3 biến chứng nguy hiểm của cúm A: Cách phòng bệnh cần học thuộc trong lòng bàn tay

NGỌC MINH,
Chia sẻ

Theo chuyên gia, khi thời tiết chuyển mùa, số ca mắc cúm A đang xu hướng gia tăng. Cúm A có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, phù não, thậm chí suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Theo thông tin từ Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108, thời gian gần đây tỷ lệ trẻ tới khám và điều trị cúm A gia tăng. Trẻ đến viện thường ở trong tình trạng sốt cao liên tục không hạ hoặc có biến chứng viêm phổi.

Điển hình là Bé N.T.V (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được chẩn đoán mắc cúm A, có biểu hiện sốt cao liên tục từ 39 - 40 độ trong 3 ngày, buồn nôn, ho nhẹ,... Bệnh nhi được điều trị kịp thời nên các triệu chứng đã thuyên giảm dần.

TS.BS Phạm Thị Thuận, phụ trách Chủ nhiệm khoa Nhi (Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108) cho biết, thời gian gần đây ngày nào khoa cũng tiếp nhận trẻ tới khám và được chẩn đoán mắc cúm A. Trong số đó, chiếm tỷ lệ khoảng 1/10 trẻ phải nhập viện do sốt cao liên tục hoặc viêm phổi.

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus, có khả năng lây nhiễm cao và có tốc độ lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị virus, vi khuẩn tấn công do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.

3 biến chứng nguy hiểm của cúm: Cách phòng bệnh cần học thuộc trong lòng bàn tay - Ảnh 1.

Bác sĩ Thuận đang khám cho bệnh nhi, nguồn ảnh T.L.

Theo TS.BS Phạm Thị Thuận, một số biến chứng có thể xảy ra do bệnh cúm A ở trẻ gồm: suy hô hấp do viêm phổi nặng, viêm não, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong… Những biến chứng do cúm A gây ra nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển sau này của trẻ.

Triệu chứng khi mắc cúm A có thể bị nhầm lẫn với các chủng cúm khác hoặc cảm lạnh. Tuy nhiên, các triệu chứng của cúm A sẽ xuất hiện đột ngột, ví dụ như: đau họng, ho, chảy nước mũi, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau nhức cơ thể,…

Đa phần các trường hợp mắc cúm A có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp diễn biến nặng dẫn tới viêm phổi, viêm não…

Hiện nay, cúm A hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó cha mẹ chăm sóc trẻ tại nhà cần phải lưu ý: Điều trị triệu chứng bằng cách uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt đúng. Nếu thấy trẻ dấu hiệu nặng lên như sốt cao liên tục không hạ được nhiệt độ, mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu, đau đầu, buồn nôn, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện.

Để bảo vệ sức khoẻ cho trẻ và phòng tránh các biến chứng nguy hiểm do cúm A, bác sĩ lưu ý:

- Cha mẹ cần vệ sinh mũi, họng, răng miệng,... cho con hàng ngày;

- Chú ý rửa tay cho trẻ bằng xà phòng có tính diệt khuẩn sau khi đi từ bên ngoài về; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang bị cúm, nếu trong gia đình có người mắc cúm thì cần cách ly ngay.

- Cho trẻ tiêm phòng vắc xin cúm mùa hàng năm theo quy định. Bổ sung cho trẻ đủ chất dinh dưỡng như chất khoáng, vitamin,... giúp tăng đề kháng cho trẻ.

Theo các chuyên gia, ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc phòng bệnh nói chung, trẻ có thể sử dụng ly giải vi khuẩn như một loại vắc xin đường uống. Ly giải vi khuẩn là các mảnh vỡ tế bào vi khuẩn thường gây bệnh hô hấp đã được bất hoạt. Nhờ đó, giúp hỗ trợ kích thích hệ thống miễn dịch đặc hiệu, tạo kháng thể phòng chống các tác nhân có thể gây ra các bệnh về hô hấp, phòng ngừa di chứng của cảm lạnh và cúm.

Chia sẻ