36 người cứu nạn nhân bị HIV vụ tai nạn xe khách ở KonTum đều có kết quả âm tính

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Những người tham gia cấp cứu người bị tai nạn giao thông hôm 30/6/2017 gồm các y, bác sĩ công tác tại Trung tâm Y tế H.Đắk Hà (Kon Tum) và người dân đều bị phơi nhiễm HIV.

Mới đây, ngày 13/10/2017 Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum đã có báo cáo chính thức về kết quả xét nghiệm cho những người bị phơi nhiễm sau 3 lần xét nghiệm: xét nghiệm HIV trước 72 giờ, xét nghiệm HIV sau 1 tháng và xét nghiệm HIV sau 3 tháng đối với những cá nhân trên.

Theo báo cáo, trong số 36 người thì có 35 người đều có kết quả âm tính với HIV sau cả ba lần xét nghiệm. Một trường hợp còn lại thì 2 lần đầu xét nghiệm có kết quả âm tính với HIV và người này từ chối không xét nghiệm HIV lần 3. 

36 người cứu nạn nhân bị HIV vụ tai nạn xe khách ở KonTum đều có kết quả âm tính - Ảnh 1.

Vụ tai nạn xảy ra hôm 30/6/2017 khiến 1 người tử vong 10 người bị thương

Như vậy, đây là một tin vui cho tất cả những người phơi nhiễm HIV trong khi tham gia cấp cứu vụ tai nạn xe khách xảy ra cách đây gần 4 tháng tại Kon Tum. Đến thời điểm này những người phơi nhiễm với HIV trong vụ cấp cứu tai nạn xe khách đã có thể yên tâm về tình trạng phơi nhiễm của mình.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo người bị phơi nhiễm vẫn cần thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người khác. Sau 6 tháng xét nghiệm HIV mà cho kết quả âm tính, người bị phơi nhiễm HIV có thể hoàn toàn chắc chắn rằng không bị lây nhiễm HIV. 

Nhà chức trách cho rằng qua sự kiện trên có thể rút ra một số các bài học kinh nghiệm sau. 

- Có sự phối hợp chỉ đạo kịp thời của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Sở Y tế Kon Tum cùng sự chủ động, tích cực trong công tác truyền thông, tư vấn, xét nghiệm và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum. 

- Công tác truyền thông, tư vấn nhằm trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để phòng, tránh phơi nhiễm HIV và tránh những hoang mang cho người dân là rất cần thiết. 

- Phơi nhiễm với HIV của những người đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) có nguy cơ lây nhiễm HIV rất thấp. Nhiều báo cáo khoa học cũng đã chỉ ra, người nhiễm HIV được điều trị ARV từ sáu tháng trở lên thì nồng độ vi-rút HIV trong máu ở mức rất thấp (dưới ngưỡng ức chế), ít có khả năng lây truyền sang người khác. 

- Việc phối hợp giữa người phơi nhiễm HIV với các cơ sở y tế trong việc tư vấn, xét nghiệm và tuân thủ điều trị là hết sức cần thiết. Người bị phơi nhiễm HIV cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được đánh giá về tình trạng nhiễm HIV và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm trường hợp cần thiết càng sớm càng tốt, trong vòng 72 giờ đầu sau phơi nhiễm HIV. 

- Thuốc ARV điều trị HIV là an toàn với người sử dụng và có rất ít tác dụng phụ. Tuy vậy, một số người mới uống có thể có cảm giác mệt mỏi, xong triệu chứng này sẽ qua nhanh. Vì thế, người bị phơi nhiễm không nên ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ; trong trường hợp có các tác dụng phụ nặng cần đến ngay các cơ sở y tế và có thể đổi phác đồ điều trị. Ðiều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV kéo dài liên tục trong 28 ngày.

36 người cứu nạn nhân bị HIV vụ tai nạn xe khách ở KonTum đều có kết quả âm tính - Ảnh 2.

Một nạn nhân được cho là có HIV

Trước đó, trưa 30/6, xảy ra vụ tai nạn xảy ra giữa xe ôtô khách biển kiểm soát 82B-002.45 lưu thông theo hướng Đà Nẵng-Kon Tum và xe ôtô khách biển kiểm soát 82B-002.23 lưu thông theo hướng ngược lại, khiến 1 người chết, hơn 10 người bị thương.

Trong vụ tai nạn này, người bị tử vong được cho là có HIV nhưng những người tham gia cứu nạn đã không đề phòng trước, đến khi cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường có kết quả thì những người trên đã được kịp thời làm các bước phòng người lây nhiễm.

Chia sẻ