3 vấn đề pháp lý vụ chàng trai cùng lúc đính hôn hai cô gái ở Quảng Nam

Anh Vũ ,
Chia sẻ

Cộng đồng mạng chia sẻ câu chuyện chàng trai ở Quảng Nam làm 2 lễ đính hôn chỉ trong 3 tuần.

Theo nội dung đăng tải, anh N. (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nhận được tin bạn gái cũ và mới đều mang bầu cùng thời điểm. Sau đó, anh N. đưa chị D. (bạn gái mới) về nhà chung sống và hứa sẽ chọn thời điểm thích hợp tổ chức lễ cưới.

3 vấn đề pháp lý vụ chàng trai cùng lúc đính hôn hai cô gái ở Quảng Nam- Ảnh 1.

Hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội.

Tuy nhiên lúc này, anh N. tại tiếp tục tổ chức lễ đính hôn với chị L. (bạn gái cũ). Câu chuyện sau đó được chị D. đăng tải trên mạng xã hội do bức xúc.

Đến nay, thị xã Điện Bàn xác định chị D. sống ở phường Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) còn gia đình anh N. sống tại phường Điện An (thị xã Điện Bàn).

Theo luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự, câu chuyện trên liên quan đến nhiều khía cạnh pháp luật, bao gồm Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Bộ luật Dân sự 2015, vi phạm hành chính liên quan đến xâm phạm quyền riêng tư.

Theo điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, pháp luật nghiêm cấm hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với nhiều người cùng lúc, nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Trong vụ việc trên, theo xác minh từ UBND phường Điện An, anh N. chưa thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn với bất kỳ ai. Theo quy định của pháp luật, việc chung sống như vợ chồng khi chưa đăng ký kết hôn không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Như vậy, việc tổ chức đính hôn với hai người phụ nữ mà chưa đăng ký kết hôn không vi phạm pháp luật, vì pháp luật không công nhận mối quan hệ hôn nhân khi chưa có đăng ký kết hôn.

Dù vậy, việc chung sống cùng lúc với hai người phụ nữ như vậy lại trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và có thể gây ra nhiều hệ lụy về mặt tâm lý, xã hội cũng như trách nhiệm pháp lý liên quan đến con cái.

Bên cạnh đó, theo điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, dù cha mẹ có đăng ký kết hôn hay không, họ vẫn có trách nhiệm cấp dưỡng cho con cái. Điều này đồng nghĩa với việc anh N. phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chung với cả chị D. và chị L., ngay cả khi không kết hôn với họ.

Nếu anh N. trốn tránh trách nhiệm cấp dưỡng, chị D. hoặc chị L. có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu buộc anh N. phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong vụ việc này, chị D. đã đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của anh N., chị L. và gia đình lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý. Hành vi này có thể vi phạm quyền riêng tư theo quy định của pháp luật.

Theo điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác mà không có sự đồng ý (trừ một số trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định) có thể bị coi là vi phạm pháp luật.

Nếu hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại tài chính, chị D. có thể bị kiện đòi bồi thường theo điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.

Nếu việc đăng tải thông tin lên mạng gây hậu quả nghiêm trọng, chị D. có thể bị xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng theo điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ( sửa đổi bởi khoản 37 điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP).

Vụ việc của anh N. phản ánh mối quan hệ chặt chẽ giữa pháp luật, đạo đức xã hội và trách nhiệm cá nhân. Dù pháp luật không cấm việc đính hôn với nhiều người nếu chưa đăng ký kết hôn, nhưng hành vi này vẫn đi ngược với chuẩn mực đạo đức và có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về tình cảm, gia đình và xã hội.

Chia sẻ