3 biểu hiện của trẻ EQ thấp mà cha mẹ nên biết

Vân Anh,
Chia sẻ

Trong hành trình trưởng thành của con, cha mẹ đóng vai trò hết sức quan trọng.

Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng nhận biết, hiểu, quản lý và thể hiện cảm xúc của chính bạn và người khác. Chỉ số EQ không tự nhiên sinh ra và duy trì cố định theo năm tháng, bởi nó có thể thay đổi theo sự nỗ lực của cá nhân. Cải thiện EQ không phải là một kỹ năng hay chiến lược, nó là thói quen mà bạn nên duy trì hàng ngày.

Nhiều người vẫn luôn thắc mắc: "Tại sao trí tuệ cảm xúc ngày càng được đề cao?".

Trước câu hỏi này, Jeffrey Bernstein - Tiến sĩ, nhà tâm lý học chuyên tư vấn các phương pháp dạy con cái, đồng thời là tác giả của cuốn sách 10 Days To A Less Defiant Child (10 Ngày Giúp Trẻ Ít Bướng Bỉnh) từng đưa ra nhận định: "EQ cao giúp bạn hiểu rõ bản thân mình, hòa đồng với người khác và thực hiện ước mơ tốt hơn. Trí tuệ cảm xúc khiến bạn hạnh phúc, khỏe mạnh và thành công. Trí tuệ cảm xúc giúp bạn tự tin, lôi cuốn, có sức ảnh hưởng và tạo hình ảnh tốt trong mắt người khác. Trí tuệ cảm xúc cũng nâng cao sự sáng tạo, thông minh, có khiếu thẩm mỹ và phong cách hơn".

3 biểu hiện của trẻ EQ thấp mà cha mẹ nên biết - Ảnh 1.

EQ thấp ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc và thành công của mỗi người (Ảnh minh hoạ)

Nói như thế, có thể hiểu được tầm quan trọng của EQ với sự thành công và hạnh phúc của mỗi người. Với cha mẹ có con nhỏ, bạn có thể giúp con cải thiện EQ từ sớm bằng phương pháp giáo dục đúng cách. Mà trong những bước đầu tiên giúp con trở thành người có trí tuệ cảm xúc cao là nhận biết con có phải đứa trẻ EQ thấp hay không.

3 biểu hiện của đứa trẻ EQ thấp

1. Thích phàn nàn

Bất kể trẻ em hay người lớn, điều đầu tiên làm khi gặp khó khăn không phải là giải quyết vấn đề mà là trốn tránh hay liên tục phàn nàn đều là biểu hiện của EQ thấp.

Bạn nên biết rằng với trẻ em, quãng thời gian ấu thơ là cơ hội tốt để con học cách tự lập và tiếp nhận những quan niệm giáo dục tốt. Vì vậy nếu bạn thấy con thường xuyên từ chối tự mình giải quyết vấn đề hoặc nói lời tiêu cực, cha mẹ cần giúp con khắc phục điểm yếu này càng sớm càng tốt. Mặt khác, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có người lớn tâm lý bất ổn, nói lời phàn nàn "như cơm bữa" về áp lực cuộc sống, con cái cũng dần học hỏi tính xấu này. Bởi trẻ nhỏ luôn vô thức lắng nghe và bắt chước điều tiêu cực của cha mẹ.

3 biểu hiện của trẻ EQ thấp mà cha mẹ nên biết - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

2. Dễ mất bình tĩnh và thích bắt bẻ người khác

Khi còn nhỏ, con cái thường xuyên phải chứng kiến cảnh cha mẹ bất hòa thì lúc lớn lên, chúng có xu hướng trở thành người nhạy cảm, dễ gắt gỏng. Dễ dàng đánh mất sự bình tĩnh khi giao tiếp chốn đông người thực chất là biểu hiện của người EQ thấp. Nguyên nhân sâu xa là vì chúng không thể kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân.

Ở trường hợp khác, nhiều đứa trẻ lại được cha mẹ dạy cách bảo vệ bản thân mù quáng, bất kể con đúng hay sai. Theo thời gian, đứa trẻ nảy sinh thói quen không chấp nhận bất kỳ lời phản bác nào từ lời người xung quanh.

Thực tế, cha mẹ cần hiểu rằng loại hành vi này là biểu hiện của việc không biết tôn trọng người khác nhất. Khi lớn lên, con khó được mọi người yêu quý, trao cơ hội tốt, thậm chí là bị xa lánh. Hành vi bảo vệ bản thân mù quáng cần phải được ngăn chặn kịp thời, bằng những bài học đúng đắn của cha mẹ và những người lớn xung quanh con.

3 biểu hiện của trẻ EQ thấp mà cha mẹ nên biết - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

3. Tự ti quá mức

Khiêm tốn là đức tính tốt mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng nên được dạy từ nhỏ. Tuy nhiên, do cách giáo dục sai cách của cha mẹ, con hiểu nhầm giữa khái niệm "khiêm tốn" và "tự ti" quá mức.

Chẳng hạn với đứa trẻ tự ti, khi con nhận được lời khen từ giáo viên, trẻ chỉ vui trong chốc lát. Niềm vui đó nhanh chóng bị đánh mất khi con nghĩ rằng bản thân cần phải nỗ lực gấp bội để tiếp tục được thầy cô công nhận. Đó cũng là lý do khiến nhiều đứa trẻ lo sợ khi bỗng dưng nhận được nhiều lời khen từ những người xung quanh.

Thực tế, việc đánh mất sự tin tưởng vào bản thân sẽ khiến con chịu nhiều đau khổ trong hành trình trưởng thành. Những đứa trẻ tự ti quá mức thường được nuôi dưỡng bởi bố mẹ cũng có tính cách này. Trường hợp khác, đứa trẻ không tin tưởng bản thân là do chúng thường xuyên phải chứng kiến chuyện đau buồn từ nhỏ, hoặc được bố mẹ liên tục nhắc nhở nên "hiểu chuyện" và "giấu kín cảm xúc thật".

Cha mẹ có thể dạy con tìm cách lấy lại sự tự tin từ bên trong bằng việc công nhận tài năng của trẻ, dạy chúng bộc lộ cảm xúc cả tiêu cực và tích cực đúng nơi, đúng thời điểm.

Chia sẻ