3 bài học cuộc sống từ nhà đầu tư huyền thoại John Templeton
Là đồng môn với nhà đầu tư Warren Buffett trong lớp học của cha đẻ thuyết đầu tư giá trị Benjamin Graham, John Templeton được mọi người biết đến qua biệt danh người “chuyên săn lùng hàng hạ giá toàn cầu.”
John Templeton là một trong những người học trò xuất sắc của Graham và ông đã trở thành tỷ phú bằng việc tiên phong mở quỹ đầu tư mua giá rẻ trên khắp thế giới dựa trên hệ thống cơ bản của người thầy. Ở đâu có thị trường giá xuống thì ở đó có sự xuất hiện của ông.
Điển hình nhất là việc thị trường suy thoái do ảnh hưởng của cuộc Đại khủng hoảng năm 1929. Như những gì người bạn học Buffett đã nói rằng : “Hãy tham lam khi người khác đang sợ hãi” , Templeton đã mua khoảng 100 đô la giá trị mỗi loại cổ phiếu đang giao dịch dưới 1 đô la trên các sàn giao dịch trong khi mọi người thì bán.
Templeton đã mua tổng cộng 104 các loại cổ phiếu rẻ khác nhau. Bốn năm sau, số vốn đã tăng hơn 4 lần và đạt tỷ lệ tăng trưởng đến 41,4% mỗi năm.
Bên cạnh việc mọi người có thể rút ra nhiều bài học từ phương pháp đầu tư kinh điển thì kỹ năng sống và phẩm chất của Templeton cũng rất đáng quý. Chính hoàn cảnh nghèo khó từ bé, lam lũ làm việc để có thể đi học và trang trải ước mơ trở thành sinh viên đã giúp ông trân trọng giá trị của đồng tiền.
Những thói quen xưa kia đã hòa quyện một cách tự nhiên vào sự nghiệp đầu tư của ông. Mặc dù sau này đã trở thành tỷ phú thì ông vẫn bảo tồn những giá trị đã tạo nên con người và nền tảng đầu tư thành công của mình.
Dưới đây là ba bài học cuộc sống quan trọng của John Templeton:
Tiết kiệm
Dù Templeton đã kiếm được khoản tiền đủ để ông sống sung túc về già nhưng bản chất tiết kiệm cố hữu như đặc điểm cơ bản của phương pháp đầu tư giá trị vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ lên ông. Tính tiết kiệm và không hoang phí là một đức tính quan trọng đối với ông.
Templeton thường mặc một chiếc áo jacket biển xanh liên tục trong nhiều năm và chỉ thay đổi khi nó không còn mặc được nữa. Tuy có đủ khả năng tài chính để mua một phi cơ riêng hay đi vé máy bay hạng nhất nhưng ông vẫn thích đi xe máy và khoang hạng thường hơn.
Khi được hỏi thì ông lý giải tính cách này với một người bạn thân rằng: “Tôi phải giữ thói quen tiết kiệm vì nó là phong cách đầu tư của tôi.”
Làm việc chăm chỉ
Khi cha của Templeton phá sản và mất tất cả trong cuộc đại suy thoái 1929-1932 thì gánh nặng tài chính lại nặng thêm trên đôi vai chàng trai học năm nhất trường Yale. Templeton được gia đình gọi về để phụ giúp vào việc kiếm tiền và tồn tại.
Nhưng thay vì trở về, sự khó khăn càng thúc đẩy Templeton quyết tâm chăm chỉ học hành để có thể giành được học bổng và bắt đầu làm ba công việc khác nhau cùng một lúc để có thể trang trải cuộc sống sinh viên cũng như gửi tiền về hỗ trợ gia đình.
Khoản lợi nhuận dễ kiếm nhất là khi ông tăng thu nhập bằng việc chơi trò poker với các sinh viên giàu có trong trường. Templeton thắng đậm vì xét cho cùng thì việc đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng như đánh bài poker vậy.
Sau này ông nói về giai đoạn khó khăn này rằng: “Nếu bạn sẵn sàng làm việc chăm chỉ và có ý chí bền bỉ thì bất cứ điều gì đều có thể.”
Lợi thế cạnh tranh
Nếu bạn muốn kiếm tiền với vai trò là một nhà đầu tư, bạn phải biết lợi thế của mình để không phải bắt chước. Vào thập niên 1930, Templeton đã tham dự một khóa học phân tích do Graham đứng lớp. Sau khi tốt nghiệp, ông đã phát triển hệ thống và triết lý đầu tư của riêng mình dựa trên phương pháp cơ bản của Graham.
Là một du khách đi tiên phong vào thế giới cổ phiếu trên thị trường giá hạ khắp thế giới, phương pháp của ông trái ngược với số đông và như ông nói thì: “Dù trong đầu tư hay trong cuộc sống cá nhân thì tôi đều không đi theo số đông.” Thị trường chứng khoán là tập hợp nhiều người đi theo giá cả ở bất kỳ thời điểm nào.
Để chiến thắng trên thị trường, không nhất thiết phải có tầm hiểu biết hay khả năng kinh doanh vượt trội nhưng bạn phải có nguyên tắc để đứng vững mà không bị trôi xuôi theo dòng nước.