3 kiểu mẹ khó nuôi dạy được những đứa con biết ơn, bạn có nằm trong số đó không?
Sự hiếu thảo của con cái trong tương lai gắn liền lời nói và hành động của bố mẹ.
Có một điều chắc chắn, một đứa trẻ tài giỏi chưa chắc đã là đứa con có hiếu và được người đời nể trọng. Nhưng một đứa con có hiếu thì đường đời của nó sẽ hanh thông và được người người yêu quý.
Nhiều bà mẹ thắc mắc tại sao họ cho con mọi thứ nhưng con lại không biết ơn? Vì sự nuông chiều vô nguyên tắc nên con cho rằng việc đòi hỏi "là đương nhiên"; vì hy sinh quá mức; vì chính cha mẹ cũng không có lòng thấu cảm hay hiếu thảo...
Sự hiếu thảo của con cái trong tương lai gắn liền lời nói và hành động của bố mẹ từ bây giờ. Nếu suốt ngày làm ba điều này thì đừng mong con có hiếu.
1. Cưng chiều bằng vật chất hơn là tình yêu
Ngày nay có rất nhiều các bậc cha mẹ nai lưng ra làm việc, từ việc cơ quan đến việc nhà, để cho con hưởng cuộc sống vật chất đầy đủ, không cho con đụng tay vào việc nhà, đứa trẻ chỉ phải học và chơi. Bạn làm vậy là đang tước đi cơ hội làm việc báo hiếu của đứa trẻ và dung dưỡng đứa trẻ ngày càng trở nên vô tâm. Việc làm của bạn vô tình khiến con cảm thấy tình yêu và vật chất cha mẹ cho là hiển nhiên và sự hy sinh của cha mẹ là hợp lý.
Thực ra thứ một đứa trẻ cần nhất là tình yêu. Chính nó tác động mạnh mẽ đến tâm hồn, nuôi dưỡng tình yêu thương trong đứa trẻ, giúp tình yêu với đấng sinh thành lớn dần theo thời gian.
Chưa kể, một đứa trẻ lớn lên như vậy không thể nhìn thấy sự cống hiến của cha mẹ, nó sẽ không biết ơn chứ đừng nói đến việc báo hiếu. Nếu một ngày nào đó, cha mẹ không thể cho thứ mình muốn nữa, trẻ có thể nổi loạn. Chỉ khi có những ước muốn chưa được thực hiện thì trẻ mới trân trọng những ước muốn đã thành hiện thực.
2. Đối xử tệ với bản thân còn con lại không thiếu thứ gì
Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều bà mẹ sẵn sàng bỏ tiền ra để lo cho con không thua bè kém bạn. Đây là tâm lý bình thường, thể hiện sự hy sinh của người mẹ. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn dành hết tất cả cho con mà khắt khe với bản thân mình, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc.
Câu nói "Mẹ không thích ăn, con ăn đi" chứa đựng vô số tình thương của mẹ dành cho con, nhưng đừng quên rằng mẹ càng vị tha thì con càng ích kỷ. Sự hy sinh mù quáng không phải là tình yêu khôn ngoan nhất.
Nhà tâm lý học Becky Kennedy, cho rằng quan tâm đến nhu cầu của bản thân là cách bạn thể hiện vai trò trụ cột vững chắc cho gia đình. "Quan tâm đến nhu cầu của bản thân là cũng cách bạn chăm sóc con mình". Chúng ta nên hiểu mình đang truyền đến con thông điệp sai lầm khi bỏ bê hết nhu cầu bản thân. Dành thời gian cho bản thân, yêu thương mình nhiều hơn để hạnh phúc.
3. Không cho con cơ hội "cho đi"
Nếu bạn muốn con mình học cách biết ơn, hãy cho chúng nhiều cơ hội hơn để cho đi, làm gương tốt nhất cho chúng.
Nếu bạn nhìn thấy một cụ già bị ngã, hãy nhanh chóng chạy đến giúp đỡ họ. Thấy một đứa nhỏ lang thang trong đêm muộn, hỏi nó xem tại sao còn ở ngoài đường giờ này. Nếu bạn đối xử tốt với ông bà, cha mẹ của mình... thì con bạn cũng sẽ nhìn vào tấm gương của cha mẹ và trở thành một người như thế.
Cha mẹ là người thầy tốt nhất của con cái, và nếu muốn con mình trở thành những gì chúng ta muốn chúng trở thành, thì trước tiên chúng ta phải như vậy.
Nhà giáo dục người Ukraine, Vasyl Oleksandrovych Sukhomlynsky, từng nói: "Một thời điểm nào đó, khi bạn nhìn vào con, bạn sẽ nhìn thấy chính mình. Khi bạn giáo dục con cũng là bạn giáo dục chính mình và kiểm tra nhân cách của chính mình".
Các bậc phụ huynh nên hướng dẫn trẻ cách biết kính trên nhường dưới, biết quan tâm đến mọi người đặc biệt là ông bà, cha mẹ, anh chị em, người thân, bè bạn... Khuyến khích con quan tâm hỏi han chăm sóc các thành viên trong gia đình hàng ngày, khi người thân đau ốm bệnh hoạn cần cư xử như thế nào từ những việc đơn giản nhất. Dạy trẻ biết hỏi thăm, an ủi động viên, thăm nom... khi có người thân cần sự giúp đỡ.