3 biểu hiện của người tưởng khờ khạo nhưng là bậc thầy của đại trí: Đỉnh cao của thông tuệ là biết giả hồ đồ
Khi nhìn những biểu hiện này của đối phương bạn sẽ nghĩ họ thua thiệt và yếu kém. Song thực tế đây mới là người làm nên nghiệp lớn.
Cổ ngữ cho câu "Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp" ý chỉ những người tài năng, thông minh nhưng lại thường không bộc lộ sự sắc sảo tinh khôn ra bên ngoài. Người khác nhìn vào tưởng khờ khạo nhưng thực tế họ là người có cái nhìn sâu sắc, hiểu rõ bản chất sự việc.
Những người này họ hiểu được rằng núi cao còn có núi cao hơn, người giỏi ắt có người giỏi hơn. Trong đại dương trí thức, những gì bạn biết chỉ như một giọt nước nhỏ mà thôi. Thay vì tự thoả mãn, tự kiêu ngạo với chút vốn liếng nhỏ của mình, người "đại trí nhược ngu" học cách lắng nghe và tiếp thu thêm nhiều hơn. Chỉ những người duy trì thái độ khiêm tốn, lòng can đảm để tự nhận mình là người ngốc nghếch mới thực sự là kẻ khôn ngoan. Vậy nên đừng nhìn bề ngoài để đánh giá bên ngoài bởi, người “đại trí nhược ngu” thường có 3 biểu hiện sau:
1. Luôn mỉm cười
Mỉm cười là một nghi thức cơ bản trong giao tiếp giữa người với người. Đây cũng là cách bạn thể hiện sự tôn trọng với đối phương. Bên cạnh đó nụ cười cũng cho thấy sự tự tin trong bạn. Người thực sự tự tin đều là người có trí tuệ bởi nếu không họ chẳng thể có tâm thái như vậy được?
Thực tế sự tài giỏi bạn có được không phải là điều sai trái hay cần phải che giấu. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là sử dụng sự thông minh của bản thân đúng lúc, đúng chỗ. Biết giả hồ đồ cũng là biểu hiện của người thông tuệ.
"Đại trí nhược ngu" là kiểu tâm thái xuất phát từ bên trong. Họ thường có những biểu hiện bình thường, hình tượng không có gì quá nổi bật nhưng lại mang phong thái riêng. Vậy nên cổ nhân thường nói những người thường xuyên cười không nhất định là người trí tuệ nhất nhưng người "đại trí nhược ngu" nhất định sẽ hay cười.
2. Không tranh giành đúng sai với người khác
Trên thực tế, mọi sự vật hiện tượng không có kết quả đúng hay sai một cách tuyệt đối. Một người quan tâm đúng sai một cách mù quáng rất dễ bị lạc lối. Bất luận kết quả sẽ như thế nào nhưng sẽ thật vô nghĩa khi bạn tranh giành, chiến đấu với chính những người thân thiết.
Cuộc sống là của chính bạn nên không cần thiết phải tranh giành hay so sánh với bất kỳ ai. Đừng sống cuộc sống của bạn theo con mắt của người khác. Mỗi người nên hành động theo lý trí và cố gắng sống hết mình.
Vậy nên người thông minh luôn biết "đạo trung dung", buông bỏ và nhường nhịn khi cần thiết để cân bằng mọi mối quan hệ xung quanh.
Sự trưởng thành thực sự của một người là trở nên tốt hơn so với quá khứ của chính họ. Lựa chọn cuộc sống đơn giản và hạnh phúc, người "đại trí nhược ngu" sẽ không lãng phí thời gian cho những người hay những việc không xứng đáng, đặc biệt là tranh cãi đúng sai.
3. Chấp nhận chịu thiệt
Khổng Tử từng nói: "Chớ muốn mau, chớ thấy lợi nhỏ. Muốn mau thì không đạt, thấy lợi nhỏ thì việc lớn không thành". Làm việc mà cầu mong chóng thì sẽ không thành công, không đạt được mục tiêu. Người ham muốn lợi nhỏ sẽ khó đạt được sự nghiệp lớn.
Bởi vậy người xưa vẫn thường nói tranh chính là không tranh, không tranh chính là tranh. Trên đường đời, không ngại bước chậm, chỉ sợ bước đi của bạn không thực tế. Bước chậm mà bước chắc, mới có thể càng đi càng xa.
Cuộc sống là một quá trình. Hạnh phúc phải do chính bạn tạo ra mới có thể dài lâu. Những gì bạn tranh giành chưa chắc đã thuộc về bạn, đôi khi còn ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. Bởi vậy mà người "đại trí nhược ngu" luôn biết nhìn xa trông rộng, chấp nhận chịu thiệt những lợi ích nhỏ để đạt được giá trị lớn.
Muốn có thể tiến xa hơn, chúng ta cần phải gạt bỏ tư duy hạn hẹp và cái tính "khôn lỏi". Thời gian sẽ cho mỗi người biết câu trả lời ai là người thông minh. Bạn không nên quá quan tâm đến suy nghĩ của người khác và cũng đừng tốn sức cho những chuyện không có giá trị. Người khôn ngoan sẽ luôn biết dành thời gian để làm những việc thật sự xứng đáng.