4 bất thường ở cổ cảnh báo ung thư nhưng hầu hết mọi người không để ý
Trên thực tế, dấu hiệu ung thư ở vùng cổ, nhất là ở giai đoạn đầu rất dễ bị đánh đồng là khó chịu liên quan tới ăn uống, ốm vặt thông thường.
Đó là những lời chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và phẫu thuật gan mật Yang Ziwei (Đài Loan, Trung Quốc). Theo ông, chúng ta phải sử dụng đến vùng cổ rất nhiều, trong cuộc sống hàng ngày nhưng không phải ai cũng quan tâm đúng mực đến việc chăm sóc sức khỏe và các dấu hiệu bất thường tại vị trí này.
“Thực tế, có rất nhiều bệnh ung thư liên quan đến cổ như: ung thư cổ họng, ung thư thanh quản, ung thư tuyến nước bọt, ung thư vòm họng, ung thư hạch, ung thư tuyến giáp… Ngoài ra, các dấu hiệu bất thường ở cổ cũng cảnh báo nhiều bệnh ung thư khác về gan, thận, dạ dày… Đương nhiên, cảm giác đau buốt hay nổi hạch, khối u ở cổ là triệu chứng đặc hiệu nhất khi cơ thể xuất hiện các khối u, nhưng cũng có nhiều dấu hiệu khác kém rõ ràng hơn và rất dễ bị bỏ qua” - ông nói.
Trong đó, bác sĩ Yang liệt kê ra 4 bất thường ở cổ đang cố cảnh báo bệnh ung thư nhưng dễ bị nhầm lẫn, bỏ qua nhất, đó là:
1. Mọc mụn lạ ở cổ
"Nếu bạn phát hiện có mụn dưới cổ thì nên chú ý đến nó nhiều hơn và tốt nhất là nhờ đến sự hỗ trợ của chuyên gia y tế. Bởi thông thường thì da ở vùng cổ rất mịn, không có mụn bọc hay mụn mủ. Nếu phát hiện cổ bỗng nổi nhiều mụn thì có thể là tế bào ung thư đang hình thành, có thể liên quan tới ung thư vùng cổ hoặc ở các cơ quan khác, nhất là gan hay thận, dạ dày" - bác sĩ Yang cảnh báo.
Ít người biết rằng mọc mụn bất thường ở cổ cũng có thể là dấu hiệu ung thư (Ảnh minh họa)
Lý do là trong quá trình phát triển, những tế bào này sẽ tấn công hệ thống miễn dịch, gây ra một số triệu chứng ở cổ - nơi tập trung nhiều tế bào bạch huyết. Dẫn tới nổi mụn hoặc thực chất là sưng các hạch nhỏ bị hiểu lầm là mụn cứng.
Còn nếu các mụn này có màu đỏ, kích thước lớn hơn mụn trứng cá kèm theo cảm giác ngứa hoặc đau thì tuyệt đối đừng tự nặn và luôn cố gắng giữ vệ sinh sạch sẽ. Nếu mụn có mủ hoặc chảy nước màu vàng kèm cảm giác khó nuốt, cứng cổ thì rất có thể bạn đã mắc bệnh ung thư tuyến giáp, ung thư thực quản hoặc ung thư hạch bạch huyết.
2. Ho kèm khó thở, khàn giọng kéo dài
Cùng lúc bị khó thở, khàn giọng và ho trong thời gian dài là triệu chứng đặc hiệu của bệnh ung thư thanh quản. Bác sĩ Yang nhắc nhở: "Nếu bạn bị khàn giọng, lạc tiếng hay mất giọng kéo dài hơn 21 ngày, nhất là những người ở trên 40 tuổi thì nên đi thăm khám càng sớm càng tốt kẻo hậu quả khó lường". Ho là triệu chứng chung của khá nhiều bệnh như viêm họng, viêm phổi... nhưng riêng với ung thư thanh quản hoặc ung thư vòm họng, bệnh nhân sẽ bị ho từng cơn co thắt, ho kéo dài, uống thuốc cũng không khỏi.
