30 năm cõng chữ lên non, năm nay lần đầu cô giáo được học sinh tặng quà Tết, mấy túi gạo nếp mà thấy rưng rưng
Quà Tết chẳng có gì nhiều, chỉ là những túi gạo nếp nhưng chứa đầy tình yêu thương của học trò đối với cô.
Cái nghiệp giáo viên ngoài mong muốn chở từng con chữ đến với học sinh, mong chúng lớn khôn, nhân cách tốt thì cũng chẳng mong gì nhiều hơn. Ở thành phố, học sinh cứ đến dịp lễ Tết sẽ đến chúc mừng cô giáo bằng những món quà nhỏ nhưng với các giáo viên vùng quê, vùng núi thì thường rất ít.
Những ngày cuối năm này, có một mẩu chuyện nhỏ về một bà giáo già trên vùng núi Hòa Bình đã làm ấm lòng cư dân mạng. Chuyện được kể lại bởi con gái của cô giáo đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt khiến ai nấy đều cảm thấy như những ngày cuối cùng của một năm mới như ấm hơn và tình cảm hơn.
Những dòng chữ viết về người mẹ giáo viên vùng cao khiến ai nấy đều cảm động.
"Mẹ mình là giáo viên dạy cấp 1 trên vùng núi cao ở Hoà Bình và đây là quà Tết của học sinh trường mẹ.
Đi dạy ở vùng cao cũng 28 năm rồi mà năm nay là năm đầu tiên được học sinh nó tặng quà Tết.
Mình không hiểu các thầy cô dạy ở thành phố khi nhận được những món quà Tết đắt tiền đẹp đẽ hơn sẽ có cảm giác thế nào, chứ mẹ mình khi nhận được những túi gạo nếp này thì mừng lắm vì trong gần 30 năm đi dạy học lần đầu được bọn nhỏ nó tặng quà. Hôm trước vừa nấu cơm cho bọn nhỏ nó ăn Tết thì hôm sau mỗi đứa một túi mang biếu cô.
Đầu năm học vừa rồi mẹ mình có chuyển vào 1 chi xa hơn, mấy đứa trời lạnh chỉ mặc độc một cái áo và đi dép chứ làm gì có đủ áo ấm với tất mà đi. Giữa giờ ra chơi thì đốt một đống lửa rồi cả thầy cả trò cùng sưởi, mẹ mình có gửi ảnh cho mình xem, nhìn thương lắm nhưng mà vui... Mà cũng còn nhiều chuyện lắm nhưng mục đích hôm nay là mình khoe là mẹ mình được tặng quà Tết thế thôi.
Con chúc mẹ một năm mới luôn cười tươi như lúc mẹ mang chỗ quà này về, gần 30 năm qua mẹ cõng chữ lên núi đã quá vất vả rồi, con cảm ơn mẹ. Trường mẹ mình là chi phụ cả trường có 48 học sinh và 4 giáo viên, mẹ mình còn dạy cả lớp ghép luôn (cấp 1 có 5 lớp)".
Ngày Tết học sinh chẳng có gì nhiều, chỉ là những túi gạo nếp như chứa đựng cả tấm lòng mà thôi.
Hẳn là một cô giáo vùng cao quanh năm mang cái chữ cho những người nghèo trên bản. Ti vi sách báo ngày nay cũng có nhiều hình ảnh ở những nơi đó rồi nên chắc cũng không cần phải miêu tả nhiều thì chắc ai cũng có thể hình dung ra cảnh thầy trò trên đó học tập sinh hoạt khó khăn đến mức nào. Nhất là lúc tiết trời lạnh buốt như thế này, nhìn các em co ro môi tím tái mà trên người chẳng có lấy tấm áo ấm trông mới thật đáng thương làm sao.
Còn các thầy cô giáo, nhiều người trong số họ hoàn toàn có đủ khả năng để về đồng bằng hoặc về thành phố dạy học nhưng trong cái tâm của họ không hề muốn. Ngược lại, họ chỉ muốn gắn bó với những nơi nghèo khó đó để cùng người dân, các em học sinh nơi đó vươn lên, trưởng thành không thất học. Những tấm gương như vậy quả thật mới đáng quý làm sao.
Người giáo viên trong câu chuyện này đã có gần 30 năm cõng con chữ lên non cao. Từng ấy năm vất vả có lẽ còn có cả những năm thanh xuân tươi đẹp nữa. Nhưng mọi người ạ, đó cũng chính là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đấy, vì cô được làm nghề mình thích và giúp đỡ được cho nhiều lứa học sinh trưởng thành biết cái chữ, có cơ hội có một tương lai tươi sáng hơn.
Giáo viên vùng cao là những người phải chịu nhiều thiệt thòi. (Ảnh minh họa).
Sau khi đọc câu chuyện này, tài khoản Võ Thị Trâm Anh đã viết ra những dòng rất cảm động: "Mình nghĩ trong cái đống quà đó có khi mẹ của mấy đứa nhóc phải mót tới lon gạo cuối cùng hay gần cạn đáy thùng gạo. Nhưng chủ yếu là tấm lòng. Mẹ bạn hạnh phúc nhất rồi đấy".
Như đồng cảm với người con gái kể chuyện, bạn Nguyễn Hải Chi bình luận: "Mẹ mình dạy bổ túc xoá mù chữ cho mấy bản trong tít sâu. Hồi bé nửa đêm nửa hôm 2 bố mẹ toàn phải đèo nhau đi dạy học. Xong Tết nhất mấy đứa nhỏ biếu mẹ toàn gà với gạo. Lắm lúc đến mùa gì cũng mang lên cho cô chuối khoai sắn ngô có đủ".
Những dòng bình luận cảm động của cư dân mạng.
Bạn Vân Trần cũng có mẹ như thế thì cho biết: "Mẹ mình trước cũng là giáo viên vùng sâu vùng xa, bọn trẻ quậy nhưng thông minh lắm, thằng nào càng quậy càng học giỏi toán. Mùa cọ bọn nó cho mẹ mình cọ, mùa cốm cho mẹ cốm, có năm Tết nhà học sinh làm rèn bố nó còn cho mẹ mình 1 con dao rồi bảo nó là tặng cô để Tết cô chặt thịt gà. Học sinh tuy không có điều kiện nhưg quý cô giáo kinh khủng".
Jun Phan thì kể lại chính trải nghiệm khi làm giáo viên vùng cao của mình rằng: "Mình thì được 2 cái cuộn lá dong thôi 1 cuộn 36 lá, 1 cuộn 20 lá cũng gói được 14 cái bánh. Nhưng mình vẫn mang về, về ai cũng hỏi sao lại lấy lá bánh ít thế, bảo học sinh cho nên cầm về. Mình đi đụoc tầm 10km mới nhớ là để quên ở lớp nhưng vẫn quay lại lấy vì không nỡ bỏ món quà Tết của học sinh".
(Ảnh minh họa).
Các cô giáo vùng cao có thể nghèo về vật chất nhưng chắc chắn tinh thần thì luôn luôn đủ đầy. Họ có sự biết ơn của các lứa học sinh, và hơn hết là sự tự hào của con cái họ, những người ngày ngày nhìn họ chở chữ lên non cao tuy nhọc nhằn nhưng lại đầy yêu thương.