3 kiểu chế biến rau củ giúp hấp thụ dinh dưỡng trọn vẹn để giảm béo và phòng bệnh tốt hơn
Ăn rau đã tốt, nhưng sẽ còn tốt hơn nếu bạn chế biến chúng theo 3 cách này.
Rau củ là nguồn cung cấp chất xơ quan trọng, giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và duy trì sự cân bằng đường huyết. Chúng cũng cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, bao gồm vitamin C, vitamin K, beta-carotene, kali và folate…
Thêm vào đó, việc ăn rau có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường và một số loại ung thư. Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa trong rau có thể ngăn chặn sự tổn thương của tế bào do các gốc tự do, giúp ngăn ngừa sự lão hóa và duy trì làn da khỏe mạnh.
Việc thêm rau vào những ngày đầu năm rất quan trọng, vừa giúp cân bằng dinh dưỡng và hỗ trợ cơ thể giảm hấp thu chất béo, cũng như phòng ngừa nhiều loại bệnh nguy hiểm. Thế nhưng, nhiều gia đình do quá bận rộn hoặc vô ý nên thường chế biến rau sai cách, khiến chúng mất toàn bộ dinh dưỡng và giảm hương vị.
Theo các chuyên gia, khi chế biến rau tuyệt đối không được để lửa quá lớn, vì nhiệt độ cao sẽ làm toàn bộ vitamin và dưỡng chất bị đốt cháy hoàn toàn. Thế nên, chị em cần thay đổi và biết những cách chế biến rau tốt cho sức khỏe, vừa giữ toàn vẹn hương vị cũng như dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể:
3 kiểu chế biến rau củ giúp hấp thụ dinh dưỡng trọn vẹn để giảm béo và phòng bệnh
1. Hấp rau
Hình thức hấp giữ lại hầu hết các dưỡng chất quý giá trong thực phẩm, giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng của chúng một cách hiệu quả hơn. Một trong những lợi ích chính là việc giữ nguyên hương vị, màu sắc tự nhiên của rau, tạo ra một mâm cơm ngon miệng và bắt mắt hơn.
Khi hấp, nhiệt độ cao và hơi nước từ quá trình hấp sẽ làm mềm rau tự nhiên, giúp cải thiện tiêu hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Các phản ứng nhiệt động học trong quá trình hấp cũng làm giảm sự xuất hiện của một số chất gây hại trong rau, như độc tố cyanide trong một số loại rau củ.
Thêm vào đó, hấp rau cũng giữ nguyên chất lượng rau tốt hơn so với các phương pháp nấu khác như xào hay chiên. Hình thức chế biến này sẽ làm giảm sự thất thoát dưỡng chất, giữ cho rau không bị mất màu sắc hoặc mất độ giòn. Nhờ vậy đảm bảo cơ thể nhận được dưỡng chất đầy đủ từ rau củ.
Ngoài ra, việc hấp rau cũng giúp giảm lượng dầu và muối so với các hình thức chế biến khác, làm cho món ăn trở nên an toàn, ít calo hơn. Về lâu dài, nó có thể hỗ trợ trong việc kiểm soát cân nặng và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh. Hãy tập dần thói quen ăn rau hấp ngay từ khi còn trẻ để bảo vệ sức khỏe.
2. Luộc rau
Tương tự như việc hấp, luộc các loại rau cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Quá trình luộc giúp rau giữ được độ tươi mới và đồng thời làm mềm chúng, hỗ trợ việc tiêu hóa dễ dàng hơn. Mặt khác, khi luộc rau, chúng ta không cần sử dụng dầu mỡ hoặc chất béo nhiều như khi nấu xào hoặc chiên. Từ đó giảm lượng calo và chất béo tiêu thụ, giúp giảm cân, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.
Hơn thế nữa, quá trình luộc cũng giúp loại bỏ một phần các chất gây hại trong rau, chẳng hạn như oxalate và acid phytic – các hợp chất gây bệnh gout hoặc hình thành sỏi thận. Đồng thời, nhiệt độ cao trong quá trình luộc cũng tiêu diệt một số vi khuẩn và virus gây bệnh, giúp thực phẩm an toàn hơn với sức khỏe.
Bên cạnh đó, việc luộc rau là một phương pháp nấu ăn đơn giản và nhanh chóng, thích hợp cho những người không có nhiều thời gian hoặc kinh nghiệm nấu nướng. Chỉ cần đun sôi nước và, thả rau vào, sau một vài phút đã có ngay một món ăn giàu dinh dưỡng và hấp dẫn.
3. Xào nhanh
Khác với việc xào rau như thông thường, xào nhanh có nghĩa là bạn để lửa vừa và chỉ xào cho đến khi vừa đủ chín là được. Các chuyên gia khuyến khích bạn nên xào nhanh với một ít dầu ô liu, vừa tốt cho sức khỏe lại làm rau dậy mùi hơn, cũng như bổ sung thêm nhiều vitamin mà cơ thể cần hàng ngày.
Việc xào nhanh cũng hạn chế nhiệt độ cao tác động vào rau, giúp chúng không bị thất thoát vitamin và giữ được độ tươi giòn tự nhiên. Có một số loại rau như rau cải hay cần tây… có thể mất đi độ giòn và dưỡng chất cực nhanh nếu nấu quá lâu. Nhưng nếu xào nhanh, bạn sẽ giữ lại được hương vị.
Theo Indiatimes, UCF