trên, chị nhận thấy chồng mình dần thay đổi, dù rất chậm. Anh không còn lười biếng nữa, bắt đầu chủ động trong việc nhà, thậm chí còn sẵn sàng cùng chị tham gia các hoạt động ngoài trời. Mối quan hệ của họ trở nên hài hòa hơn và họ ngày càng có nhiều tiếng nói chung hơn.
Hiện tại chị không còn nghĩ tới việc ly hôn nữa. Bởi chị hiểu hôn nhân cần phải có sự quản lý và cần sự nỗ lực chung của cả hai bên. Chỉ cần hai người thay đổi và quản lý bằng cả lý trí và trái tim, hôn nhân sẽ ngày càng bền chặt.
Nếu chồng bạn cũng lười biếng như câu chuyện kể trên thì xin đừng dễ dàng bỏ cuộc. Hãy cố gắng hiểu anh ấy, hướng dẫn anh ấy, động viên anh ấy. Khi làm được như vậy, cuộc sống của bạn sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.