3 kỹ năng sống còn trong giai đoạn khó khăn mà trường lớp hay gia đình chưa chắc đã dạy bạn
Trong thời kỳ khó khăn, chúng ta càng phải học hỏi để cuộc sống và sự nghiệp vững chắc hơn.
Chia sẻ của chuyên gia sáng tạo Barry Davret*
Khi 27 tuổi, tôi tham gia cuộc thi chạy marathon đầu tiên trong đời. Trước đó, tôi đã luyện tập trong 9 tháng, thử chinh phục đường chạy dưới 4 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, tôi gục ngã trước khi đạt mục tiêu chỉ 55 giây.
Tôi chán nản và quyết định từ bỏ, không có marathon gì hết nữa.
55 giây ngắn ngủi đó là nỗi thất vọng cùng cực, ăn sâu vào tâm trí tôi.
Rất lâu sau đó, tôi vẫn giấu nỗi thật vọng này trong lòng, sâu trong thâm tâm, tôi vẫn ngầm đổ lỗi cho hoàn cảnh. Vài năm sau tôi mới có dũng khí chạy lại, thật bất ngờ khi tôi có thể phá vỡ mục tiêu mình đặt ra, trong 10 năm tiếp theo, tôi có thể làm điều đó không chút khó khăn.
Ít ai biết rằng, xử lý nỗi thất vọng của bản thân theo hướng tích cực cũng là một kỹ năng quan trọng. Và hầu như chẳng có trường lớp hay gia đình nào nói với lũ trẻ về điều này. Đó là 1 trong 3 kỹ năng sống còn trong thời kỳ khó khăn, bất cứ ai cũng nên trau dồi.
Làm thế nào để đối mặt và xử lý nỗi thất vọng của bản thân
Ồ, sẽ thật đau đớn khi bạn đã nỗ lực, chăm chỉ mà vẫn không đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, sự thất vọng ập đến mỗi ngày, chỉ khác nhau về mức độ. Và nếu không thẳng thắn nhìn nhận hay đối mặt với nó, chúng ta sẽ phí hoài thời gian để tự trách móc bản thân.
Bạn cần biết rằng, sau mỗi bước lùi đều là cơ hội. Để có đủ sáng suốt nhằm nhận ra điều đó, hãy làm 3 bước sau:
1. Giai đoạn "không làm gì cả"
Một người cố vấn (mentor) từng nói với tôi rằng: Trong 24 - 72 tiếng đầu tiên sau thất bại, đừng chỉ trích bản thân hay đổ lỗi cho ngoại cảnh. Quãng nghỉ này phụ thuộc vào sự tổn thương trong con người bạn. Tóm lại, đây là khoảng thời gian thể xác và tinh thần cần được nghỉ ngơi, đừng ra quyết định
2. Xem xét để thay đổi
Khi nhận thấy nỗi đau về mặt cảm xúc nguôi đi, hãy nghiêm túc nhìn lại bản thân còn thiếu điều kiện gì để đạt mục tiêu. Hỏi bản thân xem bạn còn muốn đạt được điều đó không? Còn cách nào khác không?
Hồi trẻ, lúc gục ngã trên đường chạy marathon, tôi quyết định nhờ cậy một nhóm vận động viên chuyên nghiệp hướng dẫn lại cách tập luyện. Đó là một trong những cách giúp tôi chiến thắng chính mình.
Khi đánh giá đúng căn nguyên gây ra thất bại, bạn sẽ nhận ra con đường phía trước đỡ chông gai đi nhiều.
3. Hành động
Khi đã sẵn sàng làm lại, đừng vội vàng, hãy làm mọi thứ thật tuần tự và chắc chắn. Cách nhanh nhất để vượt qua nỗi thất vọng là lên kế hoạch vững chắc, hoàn thành từng mục tiêu nhỏ để chinh phục thứ lớn hơn.
Cách vượt qua sự choáng ngợp và lấn át từ ngoại cảnh
Một trong những lời kêu ca tôi hay nghe thấy nhất, chính là "tôi bị ngợp". Ai cũng trải qua điều này, đặc biệt khi cả thế giới dường như đang đặt ra quá nhiều yêu cầu hay kỳ vọng đối với bạn. Làm được thì không sao nhưng sự thất bại đôi khi thật ám ảnh.
1. Tạm dừng đúng lúc
Hít một hơi thật sâu, lấy giấy và bút, viết ra tất cả nghĩa vụ của bạn - đối với bản thân và những người xung quanh. Với mỗi trường hợp, hãy hỏi bản thân: "Nếu tôi không làm điều đó, chuyện tồi tệ nhất sẽ xảy ra là gì?"
Đó, giờ thì bạn biết thứ gì cần làm trước, thứ gì cần ưu tiên rồi đúng không?
2. Dành thời gian cho bản thân
Vài năm trước, tôi quyết định dành riêng cho tâm trí 30 phút mỗi ngày. Trong khoảng thời gian đó, tôi "ngắt" kết nối với cả thế giới, đi dạo nhẹ nhàng mà không mảy may suy nghĩ hay toan tính gì trong đầu.
Nghe có phần sáo rỗng nhưng tin tôi đi, 30 phút mỗi ngày là thời gian cần thiết để tâm hồn của bạn được hồi phục và rời xa sự rối bời.
Bị từ chối, giải quyết thế nào?
Hầu hết chúng ta coi việc bị từ chối là một trong những nỗi thất bại có phần đáng sợ.
Chính vì thế, nhiều lúc ta cố tình thoái thác để bản thân không bị rơi vào thế khó. Tuy nhiên, vì thế mà bạn mất đi vô số cơ hội.
Khi làm nghề sales hồi còn thanh niên, tôi đã mất 3 tháng liền không làm nên trò trống gì, ai cũng lắc đầu từ chối. Tôi sợ hãi đến mức không dám sờ vào điện thoại.
Có lẽ ai cũng từng trải qua nỗi sợ hãi này, nhất là khi bạn muốn liên lạc hay nhờ cậy ai đó. Thường là những lý do sau:
- Tôi chưa sẵn sàng
- Tôi cần nhiều thời gian hơn
- "Để mai tính"
Dù bạn có chạy trốn hay trì hoãn như thế nào, nỗi sợ bị chối từ vẫn còn đó. Tuy nhiên, ai cũng có thể học cách vượt qua.
1. Xác định tình huống xấu nhất có thể xảy ra: Nó có khiến tôi tổn thương hay xấu hổ không? Có đáng để làm như vậy không?
2. Đặt mình vào bối cảnh của 20 năm sau: Liệu bạn của 20 năm sau có mãi buồn tủi vì bị từ chối, hay đó chỉ là nút thắt để bạn phát triển bản thân?
3. Kết quả tích cực nếu bạn nỗ lực thực hiện là gì? Nếu kết quả thực sự xứng đáng để bạn vượt qua nỗi sợ hãi, hãy đeo đuổi nó đến cùng.
Một người không sợ thất vọng, không sợ choáng ngợp cũng không sợ bị chối từ, thử hỏi còn điều gì có thể làm khó bạn trên đời này? Nỗ lực lên nào!