Còn khó thở sẽ xuất hiện cùng lúc với khàn giọng, bởi vì khi khối u ngày càng lớn thì càng dễ chèn ép thanh quản, khí quản. Bệnh càng nặng tình trạng khó thở càng trầm trọng, nhất là vào ban đêm và sáng sớm.
3. Cảm giác có dị vật trong cổ họng, khó nuốt
Theo bác sĩ Yang, khó nuốt một cách khó hiểu, nghiêm trọng hoặc kéo dài là triệu chứng phổ biến của ung thư không kém gì nổi u, hạch hay sưng đau vùng cổ. Tuy nhiên, trên thực tế dấu hiệu này rất dễ bị ngó lơ do giai đoạn đầu không gây ra cảm giác quá khó chịu, không cản trở sinh hoạt. Đến khi khó nuốt trở nên rõ ràng, đau đớn thì tức là bệnh đã nặng. Chưa kể, nhiều người thường đánh đồng triệu chứng này với bệnh vặt như đau họng, cảm lạnh… và tự điều trị bằng thuốc khiến tình hình càng tệ thêm.
Trong khi đó, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) đã nhấn mạnh rằng: khó nuốt, cảm giác có dị vật trong cổ họng là triệu chứng đặc hiệu, gặp ở hầu hết bệnh nhân ung thư thực quản, ung thư tuyến giáp. Triệu chứng này sẽ có mức độ khác nhau tùy vào từng giai đoạn của bệnh. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cảnh báo thêm rằng đây có thể là dấu hiệu của bệnh về phổi như viêm phổi, ung thư phổi hoặc bệnh dạ dày.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh vẫn có thể nhai, nuốt thức ăn qua thực quản một cách nhẹ nhàng và chỉ có cảm giác vướng, đau khi nuốt. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng hơn thì ngay cả thức ăn dạng lỏng cũng không thể đi qua thực quản để xuống dạ dày, người bệnh sẽ không ăn uống được và nôn liên tục. Thậm chí nuốt nước bọt cũng cảm thấy đau và khó thực hiện.
4. Cổ tăng kích thước nhưng không đau, da tối màu hơn
Khi đột nhiên cổ tăng kích thước, nhiều người thường cho rằng mình bị tích nước hoặc tăng cân. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của khối u dù không gây đau hay ngứa, tốt nhất là nên đi khám, nhất là nếu chỉ mỗi vùng cổ to lên.
Tương tự, da vùng cổ ngày càng sẫm màu hơn so với các vùng khác không rõ lý do thì bạn cũng nên cẩn trọng với các bệnh ung thư. Lúc này các tế bào ung thư có thể đã bắt đầu phát triển ở giai đoạn nặng, dẫn đến cơ thể bị nhiễm độc, đặc biệt là vùng da cổ. Phổ biến nhất là bệnh ung thư gan, ung thư thận, ung thư tụy, ung thư dạ dày... Hoặc bản thân các khối u vùng cổ như ung thư thanh quản, ung thư tuyến giáp tác động đến sắc tố da như 1 triệu chứng, dù không quá phổ biến.
Vùng da ở cổ đột nhiên tối màu, xuất hiện gai đen có thể là do ung thư hoặc nhiều bệnh lý khác (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, bác sĩ Yang cũng nhắc nhở rằng bệnh gai đen hay chúng ta thường gọi là “cổ đen” cũng khiến da cổ có màu bất thường. Nó thường xảy ra ở các bệnh nhân béo phì hoặc tiểu đường. Để tìm ra nguyên nhân chính xác và điều trị kịp thời, hãy tìm tới các cơ sở y tế uy tín càng sớm càng tốt.
Nguồn: HK01, Family Doctor, Aboluowang